Câu chuyện điểm thi và những bất ngờ...

(PLO) - Câu chuyện về 4.200 bài thi đạt điểm 10 tại kỳ thi THPT quốc gia vẫn chưa hết “sốt” bởi nhiều cái lạ. Lạ bởi chưa bao giờ điểm 10 của 1 kỳ thi quan trọng lại nhiều như thế. Chỉ so sánh riêng năm 2016, số bài đạt điểm 10 cao gấp 60 lần. Điều quan trọng hơn là dư luận tiếp tục băn khoăn về bệnh thành tích và hơn hết là số lượng điểm 10 kia có thể hiện chất lượng giáo dục?
Nhiều bất ngờ trong kì thi THPT Quốc gia 2017 (Ảnh minh họa)
Nhiều bất ngờ trong kì thi THPT Quốc gia 2017 (Ảnh minh họa)

May rủi… khi được điểm 10

Chỉ mấy năm trước, khi mùa thi với hàng ngàn điểm 0 môn Sử khiến dư luận sững sờ, tư lệnh ngành giáo dục khi đó cho rằng: Hàng ngàn điểm 0 là bình thường. Không thể trách Bộ trưởng khi đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi, người khá, đâu là người yếu kém. Vì vậy, quá trình thi lộ ra những học sinh kém là bình thường! Năm nay, trái ngược lại với cơn sốc hàng ngàn điểm 0 môn Sử, kì thi quốc gia chứng kiến một cơn mưa điểm 10: TP Hà Nội có 621 điểm 10, TP.HCM có 453 điểm 10...

Trong khi đó, năm 2016, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước chỉ có 100 bài thi đạt điểm 10. Năm 2015, toàn quốc thậm chí chỉ có duy nhất một thí sinh đạt 10 điểm môn Vật lý, và cũng chỉ 85 thí sinh đạt 10 môn Toán. Năm ngoái, số điểm liệt nhiều không đếm xuể.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, nói: Tôi băn khoăn tại sao có 24 mã đề thi khác nhau trong một môn trắc nghiệm tổ hợp? Câu hỏi khác nhau như vậy hơi rối rắm, phức tạp. Tại sao không thay đổi đánh số thứ tự câu hỏi, câu trả lời khác nhau, để tránh học sinh trao đổi bài, không nhìn bài nhau? Tôi nghĩ cần biện pháp khắc phục vấn đề này.

PGS Văn Như Cương nhận xét đề thi trắc nghiệm tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội năm nay có một số điểm chưa hợp lý. Thứ nhất, Toán học được chuyển đổi từ hình thức thi tự luận thành trắc nghiệm, nhiều ý kiến đã phản đối. Các bài thi trong 3 môn tổ hợp (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân), câu hỏi không liên quan nhau. Thực chất, đó chỉ là 3 đề thi ghép vào, gây căng thẳng, nặng nề cho thí sinh.

Đành rằng học sinh không có lỗi gì trong cái chất lượng ảo này. Bởi từ cơn lũ điểm liệt năm ngoái cho đến cơn mưa điểm 10 năm nay vẫn là sự bế tắc, là dấu hỏi lớn về chất lượng giáo dục từ hàng thập kỷ nay vẫn chưa được trả lời dù đã bao nhiêu lần “thay toa, bốc thuốc”.

Theo TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT trường ĐH FPT thì chúng ta không thể so sánh năm ngoái ít điểm 10 và năm nay nhiều điểm 10 là  cuộc thi “có vấn đề”. Ví như môn Toán, năm ngoái thi dưới hình thức tự luận còn năm nay thi dưới hình thức trắc nghiệm thì không thể so sánh được. Chúng ta chỉ so sánh lượng điểm 10 của năm ngoái và năm nay với những môn cùng thi hình thức trắc nghiệm như Lý, Hóa, Anh, Sinh. Với những môn cả hai năm đều thi trắc nghiệm mà số điểm 10 lệch nhau quá nhiều thì chỉ có thể khẳng định: Năm ngoái đề quá khó và năm nay đề quá dễ. Điều này phụ thuộc vào cách thức ra đề. Kỳ thi THPT quốc gia vừa phục vụ cho việc xét tốt nghiệp vừa phục vụ cho xét tuyển ĐH nên mong muốn làm sao để tạo ra được sự phân hóa với thí sinh. Đương nhiên cũng phải có những câu dễ để phục vụ xét tốt nghiệp và có những câu khó để phân loại được trình độ khác nhau của thí sinh.

Điểm cao, thật hay ảo?

Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận với nhau, không thể có chuyện cải cách giáo dục mà từ năm trước sang năm sau lượng điểm 10 tăng đột biến như vậy, trong khi Bộ GD&ĐT khẳng định đề thi đã được chuẩn hóa. Thực tế, nhiều phụ huynh có con được điểm 10 cũng ngạc nhiên vì sao con mình giỏi đến thế. Biết đâu có những câu hỏi khó quá, thí sinh tô bừa đáp án lại đúng? Chúng ta không thể chỉ nhìn vào những điểm 10 mà tung hô chất lượng được nâng cao.

GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng ông không tán thành hình thức thi trắc nghiệm, nhất là với môn Toán. Ông cho rằng hình thức thi này phản ánh không đúng năng lực của học sinh, không thể hiện được chiến lược tư duy của giới trẻ. Bởi thi trắc nghiệm là những câu hỏi ngắn, trong khi có những câu hỏi có mẹo riêng, nhìn cũng ra đáp án đúng mà không cần tính toán, không cần tư duy. “Tôi chỉ sợ “mưa điểm 10” ở bài thi trắc nghiệm nó phản ánh một chất lượng giáo dục ảo”, GSTS Phạm Tất Dong nhấn mạnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhận xét về chênh lệch điểm số, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng số lượng thí sinh điểm cao và số lượng điểm thấp là 9, 10 và 0, 1, 2 cũng có không nhiều hay quá ít như mọi năm. Mọi năm, đề thi chủ yếu là tự luận, câu khó chỉ rơi vào chương nào nên học sinh học tủ mới làm được, còn hiện tại câu khó rơi vào tất cả các chương nên thí sinh học đều, sâu có thể làm được. 

Như vậy, có thể thấy một số nguyên nhân, đó là theo lộ trình thay đổi, đề thi năm nay chỉ gói gọn trong chương trình lớp 12, TS vừa được thi những phần vừa học vừa giảm được 1/3 lượng kiến thức. Thêm nữa, số lượng câu hỏi khó giảm đi nhiều so với năm trước. Và cuối cùng, do cách thức thi tổ hợp môn, TS có thể “mượn” thời gian của môn này để làm bài môn kia, từ đó có thêm thời gian rà soát chắc chắn các phương án

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng nếu học sinh giỏi thực sự thì chuyện có nhiều điểm 10 thì cũng không có gì đáng bàn. Tuy nhiên, khi thay đổi phương thức thi, điểm số cao sẽ có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều điểm cao cũng khiến dư luận đặt câu hỏi người chỉ đạo ra đề thi có hướng đến bệnh thành tích, ra đề thi dễ hơn so với trình độ của học sinh và thí sinh dễ “ăn” điểm”. Ông cho rằng, điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017 cao, nhiều điểm 10 thì chúng ta cần xem xét đề thi có phù hợp với trình độ của học sinh hay không? Số điểm có phản ánh đúng trình độ của học sinh hay không…

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “Với ma trận đề thi năm nay, sẽ có những thí sinh đạt điểm cao nhưng số đạt điểm tuyệt đối không nhiều, không còn “mưa” điểm 10 như trước đây. Do đó, các trường vẫn dễ dàng trong việc sử dụng kết quả để xét tuyển đại học”.

Tại thời điểm đó, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho hay, theo quy trình làm đề thi năm nay, các câu hỏi sau khi chuẩn hóa được sắp xếp thành các nhóm dễ, trung bình, khó và rất khó. Sau đó hội đồng ra đề thi mới bốc câu hỏi trong từng nhóm đó ra để làm đề thi. Sẽ có nhóm làm được 25%, nhóm làm được 30% tùy theo trình độ của các em. Chỉ cần làm được thêm 1 câu mức điểm sẽ khác đi, chứ không phải tất cả các em đều làm một mức như nhau. Với ma trận đề thi như vậy, sẽ có những câu rất khó mà chỉ những em thật giỏi mới có thể làm được. Song thực tế “ma trận” đó đã bị phá vỡ khi đã có hàng nghìn điểm 10 ở tất cả các môn thi.

Theo nhà báo Phạm Trung Tuyến, câu chuyện điểm cao không chỉ phổ biến ở học bạ của học sinh tiểu học. Việc có quá nhiều điểm số tuyệt đối có thể đáng mừng vì số lượng học sinh xuất chúng cho thấy chất lượng giáo dục đã có những bước tiến vượt bậc, cũng có thể đáng lo vì nó phản ánh chương trình học phổ thông đang được xây dựng phải chăng quá thấp so với khả năng của học trò?

Nhưng rất có thể, những điểm số tuyệt đối đó chẳng có ý nghĩa gì vì chỉ đơn giản là sự lạm phát. Tuy nhiên, cho dù số lượng điểm cao phản ánh bất cứ khía cạnh nào thì việc có quá nhiều điểm cao cũng tạo nên một thứ ảo giác có hại cho chính những đứa trẻ, và phụ huynh của chúng.

Với kết quả học tập không tỳ vết, với những điểm số tuyệt đối, một thế hệ con trẻ đang bị cuốn vào một cuộc đua vô tiền khoáng hậu mà chỉ điểm số là quan trọng, mọi thứ kỹ năng sống khác, có hay không không còn quan trọng nữa. Với sự phổ cập điểm cao trên diện rộng, bất cứ sơ sảy nào của đứa trẻ cũng sẽ trở thành bi kịch khi nó bị tụt lại trong một cộng đồng tuyệt đối hoàn hảo. Và khi mà chưa lạm phát điểm cao thì đất nước này cũng đã lạm phát tiến sĩ rồi. Giờ đây, với một thế hệ người Việt dễ dàng đạt điểm số tuyệt đối mỗi kỳ thi, chúng ta sẽ có một đất nước lạm phát thiên tài. Làm người bình thường lại quá khó khăn!

Đọc thêm