Câu chuyện pháp luật liên quan đến tổ chức show diễn quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Về nguyên tắc, nghệ sĩ nước ngoài khi tổ chức show diễn tại Việt Nam đều phải tìm hiểu, tuân thủ những quy định của pháp luật trong nước nhằm phòng, tránh những rủi ro pháp lý như bị xử phạt hành chính, bị thu hồi giấy phép biểu diễn… Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng.

Cẩn trọng với vấn đề bản quyền

Những tuần trước đêm biểu diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink tại Hà Nội, hàng vạn người hâm mộ Việt Nam vẫn “đứng ngồi không yên” bởi lo lắng show có thể bị hủy. Trước đó, ngày 20/7, Công ty TNHH Âm nhạc IME, đơn vị tổ chức chương trình biểu diễn, đã đưa thông báo xác nhận hai đêm nhạc BlackPink sẽ diễn ra với quy mô tương tự như các buổi biểu diễn khác trên toàn cầu. Tuy nhiên, mạng xã hội lại lan truyền những thông tin về việc Ban Tổ chức chưa thật sự chuẩn bị kỹ càng mọi công đoạn về thủ tục pháp lý dẫn tới khả năng đêm diễn sẽ bị hủy.

Chuyến lưu diễn của nhóm nhạc Blackpink đang gây hiệu ứng mạnh mẽ trong cộng đồng người hâm mộ toàn cầu. (Ảnh: Blackpink Twitter)Chuyến lưu diễn của nhóm nhạc Blackpink đang gây hiệu ứng mạnh mẽ trong cộng đồng người hâm mộ toàn cầu. (Ảnh: Blackpink Twitter)

Thậm chí, đến tận “phút chót”, tức vài giờ trước giờ biểu diễn của nhóm nhạc vào ngày 29/9, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) gửi đơn đến UBND TP Hà Nội và Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội đề nghị hủy show vì Công ty IME chưa hoàn tất nghĩa vụ trả tiền bản quyền âm nhạc. Cụ thể, trong Văn bản số 937 của VCPMC gửi các cơ quan chức năng nêu rõ: “Đến thời điểm 13 giờ ngày 29/7/2023, tài khoản ngân hàng của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam vẫn chưa nhận được thanh toán như thỏa thuận, mặc dù Công ty TNHH Âm nhạc IME có gửi ủy nhiệm chi, trong đó có thông tin ngày ủy nhiệm chi 19 giờ 02 ngày 28/7/2023; trạng thái giao dịch thành công; ngày hạch toán 31/7/2023”.

Trước đó, VCPMC khẳng định, Trung tâm này là đối tác duy nhất ở Việt Nam của Hiệp hội Bản quyền âm nhạc Hàn Quốc (KOMCA) được ủy quyền thu tiền tác quyền ở Việt Nam với những nhạc phẩm mà KOMCA có quyền bảo vệ tác quyền. Do đó, VCPMC đã liên hệ với IME để yêu cầu xin phép và trả tiền bản quyền các nhạc phẩm thuộc quyền KOMCA trước khi chương trình diễn ra. Tuy nhiên, đến ngày 19/7, IME vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả. Đến ngày 21/7, VCPMC và IME đã có buổi làm việc về vấn đề này. Công ty IME đồng thuận nộp phí trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam nhưng mong muốn được VCPMC cho ra phương án tối ưu. Sau đó, hai bên đã có một buổi làm việc khác vào 26/7, nhưng vẫn chưa tìm được “tiếng nói chung”. Bởi vậy, ngày 27/7, VCPMC đã có văn bản gửi cơ quan chức năng đề nghị thu hồi giấy phép biểu diễn của nhóm BlackPink do Ban Tổ chức có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng bản quyền tác giả.

Nguyên nhân chính của vụ “lùm xùm” liên quan đến bản quyền này là do VCPMC và IME chưa đồng thuận được cách tính tiền nhuận bút. Trả lời báo chí, đại diện IME Việt Nam cho biết, phí tác quyền ban đầu theo tính toán VCPMC cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Điều này lý giải cho sự “chần chừ” của Ban Tổ chức đến “phút chót” vẫn chưa hoàn thành được nghĩa vụ trả phí bản quyền. Mặc dù đến ngày 28/7, hai bên đã thống nhất mức chi phí, con số cuối cùng không được tiết lộ nhưng phía IME cho biết con số phải đóng “dễ chịu hơn nhiều” so với con số VCPMC đưa ra ban đầu.

Mặc dù cuối cùng 2 đêm diễn của BlackPink vẫn diễn ra trọn vẹn và thành công nhưng vẫn có những tranh luận liên quan đến công tác tổ chức, thủ tục xin cấp phép và bảo đảm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý khác của một show diễn quốc tế tại Việt Nam. Về nguyên tắc, nghệ sĩ nước ngoài khi tổ chức show diễn tại bất kỳ quốc gia nào đều phải tìm hiểu, tuân thủ những quy định của pháp luật trong nước của quốc gia sở tại nhằm phòng, tránh những rủi ro, hậu quả pháp lý không đáng có, mà nặng nề nhất là bị hủy show.

Blackstreet Boy trong đêm diễn tại Hà Nội ngày 26/3/2011. (Ảnh: Hoàng Hà)

Blackstreet Boy trong đêm diễn tại Hà Nội ngày 26/3/2011.

(Ảnh: Hoàng Hà)

Nhiều ý kiến cho rằng, bởi số lượng show diễn quốc tế tại Việt Nam vẫn chưa nhiều, nên việc lường trước các tình huống pháp lý xảy ra không hề đơn giản. Trong câu chuyện tranh chấp về bản quyền giữa hai đơn vị nêu trên, điều không thể chối cãi là Ban Tổ chức, tức là Công ty IME, có nghĩa vụ phải tuân thủ các quy định pháp luật về bản quyền tại Việt Nam. Tuy nhiên, một chiều dư luận cho rằng, phía Ban Tổ chức đã chủ quan khi “nước đến chân mới nhảy”, sát ngày tổ chức mới ngồi họp bàn đề xuất phương án tốt nhất, rồi cận ngày diễn mới thực hiện nghĩa vụ.

Ở chiều ngược lại, một bộ phận dư luận cũng đặt câu hỏi về cách tính phí bản quyền của VCPMC liệu đã hợp lý chưa, căn cứ trên cơ sở nào và liệu điều này có thể trở thành một trong những “rào cản” khiến các công ty tổ chức sự kiện e ngại tổ chức show quốc tế tại Việt Nam trong tương lai.

Cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn

Có thể thấy, dù chỉ thiếu một nghĩa vụ là thanh toán phí bản quyền nhưng một show diễn quốc tế có thể đứng trước nguy cơ bị hủy diễn hoàn toàn. Đáng nói, bên cạnh thủ tục xin cấp phép và nghĩa vụ về bản quyền, Ban Tổ chức đêm diễn còn phải thực hiện nhiều nghĩa vụ khác.

Tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, Ban Tổ chức phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện sau: Là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật; Hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn; Tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật; Phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự an toàn xã hội, môi trường, y tế và phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật; Có văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, trong trường hợp Ban Tổ chức không đáp ứng được các điều kiện về an ninh hoặc môi trường hay y tế thì đều có thể có nguy cơ bị hủy show diễn. Chưa kể tới các vấn đề về cấp thị thực cho các thành viên, người lao động nước ngoài trong ê kíp biểu diễn.

Nhóm nhạc Westlife đến biểu diễn tại Việt Nam năm 2011. (Ảnh: Hoàng Hà)

Nhóm nhạc Westlife đến biểu diễn tại Việt Nam năm 2011.

(Ảnh: Hoàng Hà)

Không thể phủ nhận những lợi ích mà các show diễn quốc tế của các nghệ sĩ đình đám trên thế giới có thể đem tới cho các điểm đến tổ chức sự kiện tại Việt Nam, thế nhưng việc bảo đảm các tổ chức này tôn trọng và tuân thủ đúng, đủ các quy định pháp luật hiện hành cũng là một yêu cầu quan trọng. Để tạo điều kiện thu hút thêm những sự kiện biểu diễn nghệ thuật quốc tế đến Việt Nam, một hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất. Việc thiếu vắng các quy định, hướng dẫn rõ ràng có thể dẫn tới những tranh cãi, bất đồng quan điểm như trong vụ việc giữa hai đơn vị VCPMC và Công ty IME.

Trả lời báo chí, PGS.TS Bùi Hoài Sơn Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề xuất, ở góc độ quản lý Nhà nước, việc bổ sung quy định về tiền bản quyền cho chương trình ca nhạc liveshow trong Nghị định 17/2023/NĐ-CP thời gian tới cần hướng đến tính linh hoạt, công bằng và thỏa đáng. Đồng thời khuyến khích các bên sử dụng dịch vụ đại diện bản quyền để dễ dàng hơn trong việc thoả thuận chi phí; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng bản quyền để tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển công nghiệp văn hóa và tổ chức các liveshow đa dạng, chất lượng hơn.

Ngoài ra, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, các nhà làm luật cần nghiên cứu các quy định của các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới liên quan đến việc tổ chức các show diễn quốc tế tại nước họ, nhằm cập nhật các quy định pháp luật về biểu diễn, vừa tạo cơ chế ưu đãi, thu hút nghệ sĩ nổi tiếng đến lưu diễn, vừa phù hợp với điều kiện tại Việt Nam.

Đọc thêm