Câu chuyện sách giáo khoa: Tại sao lỗ 40 tỉ vẫn chiết khấu 250 tỉ?

(PLO) - Vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (VHGDTNTN&NĐ) đã họp phiên toàn thể với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có Báo cáo kết quả “Khảo sát một số nội dung trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2012 – 2017”.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, nếu muốn thì sẽ phá được thế độc quyền SGK. (Ảnh minh họa)

“Vừa đá bóng, vừa thổi còi”?

Báo cáo của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ, theo quy định của Luật Giáo dục, Bộ GD&ĐT có thẩm quyền tổ chức biên soạn, thẩm định, giao cho NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức biên tập, xuất bản và phát hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông (SGK GDPT). Thời gian qua, việc xuất bản SGK GDPT thực hiện theo quy trình: bản thảo sau khi được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt, sẽ giao cho Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD) tổ chức xuất bản, in và phát hành.

Qua khảo sát cho thấy dư luận rất băn khoăn cho rằng việc Bộ GD&ĐT vừa tổ chức biên soạn, vừa tổ chức thẩm định, phê duyệt, chỉ đạo việc xuất bản, in và phát hành SGK đã tạo ra thế độc quyền khép kín trong tất cả các khâu của quy trình từ biên soạn đến phát hành.

Ủy ban VHGDTNTN&NĐ nhận định, việc Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn, phê duyệt, xuất bản SGK không phù hợp với Luật Xuất bản 2012 và xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay là cơ quan quản lý nhà nước không tham gia biên soạn, xuất bản mà chỉ tổ chức kiểm duyệt, thẩm định SGK.

Ngoài ra, Ủy ban VHGDTNTN&NĐ cho rằng, hoạt động in, phát hành SGK GDPT những năm qua còn tồn tại một số hạn chế như: việc in SGK GDPT chỉ được đấu thầu rộng rãi sau khi đã trừ sản lượng giao cho các đơn vị in nội bộ của NXBGD và những tên sách có số lượng in thấp.

Bên cạnh đó, tình trạng in lậu, in nối bản SGK GDPT ngày càng lan rộng, tinh vi và phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước và người sử dụng trong phân biệt thật, giả, phát hiện vi phạm; ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tác giả, của nhà xuất bản và người tiêu dùng. SGK GDPT in lậu có chất lượng kém như hình ảnh bị mờ, chữ mất nét, không có các nội dung chỉnh sửa, bổ sung, gây khó khăn cho học sinh trong quá trình học.

Đặc biệt, hệ thống phát hành SGK GDPT còn cồng kềnh, quy trình phát hành chưa thật hợp lý do phải trải qua nhiều khâu trung gian làm tăng chi phí vận chuyển, các chi phí trung gian khác. Mức chi chiết khấu phát hành SGK GDPT khoảng 250 tỷ đồng/năm (tương đương với 25% doanh thu hàng năm 1.000 tỷ đồng) là khá cao, chưa thật phù hợp với cơ cấu giá thành, ảnh hưởng lớn đến việc chi trả của học sinh, giáo viên, lợi nhuận của các cơ sở in và các tổ chức, cá nhân liên quan khác.

Trong nhiều năm qua, tình trạng phần lớn SGK chỉ sử dụng một lần dẫn đến việc SGK thay mới với số lượng rất lớn hàng năm (NXBGD in, phát hành khoảng 100 triệu bản, doanh thu gần 1.000 tỷ đồng/năm), gây lãng phí ngân sách nhà nước, tăng chi trả của người dân, gây bức xúc dư luận xã hội.

Sách công nghệ giáo dục cao gấp 4 lần 

Bên cạnh đó, đối với việc in, phát hành bộ sách VNEN (theo chương trình giáo dục thử nghiệm mới) và tài liệu Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục cũng để nảy sinh nhiều bất cập. Cụ thể, giá bán 1 bộ sách VNEN cao gấp 4 lần giá 1 bộ SGK GDPT 2000 đối với sách lớp 3 và lớp 4; gấp 3 lần đối với các lớp 5, 6 và 7. Ngoài ra, do sách VNEN còn thiếu một số môn nên học sinh học sách VNEN ngoài việc phải chi số tiền rất cao cho bộ sách hướng dẫn học còn phải chi thêm tiền mua các môn còn thiếu SGK GDPT 2000 làm tăng gánh nặng chi phí của phụ học sinh và giáo viên. 

Tuy là sách thí điểm nhưng hàng năm sản lượng in ấn, phát hành sách VNEN và sách Tiếng Việt lớp 1 CNGD tăng đột biến. Năm 2017 sản lượng in, phát hành tài liệu tiếng Việt lớp 1 CNGD là hơn 5,3 triệu bản (khoảng 5% SGK GDPT 2000), tăng gần 13 lần so với năm 2012; sách VNEN là hơn 10,7 triệu bản (khoảng 10% SGK GDPT 2000), tăng gấp 5 lần so với năm 2014.

Đặc biệt, doanh thu từ sách VNEN năm 2017, nếu tính theo sản lượng phát hành và giá bán, đạt khoảng hơn 300 tỷ đồng/năm, tương đương 1/3 doanh thu từ SGK 2000. Chiết khấu từ phát hành VNEN nếu tính theo chiết khấu phát hành đối với SGK 2000 là 25% giá bìa mỗi năm khá lớn, hơn 70 tỷ đồng.

Theo giải trình gửi Ủy ban VHGDTNTN&NĐ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành SGK GDPT giai đoạn 2012-2017, Bộ GD&ĐT đã lý giải: Việc xuất bản, phát hành SGK lỗ 40 tỷ/năm vì giá bán giữ nguyên từ năm 2011. Trong khi đó, thị trường có nhiều thay đổi, giá nguyên vật liệu tăng.

Với chương trình GDPT hiện hành, Bộ GD&ĐT giao cho NXBGD tổ chức bản thảo, biên tập, thiết kế, minh họa, đăng ký xuất bản, in và phát hành SGK. Từ đó đến nay, việc in SGK do NXBGD tổ chức thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn các nhà in có đủ năng lực để bảo đảm chất lượng, tiến độ, giá thành hợp lý. Việc phát hành SGK được thông qua các công ty sách - thiết bị trường học địa phương và một số đối tác phát hành.

Theo Bộ GD&ĐT, do tính chất đặc thù của việc xuất bản, phát hành SGK nên NXBGD không được tự quyết định giá bìa SGK. Theo quy định hiện hành, SGK là mặt hàng được quản lý giá bởi Bộ Tài chính. Việc NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức đấu thầu để lựa chọn các công ty in, phát hành SGK nhằm đảm bảo cho SGK không bị lỗ hoặc lỗ ít trong bối cảnh giá nguyên vật liệu, nhân công tăng theo giá cả thị trường nhưng giá sách không thay đổi.

Lý giải về việc sách VNEN có giá đắt hơn, Bộ GD&ĐT cho biết sách VNEN có số trang nhiều hơn SGK thông thường, được in 4 màu, khổ sách 19x27cm, chủng loại giấy in tốt hơn, nên có giá cao hơn SGK thông thường khoảng 1,5-1,6 lần. Giá sách Hướng dẫn học theo mô hình VNEN cũng do Bộ Tài chính quản lý như đối với SGK. 

Theo Ủy ban VHGDTNTN&NĐ, đến nay, thêm 5 NXB được cấp phép có chức năng xuất bản SGK. Đó là NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm TP.HCM, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Vinh và NXB Đại học Huế. Thời điểm này, 5 NXB trên chưa tham gia vào thị trường xuất bản SGK. Xu hướng chung là các NXB này sẽ tham gia hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Đọc thêm