Những người thầy đặc biệt của học viên cai nghiện ma túy trên Đất Mỏ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gọi họ là những thầy giáo, cô giáo đặc biệt bởi công việc của họ là giáo dục, cảm hóa những học viên cai nghiện ma túy tại tỉnh Quảng Ninh...
Lớp học xóa mù tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh.
Lớp học xóa mù tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh.

Những ngày đầu mới vào làm việc, môi trường mới, lạ lẫm, những học viên với những hình xăm kỳ quái, bặm trợn, thiếu cơ sở vật chất, xa nhà…, là những ký ức không thể nào quên của các thầy, cô giáo, khi bén duyên với nghề giáo dục, cảm hóa những học viên cai nghiện ma túy tại Quảng Ninh.

Sinh ra và lớn lên tại TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng tại Hà Nội, năm 2005, cô Vũ Thị Thùy Linh (40 tuổi), bén duyên với nghề giáo dục, cảm hóa những học viên tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh).

Cô Linh chia sẻ: “Mang trong mình hoài bão và khát khao cống hiến xây dựng quê hương, bằng sức trẻ, đam mê, nhiệt huyết, ngay sau khi ra trường (năm 2005), tôi được nhận vào làm tại Trung tâm cai nghiện ma túy Vạn Cảnh. Tháng 8 năm 2006, trung tâm chuyển từ đảo Vạn Cảnh, huyện Vân Đồn về xã Vũ Oai, huyện Hoành Bồ (nay là TP Hạ Long) và năm 2017 được đổi tên thành Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh”.

Cô giáo Vũ Thị Thùy Linh dạy nghề cho các học viên tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh.
Cô giáo Vũ Thị Thùy Linh dạy nghề cho các học viên tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh.

Quyết tâm phấn đấu, rồi yêu nghề từ lúc nào không hay…

Nhớ lại những ngày đầu mới vào làm việc, cô Vũ Thị Thùy Linh không khỏi bùi ngùi xúc động: “Đảo Vạn Cảnh khi đó không có người dân sinh sống, nằm giữa vịnh Bái Tử Long, thiếu điện, thiếu nước sạch, có khi cả tháng chúng tôi mới được về thăm nhà vì điều kiện xa xôi, giao thông cách trở, thi thoảng mượn được điện thoại để gọi về nhà thì phải leo lên các điểm cao hoặc ra sát mép biển, các thầy cô ở đây gọi là ‘đi vớt sóng’. Thi thoảng mới được trung tâm tạo điều kiện ‘nổ máy phát điện’, để thầy cô được xem chương trình giải trí hoặc trận bóng đá trên sóng truyền hình. Tối đến, các thầy cô còn tranh thủ rủ nhau ra sát mép đảo đánh cá, vừa có thêm thực phẩm cải thiện bữa ăn, vừa tạo tinh thần vui vẻ, đoàn kết, quên đi nỗi nhớ nhà”.

Cô giáo Vũ Thị Thùy Linh chia sẻ chuyện nghề với tác giả bài viết.
Cô giáo Vũ Thị Thùy Linh chia sẻ chuyện nghề với tác giả bài viết.

Cô Linh chia sẻ thêm: “Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, những ngày đầu, các thầy cô không khỏi ‘phân tâm’ khi tiếp xúc với những học viên nơi đây, với những hình xăm kỳ quái, bặm trợn, hầu hết học viên đã có thời gian dài sử dụng ma túy. Việc quản lý hàng trăm con người không còn lành lặn về thể chất lẫn tinh thần, thực sự là một công việc khắc nghiệt đối với đội ngũ cán bộ nơi đây.

Nhiều học viên vào đây mang tiền án, tiền sự, từng ra tù vào tội, nên thường có hành vi bạo lực, chống đối hoặc bất hợp tác, làm ngược với những người bình thường. Mặt khác, hầu hết học viên khi vào cai nghiện sức khỏe kém, rồi có cả những học viên mắc HIV/AIDS. Vì thế, mặc dù đã có rất nhiều biện pháp phòng ngừa, nhưng cũng có trường hợp cán bộ, giáo viên, nhân viên của cơ sở bị nhiễm lao từ học viên”.

Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng theo cô Linh: “Tôi và nhiều thầy cô khác tại trung tâm vẫn khắc phục, phấn đấu từ những ngày đầu làm việc, là sức trẻ, mong muốn giúp những học viên của mình sớm quên đi “cái chết trắng” đeo đẳng cuộc đời họ. Cứ như thế, ‘mưa dầm thấm lâu’, tình yêu và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ở Cơ sở cai nghiện ma túy đã làm thay đổi số phận của không ít học viên”.

Thầy Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng Giáo dục – Dạy nghề (Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh), dạy học viên trồng cây nông nghiệp.
Thầy Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng Giáo dục – Dạy nghề (Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh), dạy học viên trồng cây nông nghiệp.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng Giáo dục – Dạy nghề (Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh) kể, năm 2011, học viên Vắn Minh T (sinh năm 1976, người dân tộc thiểu số huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh), vào trung tâm với tinh thần suy sụp, chán đời. Sau nhiều lần thầy cô gặp gỡ, động viên, chia sẻ, học viên T đã ổn định tâm lý, quyết tâm đoạn tuyệt ma túy, đến nay đã trở về địa phương kinh doanh siêu thị điện máy, thường xuyên hỗ trợ từ thiện các hoàn cảnh éo le và đóng góp xây dựng quê hương. "Bằng tình cảm chân thành giống như những người thân trong gia đình, các thầy cô nơi đây đã giúp đỡ, cảm hóa hàng trăm người lầm lỡ, rơi vào con đường nghiện ma túy tìm lại chính mình", ông Nguyễn Trung Kiên nói.

Nhằm tạo điều kiện vui chơi, giải trí cho học viên, Cơ sở duy trì các hoạt động văn hóa - văn nghệ, xem truyền hình, đọc sách, báo, tập luyện thể dục thể thao..., giúp học viên tăng cường sức khỏe, đảm bảo chế độ rèn luyện phục hồi trong quá trình điều trị cai nghiện. Cơ sở còn tổ chức gặp mặt các gia đình có người thân đang cai nghiện, góp phần gắn kết Cơ sở với thân nhân học viên, từ đó nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy tại cơ sở. Đặc biệt, Cơ sở phối hợp các trường dạy nghề trên địa bàn, tổ chức dạy nghề, tuyên truyền phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật cho các học viên.

Hàng năm, Cơ sở Cai nghiện ma túy Quảng Ninh còn rà soát mở các lớp dạy xóa mù chữ, tạo động lực cho các học viên, xóa bỏ mặc cảm, tự ti, có một tinh thần lạc quan, thái độ sống tích cực, có ý chí vươn lên và quyết tâm cai nghiện để sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Học viên trung tâm đọc Báo Pháp luật Việt Nam, bồi dưỡng kiến thức pháp luật.
Học viên trung tâm đọc Báo Pháp luật Việt Nam, bồi dưỡng kiến thức pháp luật.

Học viên Nguyễn Minh Đ (34 tuổi, thường trú TX Quảng Yên, Quảng Ninh) giãi bày: “Năm 16 tuổi, tuổi trẻ nông nổi, tôi theo bạn bè rủ rê dùng thử ma túy xem nó phê pha thế nào. Rồi tôi nhờ người mua dùng thêm nhiều lần cho biết rõ cảm giác phê pha, nghiện ma túy lúc nào không hay. Tôi được gia đình đưa vào Cơ sở Cai nghiện ma túy Quảng Ninh. Được các thầy cô điều trị, động viên, quan tâm từ bữa ăn, giấc ngủ, tôi quyết tâm cai nghiện để sớm tái hòa nhập cộng đồng”.

Khác với Nguyễn Minh Đ, Nguyễn Văn Ph (42 tuổi, thường trú tại TP Móng Cái, Quảng Ninh) bỏ học từ sớm, bươn chải kiếm tiền tại khu vực biên giới, sử dụng ma túy chỉ để khẳng định "cái tôi". "Vào đây, tôi được các thầy cô dạy thêm văn hóa, dạy nghề... Tôi đang cố gắng tìm lại chính mình, trở thành người có ích cho xã hội”, anh Ph chia sẻ.

Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, học viên Nguyễn Minh Đ và học viên Nguyễn Văn Ph nhờ phóng viên gửi tới các thầy cô lời chúc sức khỏe, mong thầy cô luôn tràn đầy nhiệt huyết để giáo dục, cảm hóa những học sinh “cá biệt”. Dẫu biết rằng, con đường trở về với cộng đồng của các học viên cai nghiện còn nhiều chông gai, cạm bẫy, nhưng khi vượt qua rồi, được sự giúp đỡ thường xuyên của các thầy cô trong Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh, các học viên sẽ thấy giá trị đích thực của cuộc sống, tìm lại chính mình, trở thành những công dân có ích...

Đọc thêm