Câu chuyện “vỉa hè”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Câu chuyện lát đá tự nhiên cho vỉa hè Hà Nội đã không còn trong phạm vi một địa phương. Khi trở thành đề tài của truyền thông, nhất là thời truyền thông xã hội “chiếm sóng” thì trong nước và quốc tế đều biết.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: Báo Xây dựng
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn: Báo Xây dựng

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sau 6 năm triển khai kế hoạch cải tạo vỉa hè, đến nay các quận đã lát đá tự nhiên cho vỉa hè 255 tuyến phố, tập trung ở các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy và Tây Hồ.

Ở đây, có mấy nội dung người dân quan tâm. Thứ nhất là, được tuyên truyền đá tự nhiên có tuổi thọ đến 70 năm, nhưng chưa đến 7 năm, những nơi được lát, không khó để bắt gặp những chỗ bị vỡ, gập ghềnh.

Thứ hai, từ chuyện đập vào mắt, không ít người có thắc mắc bao nhiêu tiền đã được chi ra để lát đá vỉa hè sau 6 năm? Con số đầu tư vẫn rất khó để tìm thấy một cách chi tiết và đầy đủ cho dù Hà Nội vẫn duy trì trang thông tin về công khai ngân sách. Tất cả những số liệu về nguồn kinh phí dành cho cải tạo vỉa hè chỉ lác đác ở một vài chỗ.

Yêu cầu công khai, minh bạch; chuyển đổi số, người dân có quyền được biết những thông tin này. Và nữa, về quy trình, chỉ định thầu hay đấu thầu? Nhà thầu nào trúng thầu những đoạn cải tạo vỉa hè bằng lát đá tự nhiên? Chi phí bao nhiêu? Cam kết bảo hành của nhà thầu đến đâu? Trách nhiệm của nhà thầu thế nào khi chỉ vài năm vỉa hè lát đá đã vỡ? Trách nhiệm của chủ đầu tư? Việc xử phạt các nhà thầu thi công gian dối, thiếu trách nhiệm (nếu có) ra sao?

Về nhà thầu, có nhà thầu cung cấp đá tự nhiên và thi công xây dựng. Đấy là chưa nói đến tư vấn giám sát, hội đồng nghiệm thu…

Câu chuyện “vỉa hè” Hà Nội, nó chỉ là một mặt (đập vào mắt) nhưng đặt ra một vấn đề lớn hơn, đó là dấu hiệu lãng phí, lãng phí từ trong quy hoạch, đầu tư xây dựng, sản xuất và tiêu dùng.

Hội nghị Trung ương, sau đó là Quốc hội vừa qua mới thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia. Ngày 25/10 vừa qua, Chính phủ mới ban hành Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vai trò của một tầm nhìn dài hạn, bài bản cho quy hoạch hạ tầng, từ hạ tầng giao thông đến hạ tầng đô thị... là vô cùng quan trọng. Như vậy sẽ khó có thể xảy ra chuyện gạch, đá lát vỉa hè thay đổi xoành xoạch.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiết kiệm là sử dụng hợp lý và có hiệu quả tiền của, thời gian, công sức lao động, tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nhằm nâng cao mức sống của nhân dân.

Chúng ta đã có Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (hiện là Văn bản hợp nhất số 16/VBHN-VPQH), nhưng xem ra cần thêm nhiều quyết tâm để Luật thực sự đi vào cuộc sống.

Đọc thêm