Cầu nối đưa vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo Quảng Bình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gần 20 năm làm tổ trưởng tổ tiết kiệm & vay vốn (TK&VV) của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), chị Hiền đã giúp nhiều gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu từ các mô hình kinh tế, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.
Nhiều hộ nghèo và cận nghèo đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH huyện Quảng Trạch.
Nhiều hộ nghèo và cận nghèo đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH huyện Quảng Trạch.

Với vai trò là “cánh tay nối dài” để chuyển vốn tín dụng chính sách giúp người nghèo vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Những năm qua, Tổ TK&VV do chị Nguyễn Thị Hiền, Chi hội trưởng Phụ nữ chi hội Pháp Kệ, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình làm Tổ trưởng thực sự là chiếc cầu nối đưa những đồng vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Vốn tính năng động, nhiệt tình, lại là người có uy tín ở địa phương. Chị Hiền không ngại khó khăn vất vả, luôn tận tâm với công việc, nhất là gương mẫu đi đầu trong công tác quản lý Tổ TK&VV. Trong sinh hoạt, bình xét đối tượng vay, chị luôn công khai minh bạch với các hội viên.

Gần 20 năm làm tổ trưởng Tổ TK&VV của Ngân hàng chính sách xã hội, chị Hiền (áo sọc) đã giúp nhiều gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

Gần 20 năm làm tổ trưởng Tổ TK&VV của Ngân hàng chính sách xã hội, chị Hiền (áo sọc) đã giúp nhiều gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

Nhờ thế gần 20 năm qua, chị đã giúp cho nhiều thành viên trong Tổ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng từ các mô hình trang trại, gia trại, kinh doanh trên các lĩnh vực, góp phần giúp các thành viên tự tin đầu tư phát triển sản xuất làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới của xã Quảng Phương.

Năm 2003, NHCSXH huyện Quảng Trạch đi vào hoạt động, cũng là thời điểm chị được bà con nhân dân tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương. Từ đó đến nay, không chỉ là “cánh tay nối dài” của NHCSXH giúp chuyển tải nguồn vốn đến đúng đối tượng, chị Hiền còn giúp giúp bà con tính toán, chia sẽ kinh nghiệm SXKD, cách sử dụng vốn vay hiệu quả, hỗ trợ lúc khó khăn, thực hành tiết kiệm, góp phần nâng cao chất lượng nguồn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả.

Chị tâm sự, thời gian đầu với vai trò là Tổ trưởng, chị đã gặp không ít khó khăn do nhận thức của các thành viên trong Tổ còn hạn chế. Đặc biệt, có nhiều hội viên thuộc hộ nghèo nhưng không dám vay vốn vì sợ không trả được nợ gốc và lãi cho ngân hàng.

Vì thế, chị phải tìm cách vận động các hộ gia đình trong thôn tham gia vào Tổ TK&VV. Cùng với đó là hướng dẫn cách sử dụng đồng vốn ưu đãi đúng mục đích, đúng đối tượng và có hiệu quả cao nhất và sự hỗ trợ cán bộ NHCSXH huyện Quảng Trạch. Mưa dầm thấm lâu, các thành viên trong Tổ dần hiểu được những lợi ích mà nguồn vốn vay ưu đãi mang lại nên đã tích cực tham gia các hoạt động của Tổ, cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Vốn tín dụng chính sách, giúp người nghèo vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

Vốn tín dụng chính sách, giúp người nghèo vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

Trong quá trình hoạt động, chị luôn tôn trọng các thành viên trong Tổ, lấy ý kiến công khai; đồng thời, phân tích để các thành viên trong tổ hiểu được những trường hợp, những hoàn cảnh khó khăn cần ưu tiên, tạo điều kiện để họ được vay với nguồn vốn cao nhất.

Khi được vay vốn, chị cũng luôn đồng hành và tìm cách để các thành viên được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi để áp dụng KHKT vào sản xuất, định hướng các thành viên chọn những mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Hàng tháng, hàng quý, Tổ TK&VV do chị Hiền quản lý đều sinh hoạt định kỳ để bình xét đúc rút kinh nghiệm, tránh tình trạng sử dụng vốn vay không hiệu quả, nợ đọng vốn. Nhờ thế, tổ viên thuộc Tổ vay vốn do chị Hiền quản lý có cuộc sống ổn định cao hơn, tốt hơn so với trước khi được tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH.

Điển hình là gia đình các chị Nguyễn Thị Hoàn, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Thuỷ, trước đó thuộc diện hộ cận nghèo tại thôn 2 Pháp Kệ, xã Quảng Phương. Cuối năm 2019, các chị tham gia vào Tổ TK&VV của chị Nguyễn Thị Hiền và được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Quảng Trạch.

Với số tiền được vay từ 50 triệu đến 155 triệu từ 3 chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cùng với sự hướng dẫn cách đầu tư phát triển sản xuất để nuôi bò, nuôi heo sinh sản... Đến năm 2021, chị Hoàn, chị Hương và chị Thuỷ đã thoát nghèo và đã trở thành một trong những hộ vay có nguồn thu nhập cao trong Tổ.

Nhờ nguồn vốn chính sách, nhiều gia đình ở Quảng Bình đã vươn lên thoát nghèo.

Nhờ nguồn vốn chính sách, nhiều gia đình ở Quảng Bình đã vươn lên thoát nghèo.

Chị Hoàn chia sẻ: "Nơi tôi sinh sống phần lớn bà con không biết tính toán làm ăn, lại thêm ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt, đất sản xuất hoang hóa, bạc màu, thiếu vốn sản xuất nên đời sống còn nhiều khó khăn. Đến năm 2019, sau khi vào Tổ TK&VV của chị Hiền, tôi quyết tâm xây dựng một mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Nói là làm, chị mạnh dạn vay vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách mua 04 con bò sinh sản và xây chuồng trại chăn nuôi, cùng 02 con lợn nái sinh sản.".

Nhờ cần cù chịu khó, lại được cán bộ hướng dẫn chăn nuôi đúng kỹ thuật, đến nay gia đình chị Hoàn đã bán ra thị trường hơn chục con giống cho bà con trong xã và các vùng lân cận. Mỗi năm, thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí. Ngoài chị Hoàn còn nhiều hộ nghèo và cận nghèo đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH huyện Quảng Trạch, đến nay nhiều hộ đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định.

Hiện Tổ TK&VV do chị Hiền quản lý có 48 hộ vay vốn tại các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước như chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, NS&VSMTN, HSSV,... tất cả đều sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng. Điều đặc biệt là không có nợ quá hạn, không có lãi tồn đọng. Hiện tổng số tiền dư nợ tại Tổ lên đến 2,6 tỷ đồng, 100% số hộ vay có tiền gửi tiết kiệm, số dư tiền gửi tiết kiệm tại thời điểm này hơn 213 triệu đồng.

Đọc thêm