Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11

Cầu nối vững chắc đưa pháp luật vào cuộc sống

(PLVN) -Thời gian qua, một số tỉnh Tây Nam Bộ như Tiền Giang, Bến Tre, Long An đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Các địa phương này đã nỗ lực xây dựng công tác PBGDPL trong 10 năm qua là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn.
Cầu nối vững chắc đưa pháp luật vào cuộc sống

10 năm với nhiều kết quả ấn tượng

Với phương châm văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực của ngành nào thì ngành đó chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện, trong 10 năm ngành Tư pháp Tiền Giang đã phối hợp với các sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thực hiện được 537.495 cuộc tuyên truyền cho 15.400.696 lượt người; biên soạn và phát hành miễn phí 7.071.608 bản tài liệu sinh hoạt. Bên cạnh đó, các đơn vị, ban, ngành trên địa bàn Tiền Giang đã tuyên truyền hơn 11.000 cuộc với hơn 400.000 lượt người dự thông qua hoạt động tiếp dân; tiếp nhận và xử lý hơn 15.000 đơn đúng quy định pháp luật; hòa giải thành 16.218/19.551 vụ việc thông qua tổ hòa giải… Ngoài ra, công tác PBGDPL cho một số đối tượng đặc thù như người lao động trong các doanh nghiệp; nạn nhân bạo lực gia đình; người khuyết tật; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cơ sở cai nghiện, hưởng án treo; người dân vùng biển được cũng được Tiền Giang quan tâm thực hiện và có nội dung, hình thức triển khai phù hợp.

Tại Bến Tre, công tác chỉ đạo, hướng dẫn, quán triệt, kiểm tra thực hiện Luật PBGDPL được UBND các cấp quan tân thực hiện. Theo đó Bến Tre tập trung tuyên truyền PBGDPL các lĩnh vực pháp luật như dân sự, hình sự, đất đai, hôn nhân và gia đình… và những chính sách, văn bản pháp luật khác có liên quan đến những vấn đề nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm. Công tác PBGDPL cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân được Bến Tre chú trọng. Để thực hiện tốt điều này, một số đơn vị đã phối hợp với nhau như Công an tỉnh Bến Tre cùng với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tổ chức 2.135 cuộc tuyên truyền pháp luật cho nư dân vùng biển với trên 74.853 lượt người tham dự; Hội Cựu chiến binh phối hợp với các địa phương vùng biển tuyên truyền cho 1.069 phương tiện, trong đó có 959 tàu đánh bắt xa bờ…

Riêng tỉnh Long An, trong 10 năm thi hành luật, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL và đội ngũ tham gia làm công tác PBGDPL. Hàng năm, đội ngũ công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về PBGDPL đều được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực hiện nhiệm vụ và đạo đức công vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Hiện, đội ngũ này không ngừng được củng cố, phát triển cả về số lượng và chất lượng, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động PBGDPL theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo

Sau 10 năm triển khai, công tác tuyên truyền PBGDPL ngày càng đi vào nề nếp, với nhiều mô hình, cách thức tuyên truyền hiệu quả, thiết thực đi vào lòng dân. Bên cạnh việc PBGDPL được thực hiện thông qua nhiều hình thức như hội nghị tập huấn, giới thiệu, phổ biến văn bản luật mới, sinh hoạt ngày pháp luật; đăng tải thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cổng thông tin điện tử…. thì công tác PBGDPL cũng được lồng ghép trong sinh hoạt của tổ chức chính trị - xã hội, các câu lạc bộ pháp luật, hoạt động trợ giúp pháp lý. Nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả, sáng tạo được áp dụng, cụ thể Bến Tre đã thực hiện tốt mô hình “Đội hình Luật gia trẻ”; “Nhóm nòng cốt”, “Mỗi tuần 1 bản tin pháp luật trên đài truyền thanh các xã biên giới, biển”; “Tiếng loa an ninh”; “Camera an ninh”…

Long An cũng đưa ra nhiều mô hình mới như “Tiết pháp luật”, “Quán cà phê pháp luật”, “Cà phê doanh nhân”, “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân”, “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật”. Hay tại Tiền Giang, công tác tuyên truyền pháp luật thông qua sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) như “Ban Tư vấn dân chủ pháp luật”, CLB “Pháp luật nông dân với an toàn giao thông”, CLB “Trợ giúp pháp lý”… đã giúp người dân nâng cao hiểu biết về pháp luật, từ đó hình thành ý thức tôn trọng pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật, phát huy tính tích cực và tiên phong của tuổi trẻ.

Ngoài ra, công tác PBGDPL được thể hiện qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của các tổ chức chính trị và đoàn thể, triển khai công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động thực thi và tuyên truyền PBGDPL. Đặc biệt là các địa phương đã triển khai nhiều chương trình, đề án về PBGDPL phù hợp với tình hình thực tế mỗi địa phương, qua đó góp phần giữ vững tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Mặc dù vẫn còn một số hạn chế nhưng trong thời gian tới, các địa phương này sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng và địa bàn. Đồng thời, quan tâm đến công tác triển khai, hướng dẫn thực hiện chính sách xã hội hóa hoạt động PBGDPL để thu hút, huy động mọi nguồn lực xã hội trong công tác PBGDPL. Với những nỗ lực vượt khó trong triển khai Luật PBGDPL 10 năm qua tại Tiền Giang, Bến Tre, Long An, sự chuyển biến về ý thức chấp hành luật của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn chính là sự tán thưởng, là động lực tốt nhất cho các địa phương tiếp tục phấn đấu, thực sự xây dựng công tác PBGDPL là cầu nối vững chắc để đưa pháp luật vào cuộc sống.

Đọc thêm