Thảm cảnh anh em tương tàn
Điểm chung đáng buồn của rất nhiều vụ án giữa anh em trong gia đình là mâu thuẫn đến mức “một mất một còn”. Gần đây nhất là hai vụ chỉ vì tranh chấp đất đai mà em trai truy sát, tước đoạt mạng sống của anh mình. Vụ thứ nhất xảy ra tại huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, nạn nhân là anh Nguyễn Văn Kỳ (33 tuổi, trú thôn 9, xã Cẩm Quang, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bị chính em ruột là Nguyễn Văn Lê (27 tuổi) dùng kéo đâm tử vong vào sáng 30/9.
Theo điều tra của công an, nhiều ngày trước đó, anh em Kỳ và Lê thường xuyên cãi vã vì đất. Sự việc lên đến đỉnh điểm vào khoảng 8h30 ngày 30/9, khi anh Kỳ đang xây tường bao quanh khu vực vườn nhà đang xảy ra tranh chấp thì hai anh em lại lời qua tiếng lại. Lê đã cầm kéo đâm trúng lưng anh trai. Anh Kỳ hốt hoảng bỏ chạy nhưng vẫn bị Lê đuổi theo đâm tiếp khiến nạn nhân thiệt mạng.
Vụ thứ hai xảy ra ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang giữa vợ chồng người anh Danh Thanh Hậu (41 tuổi) và vợ chồng em Danh Thanh Phương (38 tuổi). Không bằng lòng với phần đất cha mẹ để lại, vợ chồng Phương được cho là nhiều lần cãi vã với vợ chồng anh Hậu. Mâu thuân âm ỉ nhiều năm, dẫn đến sáng 29/9, vợ chồng anh Hậu trên đường đi làm đồng về bị vợ chồng Phương đón đường sát hại. Bi kịch “huynh đệ tương tàn” đã đẩy 6 đứa trẻ vào cảnh bơ vơ.
Trước đó còn rất nhiều vụ án thương tâm khác liên quan đến chuyện anh em một nhà sát hại nhau, như vụ hai anh em Lê Văn Trai và Lê Văn Cường giết nhau vì món nợ 50 nghìn đồng ở Bến Tre; em trai là Kha Văn Kỳ (SN 1979) giết anh trai là Kha Văn Toản (SN 1987) ở xã Yên Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) chỉ vì một xích mích nhỏ trong lúc dọn mâm bát trong bếp…
Phải giải quyết mâu thuẫn từ khi manh nha
Nói về các vụ anh chị em sát hại nhau, nhiều người nghĩ ngay đến câu chuyện cổ tích “Cây khế” trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Trong quan hệ ứng xử, bên cạnh tình cảm cha mẹ con, vợ chồng, người xưa đặc biệt coi trọng tình nghĩa giữa anh chị em trong một gia đình: “Em thuận, anh hòa là nhà có phúc”, “Anh em như thể chân tay - Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”... Mối liên hệ ruột thịt là mối liên hệ thiêng liêng không thể chia cắt: “Cắt dây bầu, dây bí/ Chẳng ai cắt dây chị, dây em”.
Vì lẽ đó, ông cha ta cũng lên án nghiêm khắc những ai không giữ được tình cảm anh em: “Người dưng có nghĩa thì đãi người dưng/ Anh em vô nghĩa thì đừng anh em”… Người anh trong câu chuyện cổ tích chỉ vì tham lam, chà đạp tình nghĩa anh em mà phải bỏ mạng nơi biển sâu là một tấm gương giáo dục sâu sắc để răn dạy người đời đừng vì giá trị vật chất mà chà đạp tình nghĩa anh em, giá trị gia đình.
Nói về các vụ án gia đình nói chung và các vụ án liên quan đến tình anh em nói riêng xảy ra liên tục trong thời gian gần đây, chuyên gia tư vấn tâm lý - giáo dục Phạm Hiền cho rằng, thực tế đáng buồn là sự xuống cấp của những nguyên tắc, chuẩn mực trong gia đình, sự vi phạm cũng như việc chấp nhận những sai lệch chuẩn mực xã hội trong gia đình đã diễn ra một cách dễ dàng và khá phổ biến.
Những giá trị đạo đức truyền thống đang bị xói mòn mạnh mẽ. Nguyên nhân một phần là do các gia đình đã chưa thật sự quan tâm đúng mức đến việc giáo dục các giá trị truyền thống cho con em mình. Nền tảng đạo đức, chuẩn mực gia đình có nguy cơ bị phá vỡ. Do vậy hàng loạt những vấn đề xã hội đã nảy sinh, len lỏi vào từng gia đình và trở thành những bức xúc của gia đình.
“Chúng ta sẽ còn phải tiếp tục chung sống với những hiện tượng “nhiễu loạn giá trị gia đình” nhưng không có nghĩa là chúng ta sẽ quy phục nó như là những kẻ bị động. Cần phải dựa trên những chuẩn mực cao nhất về tính nhân đạo trong việc định hướng sự phát triển của gia đình và các mối quan hệ gia đình. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể chủ động xây dựng những chuẩn mực và giá trị gia đình mới phù hợp với xã hội hiện đại, làm cho văn hóa ứng xử trong gia đình mãi là một nét đẹp của người Việt” - bà Phạm Hiền nhấn mạnh.
Ở một góc độ khác, để hóa giải sớm những mâu thuẫn gia đình, ngăn chặn thảm cảnh có thể xảy ra, theo ông Hoa Hữu Vân – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ở góc độ quản lý nhà nước về gia đình, cần quan tâm đến việc xây dựng một đội ngũ cán bộ công tác xã hội được đào tạo chính quy hoạt động ở cộng đồng.
Lực lượng cán bộ xã hội này sẽ cùng với chi tổ hội phát hiện sớm những mâu thuẫn gia đình khi nó mới manh nha, để có hoạt động tham vấn, tư vấn giám sát thường xuyên, liên tục, nhằm ngăn chặn sự bùng phát gây hậu quả nghiêm trọng./.