CCHC thuế phải gắn với tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch

(PLO) - Tại Hội thảo bàn tròn “Kế hoạch Cải cách Thuế cho Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020” do Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hôm  22/9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã khẳng định, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế phải gắn liền với tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch cho các nhà đầu tư, kinh doanh …
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Nhiệm vụ trọng tâm

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: Cải cách hành chính (CCHC) trong lĩnh vực thuế và hải quan là yêu cầu và cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong CCHC nhà nước của Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Đối với Cải cách thuế, hải quan, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị quyết (đều lấy tên là Nghị quyết 19) trong 3 năm (2014, 2015, 2016). Trong đó bao gồm 8 nhóm giải pháp, Bộ Tài chính đã thảo luận và trình Chính phủ, Quốc hội thông qua 8 nội dung CCHC về thuế, hải quan. Trong đó có một số nội dung đã hoàn thành trong năm 2016 gồm Luật Thuế Xuất nhập khẩu, Luật Phí và Lệ phí.

Về CCHC thuế, Thứ trưởng cho rằng, Chính phủ Việt Nam coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong CCHC của nhà nước nói chung nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút các nhà đầu tư, đảm bảo nguồn lực để phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.

Liên quan đến thủ tục hải quan, Thứ trưởng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới là thực hiện Nghị định thư sửa đổi và Hiệp định tạo thuận lợi Thương mại (Hiệp định TF). Bản chất của Hiệp định TF là thực hiện 36 nội dung quan trọng về thương mại…

Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Tài chính đã sớm thông qua Chiến lược tổng thể về lĩnh vực CCHC thuế trong cả giai đoạn 2016 - 2020, trong đó quan tâm đến xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế, cùng với đó là hệ thống pháp luật trong quản lý rủi ro gồm các quy trình nghiệp vụ thuế khác có liên quan.

Nhiệm vụ trước mắt là triển khai công tác hoàn thuế GTGT; Đồng thời nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược này và cũng là yêu cầu của Chính phủ đó là vấn đề quản lý giá chuyển nhượng, chống chuyển giá, chống thất thu NSNN (chống sói mòn nguồn thu).

Chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả 

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (CST), Bộ Tài chính, ông Đinh Nam Thắng cho biết, định hướng cải cách CST của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 là hướng tới xây dựng CST đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả với mức động viên hợp lý.

Cụ thể bằng những mục tiêu như: xây dựng và thực hiện CST hợp lý nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích đầu tư, khuyến khích sản xuất; Chủ động tham gia hội nhập, bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước phù hợp với cam kết và thông lệ quốc tế; Minh bạch, dễ thực hiện và bao quát các nguồn thu mới phát sinh, cơ cấu lại theo hướng tăng thu nội địa, phấn đấu đến năm 2020 đạt 80% tổng thu NSNN; Tỷ lệ huy động thu NSNN ở mức hợp lý để khuyến khích cạnh tranh, tích tụ vốn cho sản xuất kinh doanh. 

Để đạt được những mục tiêu trên, ngành thuế dự kiến sửa đổi một số CST của Việt Nam như: thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế TNDN, thuế TNCN, thuế xuất nhập khẩu, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường, các khoản thu từ đất và phí, lệ phí. 

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí, tới đây ngành Thuế sẽ phải tiếp tục nghiên cứu áp dụng các phương pháp dự báo thu hiện đại, tiên tiến trên cơ sở tăng cường hợp tác, phối hợp với cơ quan thuế các nước, các tổ chức quốc tế. Ngành Thuế cũng sẽ chú trọng hơn đến việc triển khai thực hiện chương trình chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS), xây dựng và theo dõi kế hoạch áp dụng quản lý rủi ro trong công tác quản lý thuế. 

Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong công tác cải cách Thuế, ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế của WB kỳ vọng rằng những dấu hiệu tích cực từ việc cải cách chính sách của Việt Nam trong thời gian qua sẽ được ghi nhận tại báo cáo môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2017. Ông Sebastian Eckardt cũng đưa ra những khuyến nghị cũng như các giải pháp, phương án về CST cho Việt Nam trong giai đoạn tới, như về xác định cơ sở tính thuế; về miễn giảm thuế tài sản, thuế suất, về hệ số bao phủ, hệ số định giá, hệ số hành thu…

Khẳng định những khuyến nghị cũng như các ý kiến của các nhà tài trợ, các chuyên gia kinh tế sẽ được tổng hợp giúp cho Bộ Tài chính trong việc nghiên cứu, hoạch định các chính sách,đặc biệt trong lĩnh vực cải cách TTHC trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: “Cải cách TTHC thuế phải gắn liền với tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch cho các nhà đầu tư, kinh doanh qua đó góp phần nâng cao năng lực của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng…”.

Đọc thêm