Án mạng khi giành nhau nuôi con
Anh Phạm Xuân Linh và chị Phạm Thị Ngọc (cùng SN 1981) kết hôn năm 2009. Hai vợ chồng sinh được một người con chung là cháu Phạm Ngọc Tường. Ba năm sau họ li hôn. Hai người thỏa thuận chị Ngọc sẽ nuôi bé Tường tại nhà riêng trên đường Tạ Quang Bửu (quận 8, TP HCM).
Mỗi tháng anh Linh sẽ chu cấp số tiền 5 triệu đồng để nuôi con. Đồng thời hàng tuần anh Linh sẽ được đón bé vào chiều thứ Sáu và trả lại vào chiều Chủ nhật.
Tuy nhiên thời gian trước khi xảy ra vụ án, anh Linh và chị Ngọc nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong việc nuôi dạy con. Chị Ngọc cho rằng chồng cũ đón con vào 2 ngày cuối tuần sẽ ảnh hưởng đến việc học hành của bé. Phần anh Linh thì cho rằng vợ cũ đang cố tình gây khó dễ để anh không có cơ hội tiếp xúc với con.
Sáng 10/5/2015, anh Linh đón con đi chơi thì cả hai tiếp tục cãi nhau. Trong lúc cãi vã chị Ngọc cho biết sẽ đi lấy chồng khác và “đây là lần cuối anh được đón con”.
Theo lời khai của Phạm Xuân Linh, sau khi chở con gái về nhà riêng tại huyện Bình Chánh, anh này quay lại nhà vợ cũ với mong muốn cả hai thương lượng về việc để anh được nuôi con nếu chị Ngọc đi lấy chồng.
Tuy nhiên do thời gian trước đó chị Ngọc thường xuyên tỏ ra không hợp tác, mỗi lần đón con anh Linh không được vào nhà mà chỉ được đứng ở cổng, nói chuyện điện thoại chị thường dập máy giữa chừng… Do đó, Linh nảy sinh ý định cải trang để vào nhà vợ cũ.
Linh mặc bộ quần áo của công nhân điện lực, mang theo 1 túi xách màu đen (bên trong có 1 con dao dài khoảng 20cm, 1 cuộn băng keo trong và một số dụng cụ khác). Để chị Ngọc không nhận ra, Linh đội nón bảo hộ lao động, đeo kính đen, bịt khẩu trang, mang theo túi xách đến nhà vợ cũ, yêu cầu mở cửa để sửa điện trên lầu 1.
Do Linh giả giọng nên ban đầu chị Ngọc không phát hiện ra. Tuy nhiên, đến khi vào đến phòng ngủ lầu 1, người phụ nữ đã nhận ra chồng cũ. Lúc này Linh lấy con dao trong túi xách kề vào cổ để uy hiếp chị Ngọc.
Người phụ nữ hốt hoảng kêu cứu và chống trả lại. Trong lúc giằng co, lưỡi dao trên tay Linh đã cứa vào cổ chị Ngọc 1 nhát. Cảnh sát sau đó xác định vết thương này gây thương tích nhưng chưa nguy hiểm đến tính mạng.
Người hàng xóm nghe thấy tiếng kêu cứu của chị Ngọc thì chạy sang. Thấy người gọi cửa,Linh đẩy vợ cũng vào phòng tắm rồi xuống nhà.
Tuy nhiên lúc này chị Ngọc mở cửa chạy ra ngoài và tiếp tục kêu cứu. Sợ bị phát hiện, Linh quay lại ôm vật chị Ngọc xuống sàn nhà trước cửa nhà tắm. Trong lúc giẳng co, Linh dùng hai tay nắm hai vai đập mạnh vợ cũ xuống sàn nhà khiến chị này bất tỉnh. Sau đó Linh xuống nhà mở cửa thì bị người dân giữ lại.
Khi kiểm tra lầu 1, những người này phát hiện chị Ngọc nằm bất tỉnh nên đưa đi cấp cứu, vài tiếng sau nạn nhân tử vong. Bản kết luận giám định pháp y kết luận nạn nhân chết do chấn thương sọ não.
Ngày 30/6, TAND TP.HCM mở phiên xử sơ thẩm đối với bị cáo Phạm Xuân Linh về tội giết người. Hành vi gây án của đã quá rõ. Bị cáo nhận tội và thành khẩn khai báo. Buổi xét xử sẽ diễn ra nhanh chóng nếu không có tình tiết bất ngờ nảy sinh.
Ông ngoại bất ngờ giành quyền giám hộ
Người đại diện của gia đình bị hại là ông Đinh Văn Hai (cha chị Ngọc) không có mặt tại tòa mà ủy quyền cho người khác thay mình tham gia phiên tòa. Người được ủy quyền yêu cầu bị cáo Linh phải bồi thường cho ông Hai toàn bộ tiền mai táng phí là hơn 170 triệu đồng.
Lúc này người cậu của bị hại giơ tay phản đối. Ông Phạm Văn Hùng (cậu ruột bị hại) trình bày: Chính ông là người bỏ chi phí ra để lo mai táng cho cháu gái chứ không phải cha nạn nhân.
Đồng thời ông Hùng cho biết, chị gái mình, cũng là mẹ nạn nhân, đã mất năm 2008. Mẹ bé Tường đã chết, cha thì rơi vào vòng tù tội. Từ khi sự việc xảy ra ông là người nuôi dưỡng và chăm sóc cháu bé. Bản thân ông có vợ nhưng không có con.
Ông có đủ khả năng về tài chính và sự hiểu biết nên ông mong muốn được nuôi dưỡng cháu bé đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên mấy ngày nay cháu bé đã mất tích khiến ông rất lo lắng. Chia sẻ của ông Hùng khiến mọi người có mặt trong phòng xử xôn xao.
Phản bác thông tin cháu Phạm Ngọc Tường hiện đang “mất tích”, người ủy quyền của ông ngoại cháu bé cho biết, hiện gia đình đưa bé xuống Tiền Giang để ở với ông ngoại chứ không phải “mất tích” như ông Hùng trình bày.
Tạm dừng diễn biến vụ án, tìm hiểu được biết, trước đó việc xác định ai là ông ngoại của cháu Phạm Ngọc Tường cũng câu chuyện rất phức tạp và phải được xác định bằng một bản án.
Sau khi chị Ngọc mất, ông Đinh Văn Hai (SN 1945, ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã đề nghị xét nghiệm ADN để xác định cha con giữa ông và chị Ngọc. Kết quả giám định sau đó một tháng đã xác định ông Hai là cha đẻ của chị Ngọc, là ông ngoại cháu Tường.
Sau khi có kết quả giám định ADN, ông Hai đã gửi đơn đến TAND tỉnh Tiền Giang yêu cầu xác định cha – con. Theo nội dung trong bản án ngày 24/9/2015 của TAND tỉnh Tiền Giang, thì vào năm 1980 ông Hai quen với mẹ chị Ngọc. Ban đầu là mối quan hệ bạn bè gần nhà, dần về sau tình cảm của hai người khăng khít và sống với nhau như vợ chồng.
Sau đó năm 1981, hai người sinh được 1 người con chung là chị Ngọc. Chị Ngọc được mẹ nuôi dưỡng. Nay ông Hai yêu cầu tòa án công nhận chị Ngọc là con đẻ của ông để ông thực hiện nghĩa vụ bảo hộ cháu ngoại Phạm Ngọc Tường.
Trong bản án của TAND tỉnh Tiền Giang, xác định: Tuy ông Hai không trực tiếp nuôi con nhưng vẫn làm tròn nghĩa vụ của người cha là cấp dưỡng cho vợ nuôi con. Từ đó HĐXX chấp nhận yêu cầu của ông Hai xác định chị Ngọc là con của ông.
Cậu chị Ngọc, cũng là “em rể” hụt của ông Hai bức xúc: “Chúng tôi không biết ông Hai là ai và tại sao sau khi Ngọc chết ông ấy mới xuất hiện để nhận làm cha của nó. Giờ cũng không hiểu lý do gì ông ấy mang con bé đi mất. Phải chăng ổng muốn “hưởng chung” tài sản thừa kế của cháu Tường? Tôi không tranh giành tài sản, chỉ mong ông ấy vì quyền lợi của con bé mà mang trả cháu lại cho chúng tôi nuôi dưỡng”. Không khí trong phòng xử căng như dây đàn.
Chủ tọa giải thích, tòa chỉ xử vụ án hình sự, còn việc xác định ai là người giám hộ của cháu bé, nếu hai bên không thống nhất được thì có thể khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác.
Phiên xử bị cáo Linh lúc này mới được nối lại. Khi được phép nói lời sau cùng, bị cáo Linh run run: “Hôm nay chính là ngày sinh nhật của con gái tôi”.
Mọi người trong phòng xử im bặt vì bất ngờ. Linh vừa khóc vừa nói tiếp: “Bị cáo không hề có ý muốn hại cô ấy, chỉ vì một phút nóng giận mà để con phải mất mẹ, mất cha. Lúc này nghĩ đến con bị cáo thấy ân hận vô cùng…”. Bị cáo gục mặt xuống vành móng ngựa khóc nức nở.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định: Hành vi của bị cáo đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên xét thấy bị cáo đã biết ăn năn hối cải, đặc biệt cháu bé đã mất mẹ nên xem xét khoan hồng để bị cáo có cơ hội về nuôi con. Từ đó tòa tuyên phạt Phạm Xuân Linh 15 năm tù về tội “Giết người”.
Buổi trưa nắng gay gắt, tan phiên tòa, cậu bị hại Ngọc rời phiên tòa nhưng không ngoái lại nhìn đứa cháu rể là bị cáo, mà thở dài lo lắng: “Không biết giờ này con bé Tường ở đâu?”.