Cha “về vườn”, con trai đang vụt sáng cũng “tắt ngấm”

(PLO) - Được xem là bản sao của cha, nhiều người từng xem Jean Sarkozy – con trai của cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy – như một ngôi sao đang lên trên chính trường Pháp khi anh ta liên tục có những bước tiến lớn trong sự nghiệp chính trị dù tuổi đời còn khá trẻ. Tuy nhiên, ngôi sao đó đã không thể vụt sáng khi cha của anh ta không còn là nguyên thủ của đất nước.
Ông Nicolas Sarkozy và con trai thứ 2 Jean Sarkozy

Đề cử gây tranh cãi

Cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy có tổng cộng 3 bà vợ và 4 đứa con. Trong đó, cậu con trai thứ 2 Jean Sarkozy (SN 1986) được xem là gây chú ý nhất. Jean được xem là bản sao của người cha nổi tiếng của mình, chỉ khác ở điểm cao hơn ông Sarkozy đến 20cm. Sở hữu mái tóc dài vàng óc, khuôn mặt điển trai cùng thân hình cân đối, Jean Sarkozy luôn thu hút sự chú ý của công chúng, nhất là những cô gái tuổi “teen” và cả giới đồng tính nam. 

Jean tham gia hoạt động chính trị khá sớm. Năm 2009, dù mới là sinh viên năm thứ hai khoa Luật ở trường Đại học Sorbonne nhưng anh ta đã được bầu làm người đứng đầu đảng cầm quyền UMP trong Hội đồng quận Hauts-de-Seine - một quận rất có uy tín ở Paris, trước đó thường do các chính trị gia lão luyện đảm nhiệm. Ở cương vị này, Jean nghiễm nhiên trở thành thủ lĩnh của nhiều chính trị gia sừng sỏ đáng tuổi ông, bà mình cùng nhiều người là bạn của cha mẹ anh ta. 

Việc đưa Jean thành thủ lĩnh của UMP tại Hauts-de-Seine đã khiến Chủ tịch hội đồng quận này Patrick Devedjian, vốn là một đồng minh của ông Sarkozy giận giữ. Ông Devedjian sau đó đã có những động thái nhằm trả đũa ông Sarkozy nhưng mọi việc sau đó đã được dàn xếp ổn thỏa. 3 tháng trước đó, Jean cũng đã được bầu làm ủy viên hội đồng chính quyền khu ngoại ô Neuilly - cũng là một trong những căn cứ của ông Sarkozy khi mới tham gia hoạt động chính trị.

Ngồi chưa ấm chỗ, Jean lại tiếp tục được đề cử làm Chủ tịch Ban Quản trị Ủy ban Nhà nước (EPAD). Với nhiệm vụ phát triển quận La Défense – trung tâm doanh nghiệp của Paris, cũng là quận giàu có nhất của nước Pháp - EPAD có ngân sách hàng năm lên đến hơn 1 tỷ euro.

Dưới quyền quản lý của Ủy ban nói trên là một khu vực văn phòng có tổng diện tích lên đến 3,3 triệu m2, là nơi đặt trụ sở của 2.500 tập đoàn và công ty, trong đó có những doanh nghiệp hàng đầu của Pháp như tập đoàn dầu khí Tatale, ngân hàng Socíeté Générale... 

Tại thời điểm năm 2009, số nhân viên hiện đang làm việc ở quận trên lên đến 150.000 người. Đây cũng là nơi ở ưa thích của những ngôi sao và triệu phú Pháp. Không chỉ vậy, chính phủ Pháp lúc bấy giờ còn có ý định lấy thêm 320ha đất của một khu ngoại thành Paris để mở rộng diện tích của Hauts-de-Seine lên gấp 3 lần. 

“Hoàng tử Jean”

Vì vậy nên ngay sau khi đề cử được công bố, truyền thông Pháp và thế giới đặt nghi vấn về mối liên hệ giữa việc đề cử và vị thế con trai Tổng thống của Jean. Phe đối lập và cả một số đồng minh của ông Sarkozy mạnh mẽ chỉ trích ý định giao trọng trách lớn như vậy cho một người thiếu cả bằng cấp học thuật lẫn kinh nghiệm chuyên môn và tuổi đời như Jean. Truyền thông Pháp lúc đó đặt cho con trai thứ của tổng thống Pháp biệt danh “Hoàng tử Jean”.

Tờ The Times thậm chí gọi việc đề cử là một biểu hiện kinh dị của chủ nghĩa gia đình trị mà Tổng thống Nicolas Sarkozy thực hiện. Bởi, trước khi đắc cử tổng thống Pháp, ông Sarkozy cũng đã từng giữ chức Chủ tịch EPAD trong 3 năm. Vị trí này được cho là bàn đạp vững chắc giúp ông ta tiến hành thành công chiến dịch tranh cử tổng thống. 

Theo một số ý kiến, nhận thức được rõ ưu thế mà cương vị Chủ tịch EPAD đem đến cho con đường chính trị của mình nên ông Sarkozy đã cố tình “dọn đường” để con trai ông ta tiếp bước. 

Là một người tự thân vận động, ông Sarkozy được bầu làm tổng thống Pháp không chỉ do ông không xuất thân từ tầng lớp tinh hoa chính trị vốn đã khiến người dân Pháp chán ngấy mà còn do ông đã cam kết sẽ xây dựng một nền cộng hòa không có gì để chê trách, nơi mọi người được đánh giá dựa trên công việc, thành tích cũng như chấm dứt những đặc quyền mà những người thuộc dạng “con ông cháu cha” có thể được hưởng ngay từ khi sinh ra. Chính vì vậy nên việc con trai được đề cử đã khiến ông Sarkozy bị chỉ trích nặng nề. 

Gia đình ông Sarkozy

Phát biểu trước truyền thông Pháp lúc bấy giờ, đối thủ cũ của ông Sarkozy tại bầu cử tổng thống Pháp là bà Ségolène Royal mỉa mai ông Sarkozy rằng trách nhiệm của một tổng thống là phải đảm bảo lợi ích chung của quốc gia chứ không phải lo lắng cho vị trí của con trai. 

Bà Royal cũng đặt câu hỏi nếu Jean không mang họ Sarkozy liệu anh ta có được những thành công trên chính trường như vậy hay không? Một bản kiến nghị trực tuyến phản đối việc đề cử Jean vào vị trí Chủ tịch EPAD chỉ sau 1 ngày xuất hiện cũng đã nhận được đến 10.000 chữ ký. Một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 10/2009 cho thấy có đến 64% người Pháp khi được hỏi phản đối việc bổ nhiệm con trai của Tổng thống vào chức vụ trên.

Giữa làn sóng chỉ trích, ông Sarkozy đã lên tiếng bênh vực con trai, cho rằng việc tấn công quá mức một người không vì lý do gì là điều bất công. Bản thân Jean Sarkozy cũng lên tiếng yêu cầu truyền thông và mọi người đánh giá anh ta trên hành động của anh ta chứ không phải xuất thân. 

Tuy nhiên, trước áp lực của dư luận, Jean cuối cùng đã phải từ chối việc đề cử và chấp nhận ngồi vào một vị trí nhỏ hơn trong Ủy ban. Ông Sarkozy về sau cũng thừa nhận việc dọn đường để con trai thăng tiến nhanh như vậy là sai lầm của ông.

Chồng của người phụ nữ giàu nhất

Trước đó, năm 2008, Jean đã trở thành nhân vật được chú ý không chỉ ở Pháp mà còn trên khắp thế giới khi tổ chức lễ đính hôn với cô Jessica Sebaoun-Darty – người thừa kế của gia đình sở hữu chuỗi cửa hàng điện Darty, một trong những người phụ nữ trẻ giàu có nhất nước Pháp. 

Việc đính hôn càng gây chú ý khi tạp chí biếm họa Charlie Hebdo dựa trên đồn đoán cho rằng Jean Sarkozy sẽ cải sang Do Thái giáo theo người vợ giàu có cho rằng anh ta là một kẻ cơ hội và sẽ còn tiến xa hơn nữa trong cuộc sống. Trước đe dọa khởi kiện của gia đình Sarkozy và Sebaoun-Darty, họa sỹ của Charlie Hebdo sau đó đã rút lại bức tranh.

Cũng trong năm đó, Jean còn trở thành tâm điểm trong phiên tòa xử lý vụ lùm xùm xảy ra vào năm 2005. Nguyên đơn M'Hamed Bellouti tố cáo Jean đã tông xe máy vào chiếc BMW của ông nhưng không xin lỗi mà còn “giơ ngón tay thối” ra để thách thức. Bellouti đã viết lại biển số chiếc máy và trình báo vụ việc với cảnh. 

Tuy nhiên, sau 10 tháng tiếp nhận, cảnh sát nói rằng họ không tìm được dấu vết của chiếc xe. Bức xúc, Bellouti nhờ công ty bảo hiểm tìm giúp và phát hiện chiếc xe là của con trai tổng thống. Sau 5 lần gửi giấy yêu cầu thanh toán tiền sửa xe nhưng không nhận được hồi âm, Bellouti quyết định khởi kiện đòi 236 euro tiền sơn lại vết xước và 4.000 euro tiền bồi thường.

Song, tại phiên tòa diễn ra năm 2008, 3 năm sau vụ va chạm, Bellouti không những không được bồi thường như yêu cầu mà còn bị buộc phải trả 2.000 euro tiền chi phí phiên tòa. Phán quyết được đưa ra dựa trên kết quả thực nghiệm cho rằng phần bánh trước của chiếc xe máy của Jean quá thấp để có thể gây ra vết xước trên xe của Bellouti. Bellouti – vốn là một cựu sinh viên luật - đã rất bức xúc trước phán quyết của tòa, cho rằng đó là do Jean là con trai tổng thống. Tờ Le Figaro miêu tả vụ việc là phiên tòa về vết xước xe nổi tiếng nhất trong lịch sử tư pháp Pháp.

 Năm 2013, Jean tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông khi có thông tin anh ta sẽ được nhận làm giảng viên luật tại trường Đại học Créteil ở đông Paris (UPEC).

Thông tin này cũng đã nhanh chóng vấp phải làn sóng chỉ trích của dư luận Pháp với lý do Jean đã phải mất đến 5 năm, nhiều hơn 2 năm so với các sinh viên bình thường khác mới lấy được bằng luật của trường và cũng chưa từng hành nghề luật. Trước sự phản ứng này, Jean cuối cùng cũng đã không được bổ nhiệm. Kể từ đó cho đến nay, anh ta gần như không có hoạt động nào đáng chú ý. 

Ngoài con trai thứ, năm 2012, khi đang tiến hành chiến dịch tái tranh  cử tổng thống, ông Sarkozy cũng gặp rắc rối vì việc cậu con trai út Louis Sarkozy ném cà chua và một số vật khác vào một nữ cảnh sát đang làm nhiệm vụ canh gác bên ngoài dinh tổng thống, khiến người này bị thương. Nữ cảnh sát đã nộp đơn tố giác hình sự nhưng các trợ lý của ông Sarkozy đã cố tìm cách can thiệp để vụ việc chìm xuồng. Ông Sarkozy đã phải đích thân đứng ra xin lỗi nữ cảnh sát khi vụ việc bị phanh phui.

Cậu cả Pierre Sarkozy hành nghề sản xuất âm nhạc kiêm DJ cũng từng khiến cha bị muối mặt khi bị phát hiện đã gọi điện mách cha khi bị một nhà tài trợ từ chối tài trợ cho bộ thiết bị âm thanh trị giá 10.000 euro cũng như việc ông Sarkozy đã tiêu đến 30.000 euro tiền thuế của dân để đưa con trai bị ngộ độc thức ăn ở Ukraine về nước.

Đọc thêm