Chấm dứt nạn “phe vé” - phụ thuộc vào khán giả?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hiện tượng “phe vé”, vé “chợ đen” đang là nỗi lo của những nghệ sĩ, nhà tổ chức âm nhạc vì khiến giá vé bị “đội” cao, vé không đến tay người cần, trong khi có trường hợp khán đài bỏ trống.
Chuyện vé đêm nhạc của Hà Anh Tuấn bị giới “phe vé” gom để đầu cơ là không hiếm.
Chuyện vé đêm nhạc của Hà Anh Tuấn bị giới “phe vé” gom để đầu cơ là không hiếm.

Nỗi lo lớn của các show ca nhạc

Mới đây, chương trình concert “Chân trời rực rỡ” của nam ca sĩ Hà Anh Tuấn bị rao bán vé xả lỗ hàng loạt trên mạng khiến cộng đồng yêu âm nhạc ngạc nhiên. Thông thường, các liveshow của Hà Anh Tuấn rơi vào hiện tượng “cháy vé” ngay khi mở bán không lâu. Trước đó, nam ca sĩ từng chia sẻ, người nhà, người quen của anh mua vé còn không có. Nhưng khi gần đến thời điểm diễn ra, hàng loạt vé của chương trình từ vị trí VIP cho đến thông thường bị rao bán bằng hoặc dưới giá vốn.

Có thể có nhiều lý do cho hiện tượng này, một trong số đó là hiện tượng ôm vé của giới “chợ đen”. Chuyện vé đêm nhạc của Hà Anh Tuấn bị giới “phe vé” gom để đầu cơ là không hiếm. Với sức nóng các đêm nhạc của Hà Anh Tuấn, nhiều “cò mồi”, “phe vé” dùng các mối quan hệ để gom vé sau đó bán ra với giá cao, ăn số tiền chênh lệch lớn. Từng có trường hợp năm 2018, giá vé đêm nhạc “Romance – Người đàn ông và bông hoa trên ngực trái” của nam ca sĩ này bị “cò” ôm vé sau đó bán ra với giá gấp đôi, gấp ba lần. Có vé được bán ra đến gần 20 triệu/cặp, trong khi giá gốc chưa đến 6 triệu đồng/cặp.

Tuy nhiên, đến chương trình lần này, giới “cò” dường như đã phạm sai lầm khi ôm nhiều vé. Theo lý giải của giới chuyên môn, địa điểm tổ chức của chương trình ở Ninh Bình, dẫu là một danh thắng nổi tiếng nhưng khá xa, đặc biệt với khán giả phía Nam. Giá vé đêm nhạc không phải quá cao, nhưng chi phí đi lại hai chiều và ăn ở thì không ít, lên đến hàng chục triệu/người. Việc “cò” ôm vé sau đó bán ra hàng loạt vào thời điểm gần ngày diễn ra, dù là “đại hạ giá” vẫn rất khó cho khán giả để thu xếp thời gian, tiền bạc để tham gia. Nghịch lý là khi thời điểm công bố đêm diễn, mở bán thì vé xem diễn nhanh chóng “cháy”, đến nay đêm nhạc lại đứng trước nguy cơ bị trống ghế, dư chỗ.

Câu chuyện “phe vé”, “cò mồi” đẩy giá vé đêm diễn của các ca sĩ nổi tiếng không còn lạ lẫm. Các đêm diễn của Mỹ Tâm, Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng, Đông Nhi... hầu hết đều diễn ra hiện tượng trên. Cũng có không ít lần “cò vé” tính toán sai độ “hot” của chương trình cũng như sức mua của khán giả, dẫn đến ôm nhiều vé không bán ra được, gần ngày diễn mới “xả hàng” thì đã muộn.

Có những đêm nhạc, “cò vé” tập trung đông đảo suốt đoạn đường gần sân khấu để tiếp cận người đi đường, chào mời mua vé với giá rẻ. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các buổi biểu diễn, khiến nhiều buổi diễn rơi vào tình trạng dư ghế ngồi, trong khi nhu cầu khán giá muốn xem biểu diễn là có thật.

Nói không với vé “chợ đen”

Trần Thảo Phương, 27 tuổi, nhân viên một ngân hàng, sinh sống tại TP HCM chia sẻ, liveshow của nữ ca sĩ Mỹ Tâm vào cuối năm 2022, Thảo Phương và nhóm bạn chỉ vì “chậm chân” mà không mua được vé. Tham gia các diễn đàn của người hâm mộ để hỏi xem ai có vé dư hoặc thay đổi kế hoạch không đi được không, Thảo Phương được một nick name trên mạng rao bán với giá 2 triệu đồng/vé, trong khi giá gốc của vị trí vé chưa đến 1 triệu đồng. Vì quá mong muốn được tham dự đêm nhạc, nhóm bạn 3 người đã phải “cắn răng” mua vé với giá cao.

Có những trường hợp, nghệ sĩ muốn làm đêm nhạc với giá vé thấp, trợ giá để đông đảo khán giả có thể vào xem, nhưng “phe vé” tận dụng thiện ý này để thu mua số lượng lớn, bán giá cao. Trường hợp này từng xảy ra tại liveshow kỉ niệm 10 năm ca hát của Đen Vâu. Có những khán giả chậm chân phải mua lại của “phe vé” với mức trên 1 triệu/vé, trong khi giá gốc vé đêm nhạc chỉ 400- 500 ngàn đồng.

lNhiều người hâm mộ sẵn sàng trả giá cao để “săn” được vé xem thần tượng biểu diễn. (Ảnh minh họa)

lNhiều người hâm mộ sẵn sàng trả giá cao để “săn” được vé xem thần tượng biểu diễn. (Ảnh minh họa)

Thực tế tình trạng vé “chợ đen” gây nhiễu loạn thị trường show đã xảy ra từ nhiều năm nay và khó có hướng giải quyết triệt để. Có nhiều lý do để tình trạng này diễn ra, như việc mua bán vé quá dễ dàng, tâm lý “bán vé càng nhanh càng tốt” của đơn vị phát hành vé dẫn đến việc dễ dãi trong bán vé. Nhưng quan trọng nhất là tâm lý của khán giả. Nhiều khán giả sẵn sàng chấp nhận giá vé cao ngất, bị “đội” giá lên nhiều so với giá gốc để tham gia show diễn của thần tượng. Tâm lý này còn thì hiện tượng “phe vé” còn tồn tại.

Gần đây, nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng cảnh báo người hâm mộ về thực trạng này, đề nghị fan “nói không” với vé “chợ đen”. Một số khán giả cũng đã mạnh dạn “tẩy chay” vé “chợ đen”, chấp nhận không đi xem chương trình chứ không săn vé “đội” giá. Chỉ có hành động quay lưng mạnh mẽ với vé “chợ đen” mới mong chấm dứt hiện tượng “cò vé”, “phe vé” đang hoành hành làm nhiễu loạn thị trường biểu diễn như hiện nay.