Chậm giao vốn, phân bổ vốn: Làm rõ trách nhiệm, đề xuất giải pháp xử lý

(PLVN) -  Ngày 18/4, làm việc với Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm trong việc chậm giao vốn, phân bổ vốn; đồng thời đề xuất giải pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc đặt ra trong thực tiễn để sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc.

Nội dung cuộc làm việc về việc phân bổ số vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và giao danh mục, mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.

Số lượng vốn chưa giao chi tiết khá lớn

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã báo cáo tóm tắt về việc giao, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 4, đợt 5), giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH (đợt 3), phân bổ vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch đầu tư vốn 2023 còn lại của các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo đó, ông Trần Quốc Phương cho biết, tổng số vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội (QH) quyết định là 2.870.000 tỷ đồng. Đến nay, số vốn đã được QH, UBTVQH phân bổ là 2.440.007,682 tỷ đồng. Số lại chưa phân bổ là 429.992,318 tỷ đồng. Tổng số vốn Chương trình phục hồi phát triển KT-XH là 176.000 tỷ đồng, số đã giao kế hoạch vốn chi tiết là 161.848,315 tỷ đồng, số còn lại chưa giao chi tiết cho các dự án là 14.151,685 tỷ đồng.

Ông Trần Quốc Phương cho biết, thực tế quá trình tổng hợp, báo cáo phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, bố trí mặt bằng, cân đối vốn ngân sách địa phương, các chỉ tiêu, tiêu chí về đơn giá, kỹ thuật khác nên một số bộ, địa phương mất nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư; một số địa phương đã hoàn thiện hồ sơ của dự án nhưng phải chờ đến thời điểm tổ chức kỳ họp HĐND cấp tỉnh nên chưa thể trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án…

Trong tổng số vốn trình UBTVQH cho ý kiến đối với các dự án đã đủ thủ tục, số vốn bố trí cho dự án quan trọng quốc gia chiếm 31,5%. Ngoài ra, trong phương án phân bổ Chính phủ trình UBTVQH cho phép báo cáo QH còn có nguồn lực xử lý những nhiệm vụ quan trọng như bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, các dự án nông nghiệp; các dự án cấp lưới điện ra Côn Đảo, bảo đảm an sinh xã hội, các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài nhằm thực hiện cam kết với nhà tài trợ.

Với những nhiệm vụ quan trọng, cần thiết phải bố trí vốn nêu trên, trường hợp toàn bộ số vốn còn lại chưa phân bổ chuyển vào dự phòng chung sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thực hiện mục tiêu về 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, mục tiêu phát triển KT-XH 5 năm, mục tiêu của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được QH quyết nghị tại Nghị quyết số 29/2021/QH15.

Đối với nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, nếu không được tiếp tục phân bổ sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, ngành Y tế sẽ bị áp lực lớn do 25% số vốn của ngành Y tế được phân bổ trong đợt này, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH cũng mục như Kế hoạch năm 2023 đã được QH quyết nghị.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu nhấn mạnh rằng số lượng vốn chưa giao chi tiết là khá lớn, nếu không phân bổ giao kế hoạch chi tiết vốn các dự án có đủ điều kiện về thủ tục đầu tư sẽ ảnh hưởng đến tình hình đầu tư công, nhiệm vụ phát triển KT-XH. Do vậy, để giải quyết khó khăn đặt ra trong thực tiễn, để tránh lãng phí nguồn lực, cần rà soát, tổng hợp phương án phân bổ vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đối với những dự án đã đủ thủ tục đầu tư, trình QH xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 5, QH khóa XV theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện phân bổ theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết của QH.

Các đại biểu cũng đề nghị các cơ quan nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm khi chậm giao vốn, phân bổ vốn và cho rằng nếu không có những biện pháp xử lý nghiêm khắc thì tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài.

Làm rõ tác động của việc chậm triển khai phân bổ vốn

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải cho biết, tại buổi làm việc, các ý kiến đều khẳng định việc Chính phủ trình phân bổ số vốn còn lại trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chương trình phục hồi KT-XH và vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là hết thời hạn theo quy định của Nghị quyết số 69/2022/QH15 của QH về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Do đó, UBTVQH không còn thẩm quyền cho ý kiến về nội dung này. Tuy nhiên, UBTVQH cũng có trách nhiệm với những vấn đề thực tiễn phát sinh. Theo Phó Chủ tịch QH, các nội dung điều chuyển vốn giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thuộc thẩm quyền của UBTVQH theo quy định của Luật Đầu tư công. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tổng hợp riêng để trình UBTVQH xem xét quyết định.

Đối với số vốn còn lại thuộc thẩm quyền của QH, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các Tờ trình của Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định không bảo đảm quy định về thời hạn nhưng có những nguyên nhân chủ quan, khách quan cần được làm rõ. Do đó, đề nghị chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân, làm rõ những hệ quả, tác động của việc chậm triển khai phân bổ vốn này.

Trên cơ sở các ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch QH đề nghị Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương báo cáo Chính phủ phối hợp rà soát, làm rõ từng mục tiêu các dự án, chương trình, các công trình thực sự cấp bách đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, có khả năng giải ngân để báo cáo Chủ tịch QH, UBTVQH xem xét quyết định việc trình QH tại Kỳ họp thứ 5 để quyết định phân bổ nguồn vốn này. Ngoài ra, Phó Chủ tịch QH cũng lưu ý Chính phủ chú trọng một số dự án nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu tác động trực tiếp đến đời sống người dân, khẩn trương giải quyết những khó khăn trong chậm triển khai các dự án…

Đọc thêm