Chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường: Thầy cô cũng cần “chữa lành”

(PLVN) - Một nghiên cứu khảo sát tình trạng sức khỏe tâm thần của giáo viên THCS tại Quảng Trị, Huế và TP HCM cho thấy có 41,1% số giáo viên bắt đầu có những dấu hiệu đáng lưu ý, 22% giáo viên có nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần cao và khoảng 6,1% giáo viên có sức khỏe tâm thần không tốt.
Cần hiểu đúng về sức khỏe tâm thần học đường. (Ảnh minh họa)

Nhận thức đúng về sức khỏe tâm thần

Tại Hội thảo “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho giáo viên hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc” vừa qua, PGS.TS.Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội trích dẫn nghiên cứu ở Việt Nam, trong cộng đồng cứ 8 người thì có 1 người bị tổn thương sức khỏe tâm thần. Trong đó các vấn đề trầm cảm và lo âu đang là phổ biến nhất (trầm cảm tăng lên 28% và lo âu tăng lên 26%).

Một nghiên cứu khảo sát tình trạng sức khỏe tâm thần của giáo viên THCS tại Quảng Trị, Huế và TP HCM cho thấy có 41,1% số giáo viên bắt đầu có những dấu hiệu đáng lưu ý, 22% giáo viên có nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần cao và khoảng 6,1% giáo viên có sức khỏe tâm thần không tốt. Cũng giống như các nghiên cứu trên thế giới, hầu hết mọi người không nghĩ đến việc tìm kiếm sự giúp đỡ. Một số người muốn tìm kiếm sự giúp đỡ thì lại không tiếp cận được các dịch vụ cần thiết.

Số liệu cho thấy đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của nữ giáo viên hơn là nam giáo viên; tuy nhiên nam giáo viên khó kiểm soát được hành vi cảm xúc hơn giáo viên nữ.

Giáo viên, gồm cả các giáo viên giữ vai trò quản lý trong trường học đều phải trải qua những cảm xúc không tích cực trong công việc, như áp lực thành tích trong nhiệm vụ, không cân bằng được thời gian dành cho công việc và gia đình, không hài lòng với môi trường làm việc hoặc ức chế với các thủ tục phiền hà, thời hạn hoàn thành quá gấp… khiến cho họ căng thẳng, lo âu, sợ hãi, trầm cảm… Có nhiều nguyên nhân khác nữa như phải thực hiện các nhiệm vụ giấy tờ không cần thiết, phải thu thập quá nhiều số liệu phục vụ công tác quản trị, những yêu cầu không hợp lý từ các cấp quản lý, thiếu các thiết bị hỗ trợ làm việc, sự thay đổi quá nhanh về yêu cầu đổi mới và đòi hỏi về năng lực mới.

Ngoài ra ở Việt Nam, một yếu tố gây áp lực lớn với giáo viên là việc học sinh, phụ huynh sẵn sàng ghi âm, chụp hình và đưa các thông tin lên mạng xã hội một cách thiếu cân nhắc.

Một lý do khiến giáo viên thường không chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ về sức khỏe tâm thần là còn nhiều niềm tin thành kiến về vấn đề này. Giáo viên thường tự cho mình ở vị trí phải giáo dục người khác vượt qua những khó khăn về tâm lý nên thể hiện lo lắng là một biểu hiện của sự thiếu năng lực, kém cỏi và yếu đuối; hoặc cho rằng vấn đề trầm cảm là thiếu ý chí, thể hiện sự lười nhác. Nhiều giáo viên vẫn tin cách để chữa bệnh tâm lý chỉ là ăn uống nghỉ ngơi, bổ sung vitamin, đi ra ngoài chơi là khỏi bệnh.

Thực tế, theo PGS.TS Trần Thành Nam, “sức khỏe tâm thần học đường” là một thuật ngữ được đề cập nhiều những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh các vấn nạn tâm lý học đường nghiêm trọng và đại dịch COVID-19. Tuy vậy, cũng có những cách hiểu chưa đúng về thuật ngữ này khiến cho việc chẩn đoán và điều trị những vấn đề của sức khỏe tâm thần gặp khó khăn.

Từ “tâm thần” trong giao tiếp thường ngày được dùng để chỉ một chứng rối loạn tâm lý hay một loại bệnh. Trong trường học, khi nói đến “sức khỏe tâm thần”, không ít người nghĩ đến những trường hợp học sinh có vấn đề rối loạn tâm lý, tự kỷ, tăng động... mà không nhận ra rằng đó là vấn đề ở cả trẻ em và người trưởng thành. Không chỉ học sinh, mà cả giáo viên, nhân viên trong nhà trường đều cần quan tâm và chăm sóc “sức khỏe tâm thần”. Nhận thức sai lầm sẽ khiến cho quá trình chẩn đoán và chăm sóc không đúng, làm vấn đề trầm trọng thêm.

Cần không gian “chữa lành” trong trường học

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, đôi khi chúng ta không chấp nhận hoặc phán xét các hành vi bất thường, trạng thái cô đơn, những đau khổ vật vã hoặc cố tình vi phạm các quy tắc, chuẩn mực xã hội… Nhưng không hề biết rằng, đó chính là các biểu hiện của sự tổn thương sức khỏe tâm thần.

Chúng ta có thể không ngờ tới, phương thức giáo dục, nội dung giáo dục cũng có thể là một nguyên nhân dẫn tới sự phát triển lệch lạc về tâm lý, vô tình gây ra những áp lực không cần thiết. Cũng có khi thói quen quá tập trung, coi trọng kiến thức và thành tích khiến chúng ta quên mất mục tiêu thể chất, tinh thần mà không còn thời gian cho xây dựng các thói quen tốt cho sự thấu hiểu tâm lý con người...

Dựa trên những phân tích về thực trạng và nguyên nhân, TS Trần Thành Nam cũng đề xuất về một cơ chế để tận dụng các nguồn lực chăm sóc sức khỏe tâm thần hiện tại của hệ thống dịch vụ y tế và hệ thống của ngành LĐ-TB&XH; đề xuất một môi trường kết nối các nhóm đa chức năng.

Ví dụ cần tích hợp và chuyên nghiệp hóa 3 vị trí hỗ trợ sức khỏe tâm thần trong trường học là nhà tham vấn tâm lý, nhà tâm lý học đường và nhân viên công tác xã hội học đường để có thể thiết kế lên bản vẽ của ngôi trường hạnh phúc với các chương trình phòng ngừa, can thiệp và tạo ra một không gian mang tính chữa lành trong trường học.

Đồng thời, TS Nam cũng dẫn chứng việc áp dụng các chương trình giáo dục sức khỏe tâm thần đưa vào nhà trường đã có hiệu quả và khuyến nghị cần đưa một số nội dung giáo dục nhận thức về sức khỏe tâm thần vào nhà trường.

Đọc thêm