Chấm thi trung học phổ thông Quốc gia: Khó chọn thí sinh giỏi vì… điểm cao?

(PLO) - Ngay sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) trên toàn quốc đã tập trung vào việc chấm thi. Theo kế hoạch, đến 7/7, kết quả thi mới được công bố nhưng theo đánh giá của nhiều giáo viên, phổ điểm năm nay dự kiến sẽ cao hơn năm ngoái do đề thi được đánh giá là cơ bản và dễ thở hơn. Đa phần thí sinh (TS) cũng đã đánh giá được điểm trung bình của mình khi so với đáp án công khai của Bộ.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra công tác chấm thi tại các địa phương.
Ảnh minh họa
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra công tác chấm thi tại các địa phương. Ảnh minh họa

Điểm khối Y, Dược sẽ cao ngất?

Theo nhận định của nhiều giáo viên phổ thông, với đề thi năm nay, phổ điểm các môn thi dự kiến sẽ cao hơn so với năm ngoái. Trong đó, đối với các môn khoa học tự nhiên, số lượng điểm 8 trở lên sẽ nhiều vì đề thi có tới 60% câu hỏi cơ bản cho học sinh (HS) trung bình, 30% câu hỏi cho HS khá và 10% còn lại cho HS giỏi. Mặt bằng điểm chung dự kiến sẽ cao nên điểm chuẩn vào các trường có tổ hợp xét tuyển Toán - Lý - Hóa hoặc Toán - Hóa - Sinh nhiều khả năng sẽ nhích hơn so với năm ngoái từ 0,5 đến 2 điểm.

Tương tự, các tổ hợp xét tuyển sử dụng các môn Văn - Sử - Địa và Ngoại ngữ cũng sẽ cao hơn vì với đề thi năm nay, các môn Sử và Địa, đặc biệt tiếng Anh được HS đánh giá đều dễ kiếm điểm hơn so với năm ngoái. Theo một số giảng viên nhận định, điểm chuẩn năm nay sẽ tăng mạnh và nhất là các khối chuyên ngành Y, Dược. Điểm chuẩn sẽ không dưới 26 điểm. 

Thầy Vũ Khắc Ngọc giáo viên dạy hóa học, Hệ thống giáo dục HOCMAI cho biết: “Sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia, tôi và các đồng nghiệp bộ môn khác nhau đã thảo luận về đề thi và điểm chuẩn vào đại học năm nay. Đồng thời, khảo sát kết quả làm bài của hơn 200 HS mà tôi trực tiếp giảng dạy. Nhận định của tôi, dự kiến điểm chuẩn năm nay tăng khá mạnh bởi đề thi năm nay không có sự phân hóa cao, khó tạo ra được sự khác biệt giữa HS giỏi, HS khá”.

Theo đó, đối với những HS giỏi, điểm trung bình của các em đợt này có thể từ 9- 9.5 điểm; đây cũng là mức điểm tới ngưỡng rồi. Đối với những HS khá thì điểm trung bình là 8- 9; trong khi nếu với đề như mọi năm thì điểm trung bình của HS khá là 7 điểm. Do đó, việc phân biệt giữa HS giỏi và HS khá là không rõ ràng.

Thầy Vũ Khắc Ngọc cũng cho rằng, với đề thi này các yếu tố may rủi và điểm cộng khu vực lại quyết định rất nhiều. Các ngành mà năm trước trúng tuyển ở mức từ 22 - 24 điểm, năm nay có thể tăng 1 - 2 điểm Ví dụ, dự đoán điểm chuẩn vào đại học Y Hà Nội năm nay sẽ lên tới 28 điểm và 28,5. Trong khi mức điểm năm ngoái là 26,75 điểm. Mức điểm tăng đáng kể này khiến các trường khó chọn được chất lượng TS giỏi thực sự.

Cùng với đó, một số chuyên gia nhận định, điểm chuẩn vào các trường ĐH Khoa học xã hội sẽ cao. Về môn Ngữ văn, cô Ngô Thị Lan Anh, giáo viên Trường THPT Trần Phú, Hà Nội cho rằng, đề thi Ngữ văn năm nay tương đối dễ, phần đọc hiểu sát với thực tế cuộc sống và phần làm văn là những kiến thức trong sách giáo khoa nên dự đoán số điểm HS đạt được đối với môn Ngữ văn năm nay sẽ cao. Do đó, cô Ngô Thị Lan Anh nhận định, phổ điểm xét tuyển vào các trường ĐH Khoa học xã hội sẽ cao, rơi vào khoảng từ 20 - 23 điểm. Bởi vì đề thi Ngữ văn, Địa lý không quá khó, môn Lịch sử có sự phân loại cao.

Sẽ có tiêu chí phụ

Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, điểm chuẩn năm nay có thể sẽ tăng nhưng chỉ giao động trong quãng từ 0,5 -2 điểm. Và khi điểm của TS cao hơn thì các trường cũng sẽ nâng điểm nhận hồ sơ lên để lọc bớt TS trên hệ thống đăng ký nguyện vọng. Bên cạnh đó, nếu quá nhiều TS có mức điểm gần với mức điểm trúng tuyển trong khi chỉ tiêu có hạn thì các trường sẽ phải sử dụng tiêu chí phụ để chọn TS.

Ông Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận định: Năm nay, điểm thi của TS tham dự kỳ thi THPT quốc gia vừa qua có thể sẽ cao hơn mọi năm, nên ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ có thêm hai tiêu chí phụ để xét tuyển. Bởi lẽ, nếu các năm, khi trường chỉ hạ điểm chuẩn của các ngành xuống 1 điểm thì có khoảng 100 TS trúng tuyển vào trường.

Năm nay, điểm TS sẽ có thể cao hơn các năm, khi trường hạ điểm chuẩn xuống điểm có thể có 400 em trúng tuyển vào trường nên nhà trường phải đưa thêm tiêu chí phụ vào xét tuyển, thậm chí, có thể ưu tiên những TS chỉ xét nguyện vọng vào các ngành của trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ông Tớp cho biết thêm, dù qua tìm hiểu một số giáo viên và HS đề thi THPT quốc gia năm nay dễ hơn năm ngoái nên điểm thi của TS sẽ khá cao, nhưng phải đợi đến khi các Sở GD-ĐT công bố điểm thi mới có thế đánh giá được phổ điểm. Được biết, ngày 13/7 - 14/7 ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ xác định điểm chuẩn của trường.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, sau khi có kết quả, nếu TS cảm thấy điểm thi lệch quá nhiều so với dự đoán của mình thì có thể làm đơn phúc khảo. Đối với môn Ngữ văn, quy chế cũng đã quy định rõ việc chấm thi phải chấm 2 vòng độc lập cùng với chấm kiểm tra một tỉ lệ nhất định các bài thi đã được chấm để phát hiện những sai lệch và điều chỉnh.

Đọc thêm