Ngay trước Tết, Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh tâm lý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nhắc nhở đội ngũ cán bộ bắt tay vào việc ngay, không để cuối năm mới phải chạy nước rút. Sau Tết, ngày làm việc đầu tiên, Thủ tướng yêu cầu cán bộ, công chức không đi lễ vào giờ làm việc, thực hiện nghiêm túc kỷ luật lao động.
Thực ra, với đa số nông dân, họ không đợi đến Lễ tịch điền mới xuống đồng mà từ mùng Ba tết, bà con đã tranh thủ thời tiết nắng ấm để gieo trồng mùa vụ rồi. Cơ quan bảo vệ pháp luật thì dường như không nghỉ Tết, ngày mùng Một, buổi chiều đã có một vụ khởi tố, bắt giam một lãnh đạo ngân hàng.
Tuy nhiên, cũng có những vụ mà dân tình bức xúc, chẳng hạn, nhóm thanh niên đánh một ông già thương binh sau một vụ va chạm giao thông thì “để sau Tết sẽ xem xét, xử lý”. Hoặc, nhìn lại mấy ngày nghỉ Tết, tai nạn giao thông xảy ra nhiều, có vụ rất nghiêm trọng, trung bình mỗi ngày cả nước có tới hơn 20 người chết.
Trong khi đó, thành phố Đà Nẵng chỉ xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông. Rõ ràng, ý thức của người tham gia giao thông và sử dụng bia rượu chỉ là một phần của nguyên nhân tai nạn, còn lại phụ thuộc vào sự giám sát, quản lý của lực lượng chức năng, buông lỏng là có chuyện ngay.
Mấy ngày Tết, có đến hơn hai chục nghìn người nhập viện do đánh nhau, có án mạng từ trong các cuộc nhậu. Cần lắm sự hiện diện của chính quyền trong việc hạn chế các vụ ẩu đả này, hay nói khác đi là cần đến sự quản lý, nhắc nhở, đảm bảo an ninh cho người dân vui Tết. Tình trạng này Tết năm nào cũng xảy ra nhưng hình như chưa có một biện pháp ngăn chặn hữu hiệu nào khi chính quyền cũng nghỉ Tết.
Dù sao, kỳ nghỉ Tết cũng đã chấm dứt và mọi hoạt động phải trở lại bình thường. Khốn nỗi là cái tâm lý nghỉ ngơi, vui xuân, du hí lại do chính một số cơ quan nhà nước, công chức, cán bộ “làm gương”. Nhân dịp đầu năm này, cơ quan, đơn vị nào cũng tổ chức cho anh chị em đi lễ chùa, cầu tài lộc, du hí chỗ này, chỗ khác.
Ở một số địa phương thì thi nhau tổ chức lễ hội, ra sức khôi phục các lễ hội mà họ cho là “truyền thống” nhưng thực ra không có một ý nghĩa gì cả. Ví dụ, lễ hội “mở cửa rừng” chẳng hạn, có bao giờ đóng cửa rừng đâu mà mở và rừng cũng có còn đâu. Hay như cái hội chọi trâu rất man rợ và chủ yếu là mổ lấy thịt đánh chén!
Người ta chỉ thực sự vui và tận hưởng niềm vui khi đã hoàn thành công việc của mình. Còn, gác lại công việc, bắt mọi người chờ đợi để mình du xuân, vui chơi thì chẳng phải đạo tý nào. Tiếc thay, tình trạng đó vẫn chưa chấm dứt!