Lý giải thói "ăn chơi" tháng Giêng của người Việt

(PLO) - Người Việt có lẽ không ai không biết câu nói “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Nhân dịp Tết Nguyên đán, làng quê khắp cả nước nhộn nhịp các mùa lễ hội, Pháp luật Việt Nam xin trích dịch một số tài liệu cổ, nhàn đàm về vấn đề này, để cắt nghĩa một “thái độ sống” thú vị của người xưa.

Lễ hội đầu xuân ở Quảng Nam
Lễ hội đầu xuân ở Quảng Nam
Nếu tìm hiểu đến ngọn nguồn của câu nói “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, người thời nay có lẽ còn phải giật mình hơn nữa. Bởi không chỉ trong tháng Giêng, cổ nhân còn tổ chức các mùa lễ hội, du ngoạn khắp nơi cho đến hết cả tháng Ba âm lịch. Thông thường, thời điểm bắt đầu nghỉ ngơi là từ sau Tết Nguyên đán, kết thúc với lễ Thanh minh vào tiết cuối tháng Ba. 
Ngày nay, song hành cùng lịch dương, lịch âm vẫn tồn tại. Như vậy, ba tháng “ăn chơi” theo nghĩa chung nhất, được xác định từ ngày mùng một tháng Giêng (tức mùng Một Tết Nguyên đán) đến hết ngày 30 tháng Ba âm lịch. Lịch là như vậy, nhưng thực ra tiết Xuân có thể đến muộn hết sớm hoặc đến sớm hết muộn, tùy theo khí hậu của từng vùng.
Đối với con người, mùa Xuân là mùa của hạnh phúc, sinh sôi, nảy nở; mùa của niềm vui. Tuy nhiên, với cổ nhân làm nghề thuần nông, đây lại là thời điểm không thuận lợi cho việc cấy hái. Kể cả với những chân ruộng cần cày cấy sớm, người ta cũng đã cấy xong giống vào trước Tết Nguyên đán. Thời tiết lúc này cực rét hoặc rất thất thường, có gieo trồng cũng không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Cổ nhân có câu “Tháng Ba, bà già chết cóng” là chỉ cái thất thường của tiết trời những tháng này. Ngay cả ở thời chưa xa, khi các phương tiện kỹ thuật như “thâm canh tăng vụ” chưa phổ biến, thì đây là thời điểm vừa hết vụ lúa Đông Xuân, các cánh đồng đều trắng chân rạ, nông dân nghỉ không cày cấy nữa.
Người xưa gọi đây là lúc nông nhàn. Cả năm một hoặc hai vụ lúa, thêm một vụ màu trong quảng canh, cày cấy xong là chơi dài. Tuy thế, nông dân không ngồi yên chờ cái đói, họ bắt cua cá, chặt củi, kiếm hoa quả, săn bắn trên rừng. Vì thế, “công thức” làm việc, lao động của đại đa số người xưa gói gọn trong bốn việc: “canh, tiều, ngư, mục”. Trong đó, canh là cày ruộng, tiều là đốn củi, ngư là đánh cá và mục là chăn thả trâu, bò.  
Như vậy, nguyên nhân đầu tiên của việc “ăn chơi” là do nếu có làm việc cũng không thuận lợi. Đây là nguyên nhân hoàn toàn “chính đáng” với một nước thuần nông. Tiếp đó, nguyên nhân thứ hai lại xuất phát từ chính nhu cầu của con người. Cả năm làm việc vất vả, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, khi đến Tết, con người sẽ phải nghỉ ngơi. Đây là thời điểm dành cho gia đình, người thân, con cháu tỏ lòng kính ngưỡng đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Nói theo ngôn ngữ bây giờ, đây là thời gian dành cho mỗi cá nhân. Sau khi hoàn thành tâm nguyện cá nhân, người ta sẽ phải hướng đến cộng đồng. 
Sau thời điểm Tết Nguyên đán, các làng quê khắp cả nước bước vào mùa lễ hội. Đây là lúc mọi người du ngoạn các thắng cảnh, tham dự các lễ hội, giao lưu với nhau và giao lưu văn hóa giữa các vùng miền. Ở tầng ý nghĩa thực dụng hơn, đây là lúc nam thanh, nữ tú dập dìu, khi tham gia các mùa lễ hội, họ thậm chí có thể tìm thấy hạnh phúc. 
Trộm nghĩ, thời xưa các phương tiện liên lạc chưa thông dụng như bây giờ, quanh năm làm lụng không đi được đến đâu, phải chăng đây là lúc nghĩ cho hạnh phúc riêng. Lịch sử đã từng ghi lại nhiều giai thoại, huyền tích, công nhận nhiều mối tình của các bậc quân vương, công tử, chính xuất phát từ những mùa lễ hội như vậy. 
Vật cầu trong lễ hội đầu Xuân ở làng Thúy Lĩnh (phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội)
Vật cầu trong lễ hội đầu Xuân ở làng Thúy Lĩnh (phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) 
Sơ lược vài điều kể trên để thấy phần nào ý nghĩa sâu xa của câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Và quan trọng hơn, cổ nhân có đi chơi cũng rất thanh tao. Họ chỉ đi khi đã làm xong các công việc thiết thân, lễ hội cũng là thể hiện cái đặc sắc về văn hóa của mỗi vùng miền. 
Đối với người xưa cái chơi đầu tiên là sống trong bổn phận tôn giáo, lễ đình chùa và tổ tiên, nên mọi nghi lễ ngày Xuân đều thông qua thờ phụng. Sau đó mới là ngâm vịnh thi phú, hát đối, chơi thư pháp, tranh pháo, nuôi chim, thả cá, trông hoa, đánh cờ... Các trò chơi đánh đu, bơi chải, kéo co, vật... là thấp nhất và chóng vánh. 
Tất cả đều là nghiệp dư, trong hội làng có thi thố và có giải thưởng, những ai muốn đoạt giải đều phải tự thành chuyên nghiệp, như đấu vật, hoặc dựa vào cộng đồng, như đánh cờ có người phò. Những ai giỏi cầm, kỳ, thi, họa đều được xem trọng, đi đâu cũng có cơm bưng, nước rót.