Chân dung kẻ chơi ngông muốn mua Arsenal

(PLO) - Gần 1 năm trước, vào tháng 6 năm ngoái, dư luận đã xôn xao việc tỷ phú châu Phi Aliko Dangote có ý định mua lại đội bóng Arsenal từ cổ đông lớn nhất là tỷ phú người Mỹ Stan Kroenke. 

Sự thật phía sau chuyện "chơi ngông”?

Thực tế, ý định “chơi ngông” của ông chủ tập đoàn Dangote đã có từ năm 2010, khi bà Nina Bracewell-Smith, cựu Giám đốc CLB Arsenal lên kế hoạch bán cổ phần của mình trong đội bóng này. Tuy nhiên, ý định của tỷ phú châu Phi lúc đó chưa thể thành hiện thực do phía Arsenal hét giá quá cao so với khả năng chi trả của ông lúc đó. 

Đến năm ngoái, khi đã đủ lực để tự tin mua Arsenal thì ông chủ lớn nhất của câu lạc bộ này là Stan Kroenke lại cho hay không hề muốn bán cổ phần cho bất kỳ ai, kể cả tỷ phú châu Phi Dangote. Trong khi đó, người giữ cổ phần lớn thứ hai của Arsenal là ông Alisher Usmanov cũng quả quyết sẽ không bao giờ bán phần quyền sở hữu của mình đối với pháp thủ thành London.

Một tỷ phú đam mê bóng đá không phải là chuyện lạ, nhưng chuyện một tỷ phú ở tận châu Phi ấp ủ mua được một đội bóng trứ danh ở London của Anh lại có phần khiến người ta suy nghĩ. 

Khó hiểu không phải vì chuyện tài chính, vì tỷ phú Dangote hiện đã có thừa khả năng có thể “thâu tóm” được Arsenal. Đây cũng là chỉ trích mà không ít người dân Nigeria đã nhắm đến ông, khi cho rằng ông không đầu tư vào bóng đá nội địa mà ấp ủ mua Arsenal chính là nhằm đánh bóng tên tuổi cá nhân. 

Thế nhưng, tất cả đã vỡ lẽ khi trong một lần trả lời phỏng vấn, tỷ phú Dangote đã khẳng định rằng, ông muốn mua Arsenal là vì Nigeria. 

Ông nói: “Dù tôi có mua tất cả các đội bóng ở Nigeria đi nữa thì cộng đồng thế giới vẫn sẽ không biết gì nhiều về quốc gia của chúng tôi. Thế nhưng, nếu tôi có được Arsenal thì quốc kỳ và cả vị thế của Nigeria sẽ được rất rất nhiều người biết đến trên toàn cầu”.

 Rõ ràng, với Dangote, việc có mua được hay không đội bóng Pháo thủ thành London cũng không còn quá quan trọng nữa. Vì chỉ với tuyên bố muốn sở hữu Arsenal đã đủ để người ta chú ý đến Nigeria - một đất nước châu Phi năng động và một tỷ phú số 1 khu vực là Aliko Dangote mà trước đây có thể chưa nhiều người biết tới. 

May mắn hay nỗ lực?

Không ít người khi nhìn vào thành công của tỷ phú Aliko Dangote ngày hôm nay đã cho rằng, đó chẳng qua chỉ là may mắn; thậm chí có ý kiến cho rằng, Dangote leo lên được ngôi vị tỷ phú số 1 là nhờ gian lận và sử dụng ảnh hưởng chính trị trên chính trường. 

Thứ nhất về sự may mắn, nếu nói rằng Dangote đã may mắn sinh ra trong gia đình có nghiệp kinh doanh thành đạt, thì cũng giống như việc tất cả mọi người bình thường sinh ra đã đầy đủ, hoàn thiện chứ không may mắn như những người bị mù, điếc hay tàn tật.

 Quan trọng là họ có nắm bắt và phát triển được gì từ may mắn đó hay không. Dangote đã nắm bắt được “dòng máu kinh doanh” của gia đình nhưng đã tự bước đi bằng đôi chân của mình khi đầu tư học đại học và bắt đầu từ con số 0 khi phải đi vay tiền để khởi nghiệp. 

Mô tả ảnh

Tương tự như thời điểm cả khu vực bỗng bùng nổ nhu cầu về xây dựng và tập đoàn Dangote nổi lên như một “đế chế” duy nhất về xi măng ở cả châu Phi. Đơn giản là nếu không nắm bắt cơ hội và may mắn đến với mình thì thành công sẽ không bao giờ đến.

Thứ hai, nếu nói về ảnh hưởng chính trị, cũng là ví dụ của ngành công nghiệp xi măng độc quyền của Dagonte. Nhiều người cho rằng, Dagonte đã dùng ảnh hưởng chính trị của mình để chi phối chính phủ, khiến chính phủ ra quyết định không nhập xi măng từ bên ngoài để tiêu thụ một nguồn duy nhất là của tập đoàn Dagonte. 

Nếu là bạn, bạn sẽ nói gì về điều này? Nó tốt hay xấu? Rõ ràng, một sinh viên năm nhất ngành kinh tế cũng đều biết rằng, nhập khẩu vượt mức cho phép sẽ giết chết cả nền kinh tế quốc gia. Một chế độ bảo hộ sẽ tốt hơn cho kinh tế đất nước trong một giai đoạn cụ thể nào đó, vừa bảo vệ ngành sản xuất trong nước, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân.

Thứ ba, nếu nói về sự gian lận, nếu thực sự Aliko Dangote là người như vậy, ông đã sớm mở rộng hoạt động của tập đoàn sang lĩnh vực dầu mỏ. Nhưng thực tế là từ khi khởi nghiệp cho đến mới đây, Dangote luôn muốn tránh tham gia vào ngành công nghiệp tai tiếng này của đất nước, khi Nigeria là quốc gia có trữ lượng dầu dồi dào nhất châu Phi nhưng luôn phải nhập nhiên liệu để tiêu dùng trong nước. 

Tất nhiên đã có những đường dây luồn lách tuồn nguồn nhiên liệu này ra khỏi ngân khố quốc gia và Dangote không hề muốn đi theo con đường đó. Chỉ đến khi đã đủ lực để tham gia trở lại, định hình ngành công ngiệp dầu mỏ trong nước đang dần xuống cấp, Dangote mới quyết định mua một nhà máy lọc dầu ở Lagos vào năm 2007 và dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2017. 

Nếu đúng kế hoạch, dự án này sẽ làm giảm đáng kể sự phụ thuộc của Nigeria vào các nhà cung cấp nước ngoài về dầu và khí đốt. 

Bán thương hiệu và làm việc như điên

Đối với nhiều người giàu có, sau một chặng đường dài vật lộn gây dựng sự nghiệp, họ tự thưởng cho mình những buổi sáng bên kênh truyền hình yêu thích hoặc có mặt ở sân golf với bạn bè. Nhưng với tỷ phú Dangote điều này không đúng chút nào. 

Công việc và sự bận rộn đã trở thành sở thích và thói quen của ông. Có người kể lại chuyện đã đi cùng máy bay với tỷ phú Dangote, rằng khi tất cả đều chìm trong giấc ngủ thì ông vẫn miệt mài với máy tính, kiểm tra các thông số bán hàng và ký duyệt rất nhiều thứ khác.

 Gần như suốt cả đêm như vậy. Nhiều câu chuyện khác cũng cho biết rằng, ông chủ Dangote thường chỉ ngủ từ 2 giờ sáng và thức dậy lúc 5 giờ. 

Mô tả ảnh

Dangote nói rằng, tất cả những việc ông làm đều là nhằm xây dựng một thương hiệu vững chắc và hãy nhớ là không bao giờ phá hủy nó dù ở góc độ nào nhỏ nhất. Đây cũng là lý do tập đoàn Dangote đã không tham gia vào ngành công nghiệp dầu mỏ trong cả quãng thời gian dài.

 Với Dangote, làm kinh doanh không phải là bán sản phẩm hay dịch vụ, đó là bán thương hiệu và bán niềm tin. Điều này mới có thể khiến cho doanh nghiệp của bạn kiếm được tiền một cách bền vững và mới làm cho bạn giàu có thực sự. 

Một khi đã có khách hàng trung thành, đối tác trung thành, nhân viên trung thành và cả chủ nợ trung thành thì bất kỳ sản phẩm mới nào của công ty cũng sẽ được tin cậy và tín nhiệm. 

Có nghĩa là, nếu một ngày nào đó, tập đoàn Dangote có bắt tay vào sản xuất tên lửa hay đơn giản là mỹ phẩm thì mọi người cũng xì xào rằng: “Sản phẩm mới này do Dangote làm đấy, chắc chắn là sẽ tốt!” Đây chính là thành quả mà không tiền nào có thể mua được trong kinh doanh.

***

Một số người với thái độ không thiện chí đã nói rằng, Aliko Dangote thống trị nền kinh tế Nigeria, đế chế của ông sản xuất mọi thứ, tất cả những gì cần thiết ở đất nước này mà không giành phần cho ai cả. Nhưng nhiều người khác thì lại cho rằng, nền kinh tế Nigeria đã thăng hoa nhờ có Dangote, hàng chục nghìn người dân Nigeria đã có việc làm nhờ Dangote, Dangote đã khiến cho Nigeria tự cung tự cấp, hạn chế nhập khẩu và thúc đẩy xuất khẩu… 

Vẫn sẽ còn nhiều tranh cãi xung quanh thành công của tỷ phú Aliko Dangote của châu Phi nhưng có lẽ, chỉ có tương lai kinh tế của đất nước Nigeria mới có thể nói lên tất cả…/.

Đọc thêm