Chặn hiểm họa từ doanh nghiệp “sân sau” Kỳ 4: Quân pháp bất vị thân

(PLVN) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần căn dặn cán bộ, đảng viên không được dính líu với vòng danh lợi, bởi vì cán bộ dù to hay nhỏ, “có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút”. Vì thế, để thi hành một nền chính trị liêm khiết, Bác yêu cầu “phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.
Theo Báo cáo tại Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC, 6 tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã khởi tố mới, điều tra 2.836 vụ án/5.975 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ… (Ảnh trong bài: TTXVN)
Theo Báo cáo tại Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC, 6 tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã khởi tố mới, điều tra 2.836 vụ án/5.975 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ… (Ảnh trong bài: TTXVN)

Kịp thời, minh bạch trong xử lý

Nhằm bảo vệ chế độ, lấy lại niềm tin yêu, quý trọng của Nhân dân, không có cách nào khác là sự cương quyết, kịp thời, minh bạch trong việc xử lý các hành vi vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Và thời gian gần đây, công cuộc “đốt lò” của Đảng và Nhà nước tiếp tục “nóng lên” trên tinh thần “không dừng, không nghỉ”.

Ngày 21/6/2024, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ, trong đó đồng ý để ông Đinh Tiến Dũng thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa XIII. BCH Trung ương Đảng nêu rõ, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian làm Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông Đinh Tiến Dũng đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương, Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo để Ban Cán sự Đảng, Bộ Tài chính và một số tổ chức, cá nhân có nhiều vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng, cơ quan quản lý nhà nước.

Gần hai tháng sau, tại cuộc họp xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 và ông Lê Minh Khái bằng hình thức Cảnh cáo, do có những sai phạm liên quan đến dự án Đại Ninh (Lâm Đồng). Bộ Chính trị, Ban Bí đánh giá, ông Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên: Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và ngành Thanh tra.

Trước đó, trên cương vị Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông Trần Tuấn Anh đã để xảy ra nhiều vi phạm tại Bộ này, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật đảng, hành chính. Bởi vậy, đầu năm 2024, BCH Trung ương Đảng đã họp xem xét và đồng ý để ông Trần Tuấn Anh thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa XIII.

Sinh thời, không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt đức tính “cần, kiệm, liêm, chính” lên hàng đầu. Bởi theo Bác, chiến thắng bản thân mới là chiến thắng quan trọng nhất. Cán bộ, đảng viên - nhất là những người có chức vụ, quyền hạn, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân thì sẽ nảy sinh bao hậu họa. Người nhiều lần căn dặn cán bộ, đảng viên không được dính líu gì với vòng danh lợi, bởi vì cán bộ cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Nhưng “dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút”. Vì thế, để thi hành một nền chính trị liêm khiết, Bác yêu cầu “phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.

Trên tinh thần “cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, Đảng và Nhà nước đã xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên để bảo đảm sự thượng tôn của pháp luật, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng. Báo cáo tại Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) (tháng 8/2024) cho thấy, từ đầu năm đến nay, các cấp có thẩm quyền đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý và 172 cán bộ diện cấp ủy địa phương quản lý, về trách nhiệm người đứng đầu hoặc liên quan các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; trong đó có 5 Ủy viên Bộ Chính trị, 1 Ủy viên Ban Bí thư và 4 Ủy viên Trung ương Đảng.

Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương được chỉ đạo xử lý nghiêm minh theo đúng phương châm “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã khởi tố mới, điều tra 2.836 vụ án/5.975 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Phát biểu tại cuộc họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng và Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031 (ngày 29/8/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: Những nhân sự được lựa chọn đòi hỏi phải thật sự tiêu biểu, nổi trội, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ, có năng lực lãnh đạo, trình độ chuyên môn, có uy tín trong dân, trong Đảng để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới…

“Cắt đứt” các quan hệ doanh nghiệp sân sau

Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV (tháng 11/2023), Bộ trưởng Bộ Công an khi đó là Đại tướng Tô Lâm (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) đã đề nghị với Quốc hội những giải pháp nhằm “cắt đứt” các quan hệ DN “sân sau”, trong đó có việc rà soát bổ sung quy định để kiểm soát quyền lực, nhất là người đứng đầu các Bộ, ngành địa phương. “Cần quy định cụ thể và có chế tài mạnh mẽ để cắt đứt các quan hệ DN “sân sau”, không để hình thành các đối tượng có thể thao túng được nhiều cơ quan như một số vụ án xảy ra vừa qua, như vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu...”, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Nhiều năm trước, trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự án Luật PCTN (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội cho rằng, những người đã có đủ mưu mô để tham nhũng thì cũng thừa thủ đoạn che giấu tài sản đó. Do vậy, quan trọng là công tác phòng ngừa chứ không phải xử lý tài sản tham nhũng. Phát biểu tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, diễn ra vào cuối năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh yêu cầu khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định đối với việc cấp tín dụng cho các DN thuộc hệ sinh thái, DN “sân sau”…

Tiếp tục làm và kiên quyết làm

Đánh giá về công tác đấu tranh PCTN, TC thời gian qua, tại Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm biểu dương các cơ quan nội chính, kiểm tra, thanh tra… đã chủ động nhận diện, xác định những lĩnh vực trọng điểm, khởi tố mới, mở rộng điều tra làm rõ bản chất tham nhũng, chiếm đoạt cấu kết, lợi ích nhóm, kiên quyết xử lý sai phạm, những vụ việc tồn đọng kéo dài...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu, phấn đấu từ nay đến hết năm 2024, tập trung kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 30 vụ án; kết thúc xác minh, giải quyết 6 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Nhất là tập trung điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty AIC, Xuyên Việt Oil, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn, Vạn Thịnh Phát, dự án Sài Gòn Đại Ninh (Lâm Đồng)... và các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự đại hội đảng các cấp. Bên cạnh đó, phải quan tâm công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống - là nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, cản trở sự phát triển.

Cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC diễn ra trước đó (tháng 5/2024) cũng đã nêu quyết tâm “kiên quyết xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu”, xử lý vi phạm trách nhiệm nêu gương, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm. Trên cơ sở đó khuyến khích cán bộ tự giác nhận khuyết điểm, chủ động xin từ chức, xin thôi chức vụ khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín.

Để làm tốt những việc trên là điều không dễ, thậm chí rất khó, rất phức tạp. Nhưng nói như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm, là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót; nhưng vì sự nghiệp chung, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. Nếu không làm thì không có được những thành quả như ngày nay.

Đọc thêm