Giá thị trường là giá hàng hóa, dịch vụ hình thành do các yếu tố chi phối và vận động của thị trường quyết định tại một thời điểm, địa điểm nhất định. Nói nôm na, đứng ở góc độ người mua thì giá chính là số tiền phải trả cho một số lượng hàng hóa, dịch vụ nhất định để có thể sử dụng hay chiếm hữu hàng hóa, dịch vụ đó. Còn dưới góc độ người bán, giá là phần thu nhập hay doanh thu mà họ nhận được khi bán, cung cấp một đơn vị hay một số lượng sản phẩm, dịch vụ nhất định.
Việc điều tiết giá cả của Nhà nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội, là đòn bẩy, cũng là công cụ có tính quyết định bảo đảm sự thành công của các hoạt động điều tiết khác; khắc phục những hạn chế của thị trường; khai thác tốt các nguồn lực quốc gia bằng giá cả. Hoạt động điều tiết giá giúp lập lại công bằng xã hội, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, chỉ một số mặt hàng, dịch vụ, lĩnh vực mới chịu sự điều tiết giá của Nhà nước. Còn phần lớn các hàng hóa dịch vụ là do bên bán, bên mua tự thương lượng thỏa thuận với nhau. Ví dụ ai đó vẽ một bức tranh, có thể tác giả đưa ra giá 1 triệu đồng, hoặc 1 tỷ đồng, cũng là quyền của anh. Vấn đề là có ai mua hay không mà thôi.
Thực tế thời gian qua cho thấy, dường như vẫn còn khoảng trống trong quy định về giá với lĩnh vực vật tư y tế. Trong đợt dịch COVID-19, hàng loạt DN, nhà phân phối đã “thổi” giá các mặt hàng này từ dưới đất lên tận trên trời. Ví dụ như vụ việc Việt Á, nguyên liệu đầu vào DN nhập chỉ 0,95 USD/sản phẩm kit test, nhưng thành phẩm đưa đến CDC tỉnh thành lên đến 470 ngàn đồng/sản phẩm, nghĩa là gấp khoảng 23 lần.
Những vụ việc như Việt Á cho thấy một số DN, nhà phân phối có chiêu trò “thổi” giá, đưa ra các yếu tố hình thành giá ngụy tạo rất tinh vi. Vì vậy, kiểm tra yếu tố hình thành giá rất quan trọng trong quản lý Nhà nước. Việc này phòng ngừa “thổi” giá và trục lợi của DN, nhà phân phối, nhà sản xuất, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh hoặc thiên tai.
Vật tư y tế không trong danh mục hàng hóa thiết yếu, tuy nhiên trong quá trình chống dịch, ý nghĩa của mặt hàng này quan trọng không kém thuốc và vaccine. Nhiều mặt hàng chỉ xuất hiện trong tình trạng dịch bệnh, sự cố, thảm họa, chưa có mặt trên thị trường; nên cần thiết xem xét xác định yếu tố hình thành giá với một số mặt hàng liên quan phòng, chống dịch bệnh.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, một số quốc gia quy định biên độ lợi nhuận cho phép với các nhà thuốc, nhà phân phối vật tư y tế. Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, cân nhắc học tập kinh nghiệm các nước để quy định cụ thể, tránh trường hợp vật tư y tế bị “thổi” giá; cũng là để giúp DN, nhà phân phối, nhà sản xuất có cơ sở pháp lý để tiếp tục kinh doanh cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế mà không phải sợ hãi bị mang tiếng trục lợi trên bệnh tật.