Theo đó, chăn nuôi heo, gà VietGAP được triển khai khá sớm trên địa bàn tỉnh và thu hút đông đảo các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp, hợp tác xã. Những mô hình chăn nuôi GAP được nhân rộng từ heo, gà đến nuôi trồng thủy sản, người chăn nuôi mong đầu ra ổn định cho sản phẩm sạch, để GAP có thể phát triển bền vững.
Trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi đang đi đầu trong đầu tư chăn nuôi GAP. Trong đó, Công ty TNHH thương mại, dịch vụ và chăn nuôi Thanh Đức (H. Xuân Lộc) nuôi gà đẻ trứng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh (H. Trảng Bom) đã phát triển được hệ thống các trang trại chăn nuôi gà VietGAP. Nuôi trồng thủy sản đạt chuẩn VietGAP trên toàn tỉnh có các vùng như: Định Quán, Nhơn Trạch, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc với tổng diện tích gần 133 ha.
Các sản phẩm được chứng nhận VietGAP khá đa dạng và phong phú: Tôm càng xanh, tôm thẻ, cá tra, cá trắm, cá lóc, cá rô đồng... Một số địa phương đã hình thành quy mô lớn về chuyên canh thủy sản VietGAP.
Nuôi cá rô phi VietGAP (Hình minh họa) |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 105 trang trại chăn nuôi heo, gà đạt chứng nhận VietGAP, có 616 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Trong đó, khoảng 90% tổng đàn heo và 37,5% tổng đàn gà của các doanh nghiệp được truy xuất nguồn gốc.
Thực tế, trừ một số ít các sản phẩm heo, gà VietGAP của người chăn nuôi vào được kênh tiêu thụ siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, hiện đa số sản phẩm chăn nuôi VietGAP vẫn bán trôi nổi cho thương lái nên người tiêu dùng hầu như chưa biết đến những sản phẩm an toàn này.
Theo chuỗi liên kết nhưng đầu ra cho sản phẩm an toàn vẫn là cánh cửa hẹp do đa số các chuỗi liên kết này dễ dàng đứt gãy, mặc dù thời gian qua, không thiếu những doanh nghiệp, hệ thống siêu thị lớn về ký kết hợp tác bao tiêu heo, gà VietGAP cho nông dân.