Văn hóa & Pháp luật

“Chặn” vi phạm tác quyền bằng hành lang pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Để môi trường văn hóa nói chung, âm nhạc nói riêng lành mạnh, đem lại các giá trị tốt đẹp cho cộng đồng rất cần có sự hoàn thiện hành lang pháp lý để ngăn chặn các hiện tượng “lách luật”, “nhờn luật”.
Bộ VH,TT&DL đang tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ: về quyền tác giả, quyền liên quan.

Bộ VH,TT&DL đang tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ: về quyền tác giả, quyền liên quan.

Vẫn còn kẽ hở để “lách luật”

Thời gian qua, có không ít vụ việc nghệ sĩ và đơn vị tham gia hoạt động văn hóa, giải trí bị xử phạt hành chính. Các vụ xử lý rốt ráo, đúng người, đúng việc đã góp phần ổn định môi trường hoạt động văn hóa, răn đe những cá nhân, đơn vị có hành vi “vượt rào”. Tuy nhiên, cạnh đó, một thực trạng cần nhìn nhận hiện nay là còn không ít tình trạng cá nhân, đơn vị tận dụng những kẽ hở pháp luật để “lách luật”, nhưng vẫn chưa bị xử lý.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đề ra 11 nhiệm vụ và giải pháp lớn, trong đó có hoàn thiện thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho văn hóa phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững.

Đơn cử trong lĩnh vực âm nhạc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có những nội dung điều chỉnh về thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã tích cực phát huy vai trò của mình trong nỗ lực bảo vệ bản quyền tác giả như hoàn thiện hệ thống công nghệ hiện đại trong quản lý, phát hiện sai phạm về quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc; ký hợp đồng song phương với các tổ chức bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tương ứng trên thế giới; phát hiện và hỗ trợ xử lý nhiều vụ vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít cá nhân, tổ chức tìm mọi cách để “lách” qua kẽ hở nhằm sử dụng tác phẩm của người khác mà không phải trả tiền. Đó là trường hợp nhiều website, trang mạng sử dụng các bài hát nhưng không xin phép tác giả cũng không trả tiền bản quyền nhưng lại đặt sever (máy chủ) ở nước ngoài nên rất khó để cơ quan chức năng xử lý.

Hay trường hợp liên quan tới bản quyền Quốc ca, quốc thiều gây ồn ào thời gian qua. Kể cả nhiều sản phẩm nghệ thuật dân gian khi đăng tải lên YouTube cũng bị khiếu nại bản quyền. Cùng với đó là hàng chục vụ việc các nghệ sĩ, tác giả bị nhiều đơn vị dùng sản phẩm âm nhạc của mình mà không trả tiền, thậm chí “nhanh tay” đăng kí đến nỗi tác giả cũng gần như “mất quyền” với tác phẩm của mình trên mạng. Đó là trường hợp các ca khúc của nhạc sĩ Giáng Son, của nghệ sĩ Thu Hiền, nhạc sĩ Lã Văn Cường...

Trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình cũng có nhiều vụ vi phạm diễn ra mà cơ quan chức năng vẫn chưa thể xử lý. Như trường hợp các trang phim lậu, hoành hành trên môi trường mạng từ nhiều năm nay. Thế nhưng, cứ dẹp trang này lại “mọc” ra trang khác. Hầu hết các trang phim lậu đều đặt server ở nước ngoài nên vấn đề xử lý rất khó khăn.

Thời gian qua đã có nhiều vụ phim trên ứng dụng Netfix vi phạm về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Từ đây, những kẽ hở trong quản lý dịch vụ này càng bộc lộ rõ.

Theo quy định, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước, nội dung theo yêu cầu (VOD) phải thực hiện biên tập chặt chẽ bởi cơ quan có giấy phép hoạt động truyền hình. Tuy nhiên, nội dung VOD trên các dịch vụ phát thanh, truyền hình theo yêu cầu trên mạng Internet (OTT TV VOD) của doanh nghiệp nước ngoài lại không biên tập, phân loại, cảnh báo theo quy định pháp luật Việt Nam, dẫn tới nhiều nội dung vi phạm các điều cấm như: xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam... gây bức xúc dư luận.

Có thể thấy, tình trạng “lách luật” đang ngày càng tinh vi. Cùng với quá trình số hóa đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực văn hóa, giải trí, khiến các vụ vi phạm trên môi trường số cũng ngày càng khó xử lý hơn. Thực trạng này đòi hỏi có những điều chỉnh về quy định pháp luật, đảm bảo ngăn ngừa, cũng như không bỏ sót, bỏ lọt hành vi vi phạm.

Nhiều quy định, nghị định của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực VH,TT&DL và quảng cáo; xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan... đã được ban hành. (Ảnh minh họa)

Nhiều quy định, nghị định của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực VH,TT&DL và quảng cáo; xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan... đã được ban hành. (Ảnh minh họa)

Nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý

Là người có thâm niên trong lĩnh vực bản quyền tác giả, cũng từng là nạn nhân của vi phạm quyền sở hữu tác phẩm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng, ý thức tác quyền vẫn là vấn đề đáng bàn trong thị trường âm nhạc Việt Nam. Không chỉ có người nghe thích nghe nhạc miễn phí trên các trang lậu mà bản thân nhiều ca sĩ, nhà sản xuất cũng không có ý thức về bản quyền. Nhiều trường hợp biết luật nhưng cố tình “lách luật” để hưởng lợi, ăn chặn tiền của người sáng tác. Nhạc sĩ chia sẻ, chính bản thân anh không ít lần là nạn nhân của những vụ “lách luật” như thế, khiến sản phẩm âm nhạc do anh sáng tác, nhưng lợi ích phần lớn lại thuộc về đơn vị sản xuất, phân phối.

Nam nhạc sĩ mong muốn hành lang pháp lý về bản quyền ngày một hoàn thiện, để giảm thiểu tình trạng “lách luật”, góp phần nâng cao ý thức của người dân về quyền tác giả.

Thời gian qua, Chính phủ cũng đã tích cực ban hành các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực VH,TT&DL, quảng cáo; quyền tác giả, quyền liên quan...

Đơn cử, trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình trả tiền, ngày 15/6/2022, Quốc hội đã ban hành Luật Điện ảnh, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023, đã bổ sung quy định chi tiết về việc phổ biến phim trên không gian mạng.

Theo Điều 21 Luật Điện ảnh mới ban hành, trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, chủ thể phổ biến phim phải bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim; thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ VH,TT&DL trước khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng; thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi xem phim; để người sử dụng dịch vụ báo cáo về phim vi phạm quy định của Luật này; cung cấp đầu mối, thông tin liên hệ để tiếp nhận, xử lý yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước;...

Với câu chuyện bất cập trong các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023, nhằm đảm bảo quản lý phù hợp xu hướng thế giới, thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam phát triển.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, Nghị định 71/2022/NĐ-CP đóng vai trò rất quan trọng, giúp doanh nghiệp Việt Nam cung cấp các dịch vụ trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam được kinh doanh trên cùng mặt bằng pháp lý, tránh tình trạng "bảo hộ ngược", chỉ quản lý doanh nghiệp trong nước mà buông lỏng doanh nghiệp xuyên biên giới.

Về các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2021/NĐ-CP nêu rõ, đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hình thức xử phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền và đình chỉ hoạt động có thời hạn. Sau một thời gian áp dụng, nhận thấy vẫn còn một số vấn đề bất cập, Bộ VH,TT&DL đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.

Thực tế, các hoạt động văn hóa, giải trí... thay đổi liên tục theo sự đổi thay của cuộc sống, đi cùng sự phát triển của công nghệ, môi trường số. Chính vì thế, đòi hỏi nhà quản lý, những người làm luật phải sớm cập nhật, cụ thể hóa thành quy định, nhằm siết chặt quản lý, tránh những kẽ hở, qua đó góp phần làm lành mạnh môi trường văn hóa trong nước và bám sát Chiến lược Văn hóa đến năm 2030 mà Chính phủ đã đề ra.

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã có báo cáo gửi Bộ VH,TT&DL về kết quả tổng kết thi hành Nghị định số 131/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan.

Trong đó, có đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan của các tổ chức, cá nhân còn hạn chế, tình trạng vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan còn nhiều. Nguyên nhân do có sự tranh chấp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh với tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan khi chưa thống nhất về giá mua bản quyền.

UBND TP HCM kiến nghị cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về các nội dung liên quan quyền tác giả, quyền liên quan. Trong đó, cần quy định biểu giá bản quyền để thống nhất chung cả nước việc thu tiền bản quyền tác giả và quyền liên quan một lần để tránh tình trạng các tổ chức đại diện thu tiền quyền tác giả, rồi tiếp tục thu tiền quyền liên quan.

Đọc thêm