Diễn đàn Điều phối thường niên về An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) "Phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn ở Việt Nam" được Bộ NN&PTNT tổ chức sáng qua (26/6) tại Hà Nội khẳng định, xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn "từ trang trại đến bàn ăn" là một giải pháp có tính đột phá và bền vững để quản lý tốt chất lượng ATTP…
Thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Ảnh: M.H |
Khung pháp lý… “có như không”?
Không phải ngẫu nhiên các chuyên gia về ATTP lại “đổ lỗi” cho khung pháp lý về ATTP (2 Luật và khoảng 20 văn bản hướng dẫn thi hành) là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng ngộ độc thực phẩm, sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo VSATTP, chứa nhiều chất độc hại… tràn lan như hiện nay.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Cục ATVSTP (Bộ Y tế), trong 5 tháng đầu năm 2012, cả nước có 49 vụ ngộ độc với 1.711 người, trong đó 1.330 người phải đi viện và 13 người tử vong. Phần lớn là các vụ ngộ độc tập thể và do thực phẩm nhiễm vi sinh vật như vụ ngộ tại bản Hùn (xã Chiềng Cọ, TP.Sơn La), ở Công ty Dream MeKong (Tiền Giang), Công ty Free Well (Bình Dương), tiệc cưới tại xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, (Lâm Đồng), ngộ độc rượu tại thôn Văn An, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân (Bình Định)…
Cùng với đó là những vụ bắt giữ hàng tấn thực phẩm (chủ yếu là thịt lơn, thịt gà, nội tạng…) hôi thối, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điều đáng nó là khi phát hiện thì “ầm ĩ” nhưng việc xử phạt chỉ như “ném đá ao bèo” nên vừa bắt vụ này đã có vụ khác, thậm chí qui mô “hoành tráng hơn”… Thực trạng đó khiến ATTP đang là vấn đề không chỉ gây bức xúc trên bàn nghị sự, mà còn gây tâm lý hoang mang, giảm sút lòng tin của người tiêu dùng…
Trong khi đó, cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển chuỗi thực phẩm an toàn còn thiếu và chưa đồng bộ. Những mô hình thí điểm về chuỗi thực phẩm an toàn vẫn đang có quy mô còn nhỏ. Tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp lỏng lẻo và kém hiệu quả khiến “mạnh ai nấy làm”, dẫn đến thảm trạng nông dân từ bỏ các mô hình sản xuất sạch vì “đầu tư nhiều nhưng lợi ích kinh tế không đủ bù đắp”…
Phát huy sức mạnh của “quản lý ATTP theo chuỗi”
Cùng với sự phát triển của xã hội, đòi hỏi về chất lượng và ATTP đang ngày càng trở nên cao hơn. Nhu cầu cấp thiết là phải mạnh tay để đảm bảo ATTP theo Chiến lược Quốc gia về ATTP giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030.
PGS.TS.Nguyễn Xuân Hồng (Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT) cho biết, dù phổ biến trên thế giới nhưng đối với Việt Nam, quản lý ATTP theo chuỗi vẫn còn là một vấn đề mới, còn nhiều khó khăn, thách thức khi nhận thức của người tiêu dùng, người sản xuất và doanh nghiệp đối với chuỗi thực phẩm an toàn còn rất hạn chế. Để đáp ứng yêu cầu về ATTP, hoàn thiện thể chế về VSATTP được đặt là giải pháp hàng đầu.
Trước mắt dự thảo Thông tư “quy định phân tích nguy cơ và quản lý ATTP theo chuỗi sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản” (đang được lấy ý kiến) có thể góp phần “trám” những lỗ hổng trong khung pháp lý về ATTP hiện hành, góp phần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn.
Ngoài ra, đặc biệt quan tâm đến thị trường tiêu thụ thực phẩm an toàn, quy hoạch và thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất thực phẩm an toàn, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người sản xuất, người tiêu dùng, người quản lý về chuỗi thực phẩm an toàn… cũng là những đề xuất của các chuyên gia về ATTP để phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn, đáp ứng nguyện vọng và bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, của xã hội.
Các mục tiêu về ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm cấp tính trong Chiến lược quốc gia về ATTP giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030: Đến năm 2015, giảm 25% số vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính từ 30 người mắc trở lên, tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận dưới 8 người/100.000 dân. Đến năm 2020, giảm 30% số vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính từ 30 người mắc trở lên được ghi nhận so với trung bình giai đoạn 2006 - 2010, tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận dưới 7 người/100.000 dân. Đến năm 2030, công tác ATTP được quản lý một cách chủ động, có hiệu quả dựa trên các bằng chứng và thực hiện kiểm soát theo chuỗi; 100% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người quản lý và người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP; 100% cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm đạt điều kiện ATTP. |
Huy Anh