Trong suốt 8 năm qua, người dân thôn Tiên Xá (Phường Hạp Lĩnh – TP. Bắc Ninh) vẫn thường thấy một người đàn ông trạc tuổi 50, liệt cả hai chân, ngồi trên chiếc xe lăn đi khắp ngõ ngách để nhặt từng chiếc đinh, mảnh giấy vụn về bán lấy tiền về nuôi cha mẹ già.
Anh Viện nhặt rác trên phố |
Trở về từ cõi chết
Trong cái nắng gắt gao như đổ lửa, anh mải miết đi dọc con phố, cúi xuống nhặt bất cứ thứ gì trên đường, bỏ vào chiếc túi nilon treo bên thành xe, rồi gân guốc lấy đà lăn từng vòng xe đi tiếp. Đồng hồ điểm 12h, anh về nghỉ, tôi mới có cơ hội tìm hiểu về cuộc đời đầy nghiệt ngã của anh.
Người đàn ông có dáng người “gồng lên vì đau đớn” ấy tên là Nguyễn Kim Viện, sinh năm 1961, trong một gia đình nhà nông. Bốn mươi năm về trước, một buổi chiều đi học về anh bị dầm nước mưa rồi lăn ra ngã bệnh, gia đình tưởng anh bị cảm lạnh thông thường nên không điều trị thuốc thang. Khi lưng anh lù lù nổi lên một khối u lớn, đôi chân teo lại như bị rút hết xương thì gia đình mới tá hỏa cho anh vào viện. Thế là anh phải oằn mình cõng cái u biếu cồng kềnh trên lưng cho đến tận bây giờ.
Trong ngôi nhà cũ kỹ, ông Nguyễn Kim Vượng (cha của anh Viện) nhắc lại quá khứ chua xót của gia đình: “Lúc ấy nhà tôi nghèo lắm, tài sản có giá trị nhất là chiếc xe phượng hoàng. Thương con đau ốm tôi cũng đành bán đi để chữa trị cho nó, nhưng chữa mãi mà bệnh tình của nó cũng không hề thuyên giảm chút nào…”. Nói đến đây ông Vượng quay mặt đi, giấu những giọt nước trong vòm mắt sâu trũng.
Chạy chữa hết Đông y lại đến Tây y, đi khắp các tỉnh phía Bắc rồi vào tận Thanh Hóa, Nghệ An… Cứ nghe ở đâu có thầy giỏi là ông bà Vượng lại đưa con đến chữa, 10 năm trời nướng cả cơ nghiệp vào việc trị bệnh cho con. Khi ra viện K Hà Nội ông bà Vượng phải mưu sinh bằng cách đi nhặt rác, đi ăn xin để lấy tiền điều trị cho Viện.
Nhìn đứa con “sống mòn” từng ngày, các bộ phận trên cơ thể liệt dần cùng thời gian làm cho ông bà Vượng đau đớn như đứt từng khúc ruột. Bà Vượng còn nhớ mãi lời một vị bác sĩ dặn dò: “Về nhà có cái gì ngon thì cho cháu nó ăn đi…”. Lúc ấy bà đã khóc nấc lên, còn Viện thì vẫn đờ đẫn nhìn cha mẹ quằn quại trong đau đớn.
Đưa Viện về nhà với một tâm niệm chờ ngày lo hậu sự cho anh, thì được một người quen mách trên Lạng Sơn có thầy lang chữa liệt rất giỏi. Không từ bỏ hy vọng, ông Vượng hỏi dò cho kỳ được địa chỉ, rồi mò mẫm lên tận nơi cắt thuốc. Ngỡ rằng Viện sẽ không qua khỏi như lời của bác sỹ nhưng không ngờ kỳ tích đã xuất hiện. Nghe lời thầy lang mỗi ngày sắc một thang thuốc uống, sau đó dùng thuốc nước thoa bóp những phần trên cơ thể bị liệt. Uống đến thang thứ 37 thì Viện có phần hồi phục sức khỏe, tay và thân người cử động được. Chỉ có đôi chân là vẫn y nguyên như vậy.
Gồng mình nhặt rác nuôi cha mẹ
Sau biết bao nhiêu ngày tháng nằm liệt, Viện rời khỏi giường. Anh bắt đầu tập nhích cánh tay, nhiều lúc đau quá nước mắt cứ trào ra, anh lại nhủ lòng mình phải cố lên. Anh kể: “Có lần tôi khát nước, chờ mãi không thấy cha mẹ đi làm về, tôi lật người dậy mãi không được, đến khi lấy đà mạnh quá thế là lao đầu xuống đất ngã. Lần mò tìm đến ấm nước sôi để cạnh giường, nhấc mãi cũng không nổi cái ấm, bực mình quá tôi lấy đầu húc đổ ấm nước, rồi thò miệng vào cái vòi nước mà tu…”. Sau biết bao nhiêu ngày tự mình rèn luyện cuối cùng đôi cánh tay của anh cũng đã cầm nắm được.
Hàng ngày ngồi trong buồng nhìn “bóng thời gian” trôi qua ô cửa sổ anh sinh ra chán chường. Những lúc đó anh muốn kết liễu đời mình nhưng ngẫm rồi lại thôi. Lòng khát sống trỗi dậy thúc dục anh phải tập đi. Anh nghĩ: Muốn đi thì phải tập bò trước và thế là anh bắt đầu bò như một đứa trẻ. Sau khi đôi tay đã cứng cáp, anh dùng hai cái ghế gỗ để di chuyển cả thân mình.
Cha mẹ anh ngày càng già yếu, ba miệng ăn trông chờ vào 3 sào ruộng khoán lại thêm tiền thuốc thang cho cả ba người. Ý chí khiến anh phải tìm cách kiếm tiền, không thể ngồi ăn bám cha mẹ cả đời.
Một lần, thấy có cô đồng nát đi thu mua phế liệu, anh nảy ra ý nghĩ đi nhặt sắt, giấy vụn rồi bán lại. Nhưng phải tính kế mua cái xe lăn để đi lại cho tiện. Anh thuyết phục cha mẹ, lúc đầu ông bà Vượng không đồng ý, nhưng Viện thuyết phục mãi ông bà Vượng cũng đành nghe theo. Để có tiền mua chiếc xe lăn gia đình anh đã phải vét sạch thóc trong hòm, bán ba con gà đang ấp trứng cộng thêm một chút tiền tiết kiệm của người mẹ già.
Lúc đầu nhặt không quen, do ngồi xe còn ngượng, đến chỗ có thứ cần nhặt thì bánh cứ trôi đi, không biết phanh nên cứ chạy vòng tròn quanh chiếc đinh. Có lần còn ngã dấp dúi xuống vệ đường, bò mãi mới lên được. Vài ngày sau quen dần thì thu nhập có tăng lên. Nói là tăng nhưng mỗi ngày cũng chỉ được đôi chục ngàn.
Tuy nhiên, khi phường Hạp Lĩnh lên thành phố thì rác được công ty môi trường thu gom tận nhà nên cũng không có gì để nhặt. Vì thế anh phải đi xa hơn, nhiều hơn. Hôm nào cũng vậy, cứ gà gáy báo sáng là anh lại lăn bánh lên đường ra các bãi rác, khi gà lên ổ đi ngủ anh mới chịu về nhà.
Nhiều lần nhặt không được là bao, anh bèn đi dọc phố thu mua vỏ chai nhựa của những nhà ven đường. Cách làm này xem ra cũng kiếm được dăm ba đồng đong gạo. Hôm nào kiếm được nhiều thì anh lại bớt lại một phần dành mua thuốc cho mẹ anh.
Vòng lăn tương lai
Tính từ lúc đi nhặt rác mưu sinh đến nay cũng đã ngót mười năm trời. Mười năm là ba ngàn sáu trăm năm mươi ngàn ngày, ngần ấy thời gian cứ đằng đẵng trôi đi cùng với một khát vọng tổ ấm. Cái khát vọng ấy cứ đeo đẳng theo anh, rồi ám ảnh anh ngay cả trong những lúc anh thấy mình bình yên nhất. Nhưng anh luôn biết rằng: “Sẽ chẳng có ai đủ bản lĩnh và dám xây hạnh phúc cùng một kẻ tàn phế như anh?”.
Biết rằng cái khát vọng ấy vĩnh viễn chỉ là ảo ảnh, là giấc mơ nhưng anh vẫn hy vọng một ngày nào đó sẽ có một người cùng anh gồng gánh những lo toan của cuộc sống. Anh cứ tin như thế và vẫn lao động để đón chờ niềm hạnh phúc phía trước. Sống cho một ngày mai chứ không phải cho riêng hôm nay, vì với anh, anh luôn tin rằng: “Phía trước luôn có một con đường”.
Khi tiễn tôi ra cổng làng mấy đứa trẻ trong xóm nhìn thấy anh cứ chạy theo chiếc xe lăn tung hô: “Chàng gù Tiên Xá; Lăn từng vòng xe; Nhặt rác khắp phố; Nuôi cha mẹ già”. Hình ảnh anh chàng lăn từng vòng xe lăn, nhặt nhạnh từng cái đinh, vỏ lon để mưu sinh ấy đã làm sống dậy trong tôi một niềm tin: “Dù thế nào, con người ta cũng cần gắng mà sống, gắng mà vượt qua những bão giông của cuộc đời”.
Cuộc sống khó khăn vẫn gồng lên cơ thể dị dạng của “chàng gù”. Nhìn khuôn mặt khắc khổ, dáng vẻ lầm lũi của anh Viện, tôi hiểu được những nỗi đau thể xác cũng như tinh thần mà anh phải chịu đựng. Thẳm sâu trong đôi mắt anh, tôi thấy anh khát khao sống một cuộc sống của người bình thường. Dù chỉ có một ngày.
Tự Lập