Gương sáng Pháp luật

Chàng trai “xương thủy tinh” Nam Định: Vượt lên số phận với một “trái tim hồng”

(PLVN) - 38 tuổi, hơn 100 lần gãy xương, đôi chân trở nên yếu hơn bao giờ hết, khi di chuyển xa phải phụ thuộc vào xe lăn, phải hạn chế những va chạm dù là nhỏ nhất. 38 tuổi, là một nạn nhân của “xương thủy tinh”, một căn bệnh không thuốc chữa, thế nhưng Bùi Minh Pha luôn nỗ lực vươn lên trong học tập, lao động, khám phá mọi nơi và giúp đỡ những người khó khăn, khuyết tật cùng cảnh ngộ như anh.

Chân có thể “gãy” nhưng ý chí quyết không “gãy”

Anh Bùi Minh Pha (sinh năm 1985 ở xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) - một kỹ sư sửa chữa máy tính được mọi người biết đến với vóc dáng nhỏ bé, đôi chân dị tật bởi căn bệnh “xương thủy tinh”.

Gặp gỡ anh Pha trong buổi chiều oi nóng của tiết trời mùa hè miền Bắc, thế nhưng ấn tượng bởi gương mặt luôn rạng rỡ, tràn ngập nụ cười, trên đôi chân dị tật yếu ớt, anh niềm nở ra tận cửa mời tôi vào nhà đã xóa tan đi cái khó chịu ngày hè.

Lúc tôi đến là lúc anh đang loay hoay tháo lắp, sửa chữa những linh kiện máy tính cho khách hàng. Gạt những món đồ đang sửa sang một bên, anh Pha mời tôi uống nước một cách thân tình, cởi mở.

Trải lòng về câu chuyện mắc bệnh “xương thủy tinh”, anh Pha tâm sự anh sinh ra là một đứa trẻ bình thường trong một gia đình thuần nông, có 4 anh chị em. Khi lên 5 tuổi, trong một lần bị tai nạn giao thông anh bị gãy cả hai chân phải bó bột.

Vết thương lành chưa lâu, chân anh Pha lại liên tục bị gẫy thêm nhiều lần nữa. Lo lắng cho con, gia đình đã đưa anh lên bệnh viện ở Hà Nội để thăm khám thế nhưng kết luận anh bị bệnh “xương thủy tinh” của bác sỹ như một cú giáng đau đớn cho bố mẹ và cả anh khi ấy.

Với vóc dáng nhỏ bé, anh Bùi Minh Pha luôn “lọt thỏm” so với bạn bè cùng trang lứa

Với vóc dáng nhỏ bé, anh Bùi Minh Pha luôn “lọt thỏm” so với bạn bè cùng trang lứa

Khi nhắc lại thời điểm phát hiện bệnh, đôi mắt anh Pha thoáng có chút buồn nhưng rất nhanh anh liền nở nụ cười tươi và kể tiếp. Cuộc đời anh lúc này như rẽ sang một trang mới của cuộc đời, từ một đứa trẻ hồn nhiên, vui vẻ giờ không được tung tăng, chạy nhảy mà phải gắn mình với giường bệnh.

Tuy hành trình đến trường đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn các bạn đồng lứa nhưng vì khao khát được biết chữ, anh Pha đã xin gia đình cho mình được đi học.

Thương con, mẹ cõng anh đến trường nhưng chỉ được một học kỳ của lớp 1, anh Pha lại thêm vài lần gãy chân dù chỉ là va chạm nhỏ do đó anh đành bỏ học giữa chừng.

Có buồn, có tủi, nhưng hơn hết là khát khao được học nên ở nhà anh Pha mang giấy bút ra viết, rồi học cách cộng trừ. Từng được đào tạo qua lớp sư phạm ngắn ngày, thấy con ham học mẹ anh đã mua sách về dạy con.

Với sự thông minh, được hỗ trợ từ mẹ và thầy cô, bạn bè kèm cặp, anh Pha đã học xong chương trình lớp 5, được nhà trường kiểm tra và chứng nhận hoàn thành chương trình cấp 1, cấp 2 rồi lên cấp 3 và thi đỗ vào khoa Tin học hệ cao đẳng, Trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội theo đúng nguyện vọng.

Tự vươn mình để không là gánh nặng cho gia đình

Anh Pha cho biết, anh ở ngay ký túc xá của trường, quãng đường đến lớp di chuyển chỉ 500m nhưng lớp học tận trên tầng 7 nên anh phải tự lần từng bậc bò lên, có những hôm thực hành anh còn phải di chuyển giữa 2 khu học nên khá vất vả.

Khoảng năm 2009, anh Pha thực tập tại Phòng Tin học, Ban thanh tra Chính phủ, thấy anh cần cù chịu khó, có năng lực, một cán bộ Ban Thanh tra đã tặng anh 10 triệu đồng để cùng gia đình mua chiếc xe máy 3 bánh. Đáp lại tấm lòng này, anh Pha phấn khởi lao vào ôn thi và đỗ tốt nghiệp loại khá.

Thế nhưng cuộc đời chông chênh lại tiếp tục làm khó anh. Có thân hình nhỏ bé nên điều này là cản trở rất lớn đối với anh lúc xin việc sau khi ra trường.

Anh đi rất nhiều nơi nhưng khi nhìn vào ngoại hình anh họ lại ái ngại và từ chối tiếp nhận. Lúc này anh chỉ đành làm thuê cho mấy cửa hàng sửa chữa máy vi tính ở Hà Nội với mong muốn tích cóp ít vốn về quê mở cửa hàng. Nhưng đồng lương cũng chỉ đủ nuôi sống bản thân trong những năm tháng sống chật vật tại đất thủ đô. Năm 2011, theo lời động viên, giúp đỡ của bố mẹ, anh về quê mở cửa hàng chuyên sửa chữa, cung cấp các giải pháp công nghệ, máy vi tính và camera giám sát.

Anh Bùi Minh Pha thay linh kiện máy tính cho khách hàng.

Anh Bùi Minh Pha thay linh kiện máy tính cho khách hàng.

Anh Pha chia sẻ, thời điểm tìm việc khó khăn, bố mẹ có kêu anh về quê và hỗ trợ mở cho anh một cửa hàng internet. Thế nhưng lòng tự tôn, khát vọng vươn lên của một chàng trai trẻ khiến anh không muốn về quê chỉ để mở một quán internet và tạo gánh nặng cho gia đình trong khi đã được đào tạo tại môi trường đại học. Bởi vậy anh đã cố gắng, nỗ lực để rồi sau đó mở cho mình một cửa hàng chuyên sửa chữa, cung cấp các giải pháp công nghệ, máy vi tính và camera giám sát theo đúng chuyên môn được đào tạo như hiện tại.

Lá rách ít đùm lá rách nhiều

Mặc dù cửa hàng không thuộc vị trí thuận lợi, cơ sở vật chất chưa được khang trang nhưng với phương châm “lấy chữ tín làm đầu”, anh Pha cần mẫn sửa chữa cẩn thận giá ưu đãi, đặc biệt là cài phần mềm ứng dụng nhanh và rẻ cho khách.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người trong ngoài huyện tìm đến sửa chữa, mua sắm máy móc, linh kiện tại cửa hàng anh. Trong quá trình đi sửa chữa máy vi tính và cài đặt camera giám sát cho khách hàng, anh Pha tiếp xúc với những trẻ em và những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Sau nhiều lần trăn trở, anh quyết định bàn với vợ mở lớp dạy tin học miễn phí. Vợ chồng anh đã thu xếp căn hộ chưa đầy 40m2, ngăn thành phòng ở, phòng sửa chữa và mở lớp ngay tại nhà dạy tin học cơ bản cho trẻ em và dạy nghề cho những người khuyết tật trong huyện.

Do đối tượng tham gia lớp học là trẻ em và những người khuyết tật nên khả năng tiếp thu còn chậm. Song với sự kiên nhẫn của một người thầy giáo khuyết tật, các em đã vượt qua được khó khăn ban đầu.

Chính kết quả học tập của các em là nguồn động viên cổ vũ anh Pha vượt qua khó khăn để có thêm nghị lực, tiếp tục hướng dẫn các em thực hành trên máy vi tính. Nói tới đây, anh hóm hỉnh nhìn về phía vợ mình là chị Mai Thị Lý và tâm sự, anh rất bất ngờ về tinh thần ham học hỏi của chị. Từ người phụ nữ chân quê, chưa từng tiếp xúc với công nghệ, kể cả điện thoại thông minh, nhưng từ sự hướng dẫn của anh Pha, chị Lý đã nhanh chóng tiếp cận, học hỏi, từ sửa chữa đơn giản. Chỉ sau một năm, chị Lý đã biết lắp đặt hoàn thiện một chiếc máy vi tính từ các linh kiện tháo rời. Chị còn phụ giúp anh Pha trong việc quản lý, giao dịch với khách hàng.

Trong tổ ấm nhỏ của anh Pha luôn rộn rã tiếng cười của hai con trai anh.

Trong tổ ấm nhỏ của anh Pha luôn rộn rã tiếng cười của hai con trai anh.

Bản thân là người khuyết tật, bận rộn với công việc, kinh tế gia đình cũng không mấy khá giả, thế nhưng vợ chồng anh Pha luôn cố gắng sắp xếp để dạy tin học cho 3 đến 5 em theo nhiều ca khác nhau.

Hàng năm anh dành tặng nhiều phần quà đến các em học sinh khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập. Anh cũng thường xuyên sửa chữa máy vi tính, cài phần mềm miễn phí cho những người khuyết tật, khó khăn tại địa phương.

Khi được hỏi lý do làm các công việc trong hành trình thiện nguyện của mình dù mình cũng rất khó khăn, anh Pha bộc bạch: “Đơn giản vì tôi là người khuyết tật nên thấu hiểu khó khăn, tâm trạng của những người cùng cảnh ngộ”.

Biến đam mê thành đôi chân khám phá những vùng đất mới

Trò chuyện với tôi, anh Pha cảm thấy vui cho những người làm nhà báo, phóng viên vì họ được đi rất nhiều nơi, được tìm hiểu nhiều câu chuyện. Đôi tay vẫn thoăn thoắt tháo lắp linh kiện một chiếc laptop, trên khuôn mặt luôn rạng rỡ nụ cười, ánh mắt anh Pha thể hiện sự thích thú khi nhắc đến việc được đi khắp nơi khám phá. “Mặc dù anh bị thế này nhưng anh rất thích đi du lịch, khám phá nhiều nơi. Những năm tháng trên giảng đường đại học, anh cũng tranh thủ cùng các bạn đi du lịch mọi nơi. Mình còn trẻ mình cứ đi và khám phá thôi, đừng ngại ngần gì” - anh Pha tâm sự.

Anh Pha đã đặt chân tới nhiều vùng đất trong và ngoài nước.

Anh Pha đã đặt chân tới nhiều vùng đất trong và ngoài nước.

Với anh Pha, có nhiều lý do để đi, đi để trải nghiệm, đi khám phá những miền đất lạ, cảnh vật mới, con người mới, những câu chuyện mới, nghe mọi người kể về cuộc sống của họ. Đi để ngắm nhìn cuộc sống quanh mình ở một góc hoàn toàn khác, đi, để bù đắp lại cho đôi chân của mình, đi bằng đôi tay, bằng mơ ước của mình, đi để chứng minh cho mọi người thấy rằng những người bị bệnh “xương thủy tinh” sẽ làm được và làm rất tốt nhiều công việc trong cuộc sống.

Dù thân hình nhỏ bé bởi căn bệnh “xương thủy tinh” nhưng anh Bùi Minh Pha luôn cố gắng, nỗ lực sống một cách đáng sống nhất, kể cả trong học tập, lao động hay trong ngay cả hành trình thiện nguyện của mình. Anh tạo nguồn năng lượng sống tích cực cho cộng đồng và luôn xác định phải không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tấm gương của anh đã tác động tích cực đến suy nghĩ và hành động của nhiều người, góp phần động viên, khích lệ nhiều tập thể, cá nhân cùng chung tay chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn bằng những hành động cụ thể, thiết thực nhất. Anh là điển hình cho tinh thần và ý chí của người khuyết tật có tấm lòng vàng.

Anh Bùi Minh Pha là 1 trong 60 gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2023.

Anh Bùi Minh Pha là 1 trong 60 gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2023.

Với nghị lực và nguồn năng lượng, nhiệt huyết tích cực, năm 2018, anh Bùi Minh Pha là khách mời của chương trình “Hôm nay ai đến” của Đài truyền hình Việt Nam; nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định năm 2023 do có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2023, góp phần thắp lên ngọn lửa của ý chí, niềm tin vào cuộc sống cho những hoàn cảnh không may mắn trên mọi miền đất nước.

Đọc thêm