Đợi chờ thâu đêm
Cách đây vài năm, các tài xế xe ôm truyền thống thường có khách cả ngày lẫn đêm thì hiện nay, nhiều người chờ đêm xuống mới hoạt động, bởi ban ngày là thời gian "vàng" của "xe ôm công nghệ".
Không ít tài xế "xe ôm truyền thống" đã chuyển đổi công việc, số còn lại cố bám trụ với nghề, phần lớn là nhừng người ở tuổi “xế chiều”.
Có “thâm niên” hơn 30 năm nghề chạy xe ôm, ông Phạm Văn Vũ (62 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) bồi hồi kể, vào nghề bằng chạy “xe đạp ôm”. "Thời đó, có chiếc xe đạp để chở khách thôi là nuôi cả gia đình. Hàng chục năm sau mới xuất hiện honda ôm, hễ chạy là "đắt như tôm tươi"", ông Vũ hồi tưởng.
Thế mà, vẫn lời ông Vũ, gần 10 năm trở lại đây, xe ôm không còn là lựa chọn số 1 của người dân bởi giá mua xe máy khá rẻ, nhà nào cũng có khả năng mua để đi lại. Thêm nữa, các hãng "xe công nghệ" xuất hiện ngày một nhiều, vì vậy nghề xe ôm đã qua thời kỳ huy hoàng.
“Kiếm tiền nhờ chạy xe ôm càng khó, ban ngày tôi phải tranh thủ đi phụ hồ, đêm thì ra ngã tư chờ khách đến gần sáng, lây lất sống qua ngày. Lỡ gặp phải “bọn ác” là chết như chơi”, ông Vũ ngao ngán nói.
Đã hơn 1 giờ sáng nhưng bác Lê Văn Hóa vẫn kiên trì ngồi góc đường chờ khách. |
Đã hơn 1 giờ sáng, ông Lê Văn Hóa (67 tuổi, ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ) vẫn kiên trì ngồi đợi khách đến. Ông Hóa cho biết: “Trước đây ngày nào cũng kiếm được vài ba trăm, vài năm gần đây ế khách là chuyện bình thường. Bây giờ ngày được hơn 100.000 đồng là mừng lắm rồi! Có đêm ngồi từ tối đến sáng hôm sau không có khách đành ngậm ngùi nhịn đói đi về”.
Sống bằng nghề xe ôm ngày càng khó khăn, biết sửa xe, ông Hóa trang bị “bộ đồ nghề” để sẵn trong cốp, kết hợp sửa xe lưu động. Có người báo xe gặp sự cố, ông sẽ gấp rút đến để sửa chữa, kể cả ở tỉnh bạn cũng không ngần ngại. Tùy theo đoạn đường gần xa mà chi phí sửa chữa trung bình 100.000 – 180.000 nghìn đồng.
“Khách báo xe hỏng thường là bà con tiểu thương chở hàng lúc rạng sáng, có những cuộc gọi ba, bốn giờ sáng hễ gọi là tôi có mặt, từ thay xăm, nối dây xích, xe chết máy… tôi làm được hết. Mình làm để kiếm thêm thu nhập cũng xem như giúp người trong lúc khó khăn chứ nửa đêm xe hư đâu biết trong đợi vào ai. Có khi nhờ sửa xe một đêm kiếm được 200.000 – 300.000 đồng”, ông Hóa bộc bạch.
Mưu sinh tuổi “xế chiều”
Nghề xe ôm là một công việc tưởng chừng khá đơn giản nên nhiều người lựa chọn để mưu sinh. Bởi công việc này không đòi hỏi trình độ, độ tuổi, chỉ cần một chiếc xe máy, hai mũ bảo hiểm, là có thể hành nghề.
Tuy nhiên, thực tế, nghề này đòi hỏi người lái xe phải có sức khỏe tốt, sẵn sàng dầm mưa dãi nắng, phải kiên trì nhẫn nại và phải chấp nhận hiểm nguy đe dọa khi thường xuyên đi trên đường, phải qua những quãng vắng, đồng hành với mọi đối tượng khách...
Cụ Huỳnh Tấn (90 tuổi) nhập viện do bị tai nạn lúc hành nghề xe ôm |
Cách đây không lâu, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cấp cứu cụ Huỳnh Tấn (90 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), chấn thương do tai nạn trong lúc chạy xe ôm.
Cụ Tấn tâm sự: “Tôi sống đơn chiếc, không vợ không con, gặp tai nạn may mắn được người đi đường giúp đỡ. Ở tuổi tôi đâu mần gì kiếm ra tiền, chạy xe ôm người ta thấy thương mà ủng hộ sống qua ngày. Có khi chờ suốt êm chạy được vài chục nghìn đồng, đêm nào “trúng mánh” được hơn 100.000 đồng là mừng lắm rồi. Nên dù mệt cũng ráng chạy”.
Hình ảnh những bác xe ôm già thẫn thờ ngồi trên chiếc xe máy cũ bên đường, nhìn như vô hồn vào khoảng không thưa thớt người trước mặt, trong cái se lạnh của những ngày cận Tết khiến không ít người chạnh lòng.
Nhiều người như ông Vũ, ông Hóa..., chờ đợi thâu đêm để rồi sáng hôm sau ngậm ngùi về nhà với hy vọng đêm mới sẽ khác...