Hy vọng con có trải nghiệm thực tế
Khi kỳ nghỉ hè vừa bắt đầu, cũng là lúc phụ huynh băn khoăn, lo lắng không biết gửi con cho ai trông nom trong một tháng hè khi cha mẹ đi làm. Để con ở nhà một mình, thì cha mẹ lo con cái sẽ sử dụng Internet, mạng xã hội quá nhiều. Gửi con đến lớp học thêm thì sợ học sinh kiệt sức, đánh mất tuổi thơ. Đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, rất nhiều trung tâm kỹ năng đã được thành lập, giúp các em có được một kỳ nghỉ đan xen giữa học tập và trải nghiệm thực tế.
Các trung tâm kỹ năng có nhiều hoạt động dành cho mọi lứa tuổi từ bốn đến mười sáu, để phụ huynh lựa chọn. Chủ yếu, lịch học tập, vui chơi một ngày của các em sẽ gồm có tiếng Anh vào buổi sáng, sau giờ nghỉ trưa, sẽ bắt đầu buổi chiều với việc học kỹ năng quản lý thời gian, công nghệ 4.0, nấu ăn, hoạch định tài chính,… Xen kẽ với những ngày học trong lớp, các em được đi ra ngoài, tham gia các hoạt động ngoại khóa trên rừng, dưới biển, như đi lên núi học câu cá; bẻ ngô; nấu cơm bằng bếp củi,… Khi kết thúc những khóa học kỹ năng, trung tâm sẽ cung cấp cho học sinh các chứng chỉ công nhận.
Như câu chuyện của chị Nguyễn Thị Hồng Liên (Hà Nội) đã từng gây chú ý trên mạng xã hội, khi mỗi năm, chị lại cho hai con trai (một cháu 17 tuổi, một cháu 14 tuổi) đi một nước khác nhau. Năm thì Nhật Bản, năm lại đến học kỹ năng sinh tồn trong rừng tại Mỹ, có năm lại học hè tại một trường ở Úc. Mỗi chuyến du học hè như vậy sẽ kéo dài từ một tuần đến tám, chín ngày. Chị Hồng Liên cho biết, chi phí cho mỗi chuyến đi trung bình là 70 triệu đồng/người.
Cô Nguyễn Thị Thủy Tiên (Ba Vì, Hà Nội), hiện đang là giáo viên tại một trung tâm ở Ba Vì cho biết: “Đến hè, chúng tôi lại bận rộn để tổ chức cho học sinh các khóa kỹ năng sống”. Cô chia sẻ, đây là nhu cầu của phụ huynh, giúp các con không bị giam mình trong bốn bức tường và có trải nghiệm đời thường. Các khóa học tại trung tâm của cô không chú trọng việc ôn tập tiếng Anh, Toán, Văn, mà đưa học sinh đến những vùng quê, bẻ ngô, bắt cá, tự nướng thịt,… Mỗi chuyến đi diễn ra trong khoảng ba ngày và dành cho học sinh tiểu học.
Hiện nay, hầu hết các phụ huynh tại thành phố đều không có thời gian ở nhà với con vào dịp hè. Cho nên, họ tìm đến các trại hè, lớp học kỹ năng mong con mình có một nơi vui chơi, học tập để bố mẹ an tâm đi làm. Phần lớn, các gia đình sẽ chọn các trung tâm ở nội thành Hà Nội. Còn những phụ huynh có điều kiện kinh tế hơn, sẽ gửi con đến các trại hè du học được gọi là Summer Camp ở Mỹ, Úc hoặc các nước châu Âu, thậm chí là Bali (Indonesia), Trung Quốc. Tại đây, các em trong độ tuổi từ tiểu học đến cấp THPT, ngoài thời gian giao tiếp với người bản địa, sẽ được đi tham quan, du lịch, hoạt động đội nhóm để tăng cường kỹ năng mềm. Tùy vào đất nước mà các em tới, trung tâm sẽ có những chủ đề riêng. Ví dụ như Bali là về thiên nhiên xanh, Trung Quốc sẽ có khóa học thư pháp, nghệ thuật,…
Chi phí cho mỗi chương trình hè như vậy dao động từ vài triệu đồng cho đến 50, 100 triệu tùy vào điều kiện kinh tế của phụ huynh. Các trung tâm sẽ tổ chức ít nhất là một tuần, nhiều nhất là hai tháng nghỉ hè (8 tuần) cho học sinh. Phụ huynh có thể gửi con nửa buổi, một ngày, hoặc có thể đăng ký nội trú, cho con ở luôn tại trung tâm. Với chi phí lớn hơn cả một năm học tại trường, cha mẹ thường đặt kỳ vọng rất cao vào việc các con sẽ nâng cao trình độ tiếng Anh, kỹ năng mềm để trở thành những đứa trẻ toàn tài trong cuộc sống.
Hiểu được điều đó, ngày càng có nhiều trung tâm rèn luyện kỹ năng được mở ra. Theo số liệu được Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội cung cấp vào năm 2020, có khoảng chín mươi chín trung tâm bồi dưỡng kỹ năng, đăng ký cung cấp các chương trình. Vào mùa hè, các trung tâm này thường chạy quảng cáo trên mạng xã hội liên tục, với lời “chào mời” hấp dẫn như dạy “phản xạ và sự nhanh trí”, thuyết trình, giúp trẻ tự tin giao tiếp. Những năm gần đây, nổi bật với các khóa học kỹ năng cần thiết trong thời đại 4.0 như Kinh tế, Tin học, kết hợp ôn tập tiếng Anh.
|
Chỉ cần một cú nhấp chuột sẽ thấy thông tin của hàng loạt các trung tâm kỹ năng, trại hè. (Ảnh minh họa nguồn Internet) |
|
Có nhiều hoạt động trải nghiệm mùa hè cho trẻ. (Ảnh minh họa nguồn Internet) |
Đừng kỳ vọng quá nhiều vào các lớp ngoại khóa
Thực tế, không phải trại hè, lớp học kỹ năng nào cũng đáp ứng được nguyện vọng của các bậc phụ huynh. Thậm chí, làm họ thất vọng, vì sau một mùa hè con của mình không có những tiến bộ rõ rệt. Như chị Nguyễn Thu Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị đã cho con tham gia một khóa học hè về yêu thương, trong một tuần: “Mới đầu, khi về nhà, con cũng giúp đỡ, quan tâm cha mẹ và bày tỏ tình cảm. Nhưng sau vài tháng, khi đã quay về nếp sống cũ, thì đâu lại vào đó”.
Không phải một mình trường hợp của chị Thủy, mà đó là câu chuyện của chị Bích Lan (Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể lại, con trai chị (hiện 13 tuổi), sau khi tham gia trại hè quân đội trở về, những tuần đầu, cháu thức dậy lúc 5h sáng, gấp chăn màn gọn gàng, rất khuôn phép, ngoan ngoãn. Nhưng một tháng sau đó thì lại về tình trạng như cũ, thậm chí còn học được thói quen nói tục từ các anh chị lớn hơn.
Đó còn là câu chuyện của chị Mai Phương (Xuân La, Tây Hồ) chia sẻ, chị đã cho con gái (hiện 14 tuổi) tham gia một số trại hè ở nước ngoài, từ trại hè về logic, phát triển tư duy, đến các trại hè trải nghiệm cuộc sống. Tuy nhiên, kết quả nhận về chưa thật sự khả quan: “Cháu nhà tôi vốn ngoại ngữ không tốt, gia đình đã nhiều lần đăng ký cho cháu các khóa học hè tại Mỹ, châu Âu. Nhưng khi trở về, tiếng Anh của cháu không cải thiện nhiều. Thậm chí, còn học được thói quen không tốt từ các bạn đi cùng”.
Việc trải nghiệm các khóa học kỹ năng, trại hè trong và ngoài nước là để các em học sinh có thêm vốn kiến thức sống, chứ không thể đòi hỏi một con người phải thay đổi hoàn toàn sau thời gian ngắn. Bởi vì, vốn kiến thức, đạo đức và tâm tính của các em học sinh, thanh, thiếu niên phải được gia đình, nhà trường rèn luyện, dạy bảo trong nhiều năm liên tục. Còn những khóa học mùa hè sẽ bổ trợ, giúp các em có nơi để vận dụng kiến thức và khám phá những khả năng tiềm ẩn bên trong. Như Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Lâm (Giám đốc Trung tâm Anh ngữ LAMASTER) đã có nhận định về vấn đề này: “Nhiều em tham gia các trại hè quốc tế chưa có sự chuẩn bị tốt các kĩ năng giao tiếp cơ bản, vốn ngoại ngữ cơ bản”.
Việc cho con tham gia các lớp học kỹ năng, trại hè, phụ huynh cũng phải chấp nhận các em sẽ sinh hoạt một tuần, thậm chí cả tháng trong cộng đồng với nhiều học sinh khác ở mọi lứa tuổi. Cho nên, con có thể sẽ học được cả điều tốt, lẫn những thói hư, tật xấu của bạn bè, điều đó là khó tránh khỏi. Vì vậy, bố mẹ không nên “thần thánh hóa”, dựa dẫm vào các lớp học kỹ năng. Mà vẫn nên giữ song song giữa giáo dục gia đình, nhà trường và các trung tâm.
Đặc biệt, thời gian nghỉ hè, là khoảnh khắc hiếm hoi, để gia đình có thể gần gũi hơn với các em. Như Thạc sĩ Chế Dạ Thảo - chuyên gia tâm lý, Trưởng bộ môn Kỹ Năng (ĐH Công nghệ TP HCM) đã chia sẻ với báo chí, truyền thông: “Cần ưu tiên số một thời gian nghỉ hè của trẻ là thời gian vàng để kết nối gia đình và người thân. Gia tăng các hoạt động cùng nhau để nâng tầm phát triển mối quan hệ gia đình, cũng như giáo dục”. Vì vậy, các bậc cha mẹ không nhất thiết phải cho con đến trung tâm dạy kỹ năng sống, trại hè du học, mà có thể cho các em về quê. Điều này, không chỉ gia tăng tình cảm của các em đối với họ hàng, ông bà. Mà còn giúp mỗi em có những trải nghiệm thực tế, gần gũi, tự do. Hơn nữa, không ai có thể quan tâm, giáo dục các con tâm huyết như chính cha mẹ mình, vì vậy, vào mùa hè, cha mẹ nên bớt thời gian để chăm sóc, đưa con đi chơi nhiều hơn.