Chào năm mới trong niềm tin vững chắc

(PLO) - Trong hơi thở mùa xuân căng tràn nhựa sống, nhiều chỉ dấu cho thấy đất nước cũng đang bước vào một vận hội mới, tăng trưởng phục hồi rõ nét trong khi niềm tin kinh doanh, đầu tư sẽ được cải thiện mạnh mẽ và củng cố vững chắc.
Tốc độ tăng trưởng quý I/2015 sẽ là 5,4%, cao hơn cùng kỳ năm 2014. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong các quý tiếp theo và mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,2% là khả thi. Trong ảnh: Cầu Nhật Tân.
Tốc độ tăng trưởng quý I/2015 sẽ là 5,4%, cao hơn cùng kỳ năm 2014.
Xu hướng này sẽ tiếp tục trong các quý tiếp theo
 và mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,2% là khả thi.
Trong ảnh: Cầu Nhật Tân.
 
“Năm nay phải có tiến bộ vượt bậc về cải cách thủ tục hành chính”
Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2015.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội đều đạt kết quả tích cực. Ngay từ đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đều đã nghiêm túc quán triệt, triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế -xã hội năm 2015, cụ thể hoá thành các chương trình, kế hoạch hành động và triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt.
Dù giá dầu thô thế giới giảm mạnh, thấp hơn so với mức dự báo khi tính toán các chỉ tiêu vĩ mô, cân đối thu chi ngân sách như đã trình Quốc hội, tuy nhiên người đứng đầu Chính phủ tin tưởng,  “giá dầu giảm có lợi nhiều hơn có hại, mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 6,2% vẫn khả thi, ngân sách vẫn cân đối được”.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra cho năm 2015. Lưu ý phải tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, tiếp cận điện... 
“Năm 2015 phải là năm có tiến bộ vượt bậc về vấn đề này” - Thủ tướng yêu cầu.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân các dự án, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng, bảo đảm tiến độ. 
Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước quyết liệt chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp xử lý hiệu quả nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đưa nợ xấu về mức 3%; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn nhưng chú ý kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, không để nợ xấu gia tăng, giữ ổn định tỷ giá.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tập trung chỉ đạo và tăng thêm nguồn lực cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 
Theo đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính tính toán, cân đối, báo cáo và bố trí thêm 15.000 tỷ đồng cho Chương trình hết sức quan trọng này. “Mục tiêu cuối năm 2015 cả nước có khoảng 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới là khả thi” -  Thủ tướng khẳng định và đề nghị phấn đấu đến năm 2020 cả nước có khoảng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
“Tăng trưởng đang phục hồi rõ nét”
Trong một diễn biến khác, tại Báo cáo triển vọng kinh tế năm 2015, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo lạm phát trong năm 2015 sẽ tiếp tục ở mức thấp trước sức ép giảm giá dầu và giá hàng hóa thế giới. Giá dầu thô giảm sẽ tác động làm CPI bình quân năm 2015 giảm khoảng 1,1% điểm phần trăm so với lạm phát bình quân năm 2014 và đạt khoảng 3%.
Điểm nổi bật tiếp theo của tình hình kinh tế trong nước là sản xuất và tiêu dùng tiếp tục được cải thiện. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng 1/2015 tăng cao, tới 17,5%  so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 19,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng của tháng 1/2014 và mức tăng bình quân các tháng năm 2014.
Điểm đáng chú ý là nếu tháng 1/2014 có yếu tố mùa vụ (Tết Nguyên đán) thì tháng 1/2015 không có yếu tố này. Đây là dấu hiệu cho thấy nền sản xuất tiếp tục phục hồi.
Tham khảo chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI (HSBC) cho thấy các điều kiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất tiếp tục được mở rộng. Chỉ số PMI tháng 12/2014 đạt 52,7 điểm – cao nhất kể từ tháng 4/2014. Đồng thời, chỉ số giá cả đầu vào tháng 12/2014  dưới 50 điểm và là tháng có tốc độ giảm mạnh nhất trong vòng 2 năm rưỡi. Giá cả của các nhà cung cấp thấp hơn, chi phí vận chuyển giảm và chi phí nhiên liệu giảm được cho là đã làm giảm chi phí sản xuất.
Tiêu dùng tăng mạnh mặc dù tháng 1/2015 không phải là tháng có yếu tố mùa vụ (Tết Nguyên đán). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2015 loại trừ yếu tố giá ước tăng 11,95% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước kể từ năm 2011.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khẳng định niềm tin kinh doanh và đầu tư được củng cố và duy trì vững chắc, nhờ những cam kết, nỗ lực cải cách hành chính và thể chế để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư theo hướng thị trường, bình đẳng, minh bạch hơn. Chỉ số BCI về niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tăng mạnh kể từ quý IV/2013, đạt 78 điểm tại quý IV/2014, đây là mức cao thứ hai kể từ năm 2010.
Phân tích yếu tố chu kỳ của tăng trưởng, Ủy ban khẳng định tăng trưởng đang phục hồi rõ nét. Tốc độ tăng trưởng GDP hàng quý (sau khi bỏ tính mùa vụ) duy trì xu hướng tăng kể từ quý 2/2014.
Dựa trên phân tích định lượng, Ủy ban dự báo tốc độ tăng trưởng quý I/2015 sẽ là 5,4%, cao hơn cùng kỳ năm 2014. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong các quý tiếp theo và mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,2% là khả thi.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, CPI tiếp tục đà giảm là cơ hội để xem xét điều chỉnh giá của một số mặt hàng mà không tạo biến động lớn trên thị trường và nền kinh tế. Giá xăng dầu giảm là cơ hội giảm chi phí vận tải, việc sớm giảm chi phí vận tải có tác dụng lan tỏa tốt trong nền kinh tế đối với sản xuất và tiêu dùng.
Ủy ban kiến nghị, việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 19 và kiểm soát hàng lậu kém chất lượng là yêu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh cạnh tranh lành mạnh. Cùng với đó, cần nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn các luật mới về đầu tư, kinh doanh có hiệu lực trong năm 2015.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới duy trì mức lãi suất thấp, nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa thì việc xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay là cần thiết và nhiều ý nghĩa để tiếp tục hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh.
Trước việc đồng USD tăng giá, nhiều loại tiền khác đã giảm giá trị và điều này sẽ tạo áp lực nhất định lên tỷ giá năm 2015, Ủy ban kiến nghị cần xem xét cân nhắc thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt nhằm đảm bảo ổn định hơn cho nền kinh tế.

Đọc thêm