Hồn nước vẫn trường tồn mạnh mẽ…

(PLO) - Những lúc đất nước gặp khó khăn hay khi Tổ quốc gặp cơn nguy khốn, chúng ta lại thấy dâng lên một tình cảm yêu nước nồng nàn chung trong hơn 90 triệu con dân nước Việt. Điều gì đã tạo nên nét độc đáo ấy trong tâm thức người Việt?
Hồn nước vẫn trường tồn mạnh mẽ…

Nhân dịp Xuân mới, TS. Vũ Ngọc Hoàng- Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư – có đôi lời lý giải cùng báo Pháp luật Việt Nam…

Theo ông có hồn nước không? Đối với Việt Nam ta nó là cái gì và như thế nào?
- Hồn nước là có thật, là giá trị cốt lõi – linh hồn của một nền văn hóa, thuộc về đời sống tinh thần của dân tộc, rất thiêng liêng, quý giá, vừa trừu tượng, vừa cụ thể; khi bình thường khó nhìn thấy, khi có sự kiện, sự cố, nhất là lúc Tổ quốc lâm nguy, đất nước bị thiên tai, đồng bào bị hoạn nạn, hoặc khi kỷ niệm các sự kiện lớn của lịch sử, thì dễ nhận thấy hồn nước, thấy sức mạnh tinh thần lớn lao, biểu hiện qua hành vi nhân nghĩa, cao thượng, anh hùng của con người.
Việt Nam ta, từ ngàn xưa, đất nước đã bao lần gặp khó khăn, nguy hiểm, nhất là những khi có xâm lược từ phương Bắc, phương Tây, khi bị đô hộ, hồn nước chẳng những chưa bao giờ mất đi mà ngược lại luôn giữ cho dân tộc trường tồn, chiến thắng.
Trong giá trị tinh thần to lớn ấy, những sự kiện lịch sử, hình tượng các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa, những gương sáng về nhân cách, về nghĩa cử cao đẹp, hình tượng người mẹ hiền, văn hóa thờ cúng tổ tiên, tình cảm với quê hương, văn hóa làng – bản, thi ca và âm nhạc… đã đóng vai trò rất quan trọng, là những bộ phận hợp thành để tạo nên hồn nước. Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Quang Trung, Hồ Chí Minh… có vai trò to lớn trong việc dựng nên hồn nước, hào khí non sông.
TS. Vũ Ngọc Hoàng- Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư

TS. Vũ Ngọc Hoàng- Ủy viên T.Ư Đảng,

Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư 

Như chúng ta đã thấy, khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời hoặc khi nghe tin giàn khoan 981 của Trung Quốc vào hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, chẳng ai bảo ai, rất nhanh, từ Bắc vào Nam, từ miền núi xuống đồng bằng, từ người già đến người trẻ, cả nước một tình cảm, một ý chí, cùng cảm phục mến yêu cuộc đời của người anh hùng đã hết lòng với nước non, cùng quyết chí giữ gìn bờ cõi, biển trời của Tổ quốc. Một sức mạnh rất kỳ lạ, rất bí ẩn, mà rất thực, rất to lớn. Đó chính là hồn nước. Rồi việc kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, hào hùng, lắng đọng, rưng rưng xúc động trước một truyền thống gian lao, ác liệt, đầy hy sinh, anh dũng, với những con người đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, không một chút đòi hỏi, không một chút đắn đo….
Với cách nhìn nhận của mình, xin ông cho biết ý kiến của ông về thế nước của ta hôm nay?
- Thế nước, mặc dù cũng có mặt này mặt khác, nhưng nhìn chung, tôi nghĩ là tốt. So với thời kỳ bắt đầu đổi mới, tiềm lực kinh tế đã tăng 4 đến 5 lần, tức là bằng 4 đến 5 nước Việt Nam thời ấy về sức mạnh kinh tế. Số trường trung học, đại học nhiều hơn gấp bội, cả nước đã phổ cập giáo dục trung học. Tiềm lực về y tế cũng tăng lên đáng kể. Đất nước đã thống nhất thành một khối, không bị phân đôi như thời kỳ kháng chiến chống xâm lược Mỹ, không có vùng tự do và vùng bị chiếm như thời kỳ chống thực dân Pháp. Hệ thống giao thông và thông tin liên lạc đã gắn liền cả nước.
Từ chỗ bị bao vây cô lập đến nay đã có quan hệ ngoại giao với trên 160 nước và vùng lãnh thổ, Việt Nam là thành viên có tiếng nói đáng lưu ý trong nhiều Tổ chức quốc tế, có nhiệm kỳ là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tất nhiên đang có câu chuyện về tình hình biển Đông, từ bên ngoài tác động vào, gây ảnh hưởng đến chủ quyền và sự ổn định của đất nước, nhưng thế nước chủ yếu là ở dân.
Nước ta mỗi khi phải chống xâm lăng, cường quyền thì lòng dân thường tụ về một mối, thành một khối thống nhất, lúc ấy thế nước lại vững hẳn lên. Mặt khác, như phần trên đã nói, hồn nước vẫn trường tồn mạnh mẽ, là chỗ dựa vững chắc góp phần tạo nên thế nước. Chính trị ổn định cũng là thế nước. Những chủ trương mới của Đảng và Nhà nước ta về mở rộng dân chủ cũng sẽ góp phần làm cho thế nước vững mạnh hơn.
Ông nghĩ như thế nào về vận nước?
- Theo suy nghĩ của tôi, khi nói vận nước mặc dù cũng có hàm chứa yếu tố thời cơ nhưng chủ yếu phải là do dân tộc ấy, cộng đồng ấy, kể cả lãnh đạo và nhân dân cùng tạo nên, bằng tầm nhìn chiến lược và tâm huyết trong hành động, tích góp sự đổi mới trong nhiều năm, để tích lũy về lượng, đủ điều kiện cho một bước nhảy vọt (về chất). Ấy chính là vận nước. Không phải ngẫu nhiên từ đâu tới, không phải ngồi chờ thời, mà do ta tạo nên.
Với phương pháp suy nghĩ như thế, với hồn nước và thế nước như đã nói ở trên, với kinh nghiệm thành công và thất bại trong 30 năm đổi mới của Việt Nam, với tư duy mở để nhìn ra thế giới, nghiên cứu những kinh nghiệm thành công và thất bại của họ, quyết tâm đổi mới một cách mạnh mẽ, căn bản và đồng bộ, trong đó các mục tiêu dân tộc, dân chủ và giàu mạnh được đặt ở vị trí trọng tâm hàng đầu; quyết tâm chống tham nhũng và lợi ích nhóm để cho đất nước phát triển lành mạnh, thì đó là vận nước tốt. Nếu không quyết tâm đổi mới, để trì trệ kéo dài, để chính trị mất ổn định thì đó là vận nước xấu. Đều do con người tạo nên cả chứ không phải do trời đất hoặc thời thế ban tặng…
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm