Mập mờ nguồn gốc, chất lượng
Càng gần Tết Trung thu, các cơ quan chức năng càng đưa ra nhiều cảnh báo người tiêu dùng về vấn đề an toàn thực phẩm. Đây là thời điểm nhiều loại bánh không rõ nguồn gốc, không đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm được bán tràn lan trên thị trường dưới những tên gọi mỹ miều như bánh handmade, bánh nhập khẩu, bánh nội địa nước ngoài,...
Do sản xuất các loại bánh nướng, bánh dẻo đem lại lợi nhuận rất cao, nên dịp Tết Trung thu mỗi năm đều xuất hiện hàng loạt cơ sở chế biến, sản xuất loại bánh này khiến thị trường bánh rơi vào cảnh “vàng thau lẫn lộn”. Phần lớn các cơ sở có tên tuổi đều đảm bảo được quy định sản xuất an toàn cho các loại bánh.
Tuy nhiên, một số cơ sở nhỏ, thủ công đã cố ý hoặc vô ý sử dụng các loại phẩm màu, chất bảo quản độc hại, nguyên liệu không đảm bảo, cơ sở sản xuất chật hẹp, nặn bánh trực tiếp bằng tay,... Đánh vào tâm lý, thị hiếu của trẻ em, nhiều cơ sở sản xuất loại bánh hình các con vật nhiều màu sắc từ những loại phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế, gây độc hại cho người tiêu dùng.
Khảo sát trên thị trường và mạng xã hội đang rao bán loại bánh nướng có giá chỉ từ 2.000 - 5.000 đồng/chiếc, loại bánh này được quảng cáo là có xuất xứ từ Đài Loan với nhân đủ vị trái cây như cam, dâu, xoài, dứa...
Theo tìm hiểu, loại bánh trung thu này được nhập về với giá sỉ là trên 300.000 đồng/thùng, mỗi thùng có khoảng 130 chiếc bánh, chia nhỏ ra thì mỗi chiếc bánh có giá bán siêu rẻ. Vì mức giá siêu rẻ, loại bánh này trở thành món đồ được nhiều người lao động thu nhập thấp, sinh viên lựa chọn.
Trong khi người tiêu dùng đang hoang mang trước những chiếc bánh có giá siêu rẻ thì mới đây, Đội Quản lý thị trường số 24 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra và thu giữ lô hàng 10.000 bánh trung thu nhập lậu với mức giá siêu rẻ tại một cửa hàng buôn bán nông sản ở La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Toàn bộ lô hàng vi phạm với hơn 10.000 sản phẩm gồm bánh trứng, bánh nướng, bánh dẻo, tất cả đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Hàng mới được nhập về còn nguyên trong các bao tải, nhãn mác cho thấy các loại bánh này đều nhập từ bên kia biên giới và không có thông tin về hạn sử dụng.
Theo khai nhận, mỗi chiếc bánh nhập về có giá từ 2.000 - 3.000 đồng nhưng không có cơ quan nào kiểm tra, giám sát về chất lượng của lô hàng này. Chủ hàng cho biết đây là chuyến hàng thứ 3 trong nửa tháng qua. Hàng sau khi nhập về sẽ được rao bán công khai trên Zalo, facebook để kiếm lời.
Đáng lo ngại hơn khi mà những năm gần đây, các loại bánh trung thu tự làm “lên ngôi”, được người tiêu dùng chọn là cách tự bảo vệ mình khỏi vấn nạn thực phẩm bẩn. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như hình thức kinh doanh online dường như chưa nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng. Bởi, hầu hết người mua hàng chủ yếu dựa vào niềm tin và chỗ quen biết.
Không chỉ là bánh không rõ nguồn gốc, nhiều cơ sở còn có mánh khóe tráo hạn sử dụng. Rất nhiều chiếc bánh trung thu handmade hay những loại bánh nhập khẩu giá rẻ bị thay nhãn mác là một trong những chiêu trò được các gian thương áp dụng, thậm chí nhiều chiếc bánh có ghi hạn sử dụng nhưng mỏi mắt vẫn chưa thể tìm thấy ngày sản xuất...
Chị Nguyễn Thị Duyên, có nhiều năm sản xuất bánh trung thu tại Hà Nội cho biết: “Vì thích thú với công việc làm bánh nên mỗi độ Trung thu tôi chỉ làm với số lượng ít, phục vụ nhu cầu của những người khách quen. Để sản xuất ra một chiếc bánh nướng, bánh dẻo phải trải qua rất nhiều công đoạn, tất cả các công đoạn đều phải đảm bảo yếu tố an toàn thực phẩm.
Do vậy với những chiếc bánh giá rẻ có lẽ quy trình làm bánh cũng thay đổi, nguyên liệu cũng khó kiểm soát độ an toàn. Với những chiếc bánh chỉ với giá 5.000 đồng thì cần xem xét nhiều đến độ an toàn chất lượng”.
Cảnh giác nấm mốc và hạn sử dụng của bánh
Trước thực trạng đó, với quyết tâm không cho phép tồn tại cơ sở sản xuất bánh trung thu không phép trên địa bàn, mới đây UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 164/KH-UBND về đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn TP Hà Nội năm 2018.
Thành phố yêu cầu thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vi phạm về chất lượng và điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, chú trọng vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu để xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, trước những sự bát nháo trong thị trường bánh, dư luận càng lo ngại hơn khi một số lượng lớn bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ lại có thể “qua mặt” lực lượng chức năng tại các địa bàn và di chuyển hàng trăm, nghìn ki lô mét về tiêu thụ tại Hà Nội.
Nhiều người đặt câu hỏi, tại những vùng quê, khu vực nông thôn luôn là thị trường hút khách đối với những loại sản phẩm rẻ tiền và nếu chỉ có lực lượng quản lý thị trường Hà Nội điều tra, phát hiện, xử lý sai phạm trong khi lực lượng của các tỉnh khác vẫn thờ ơ, vô trách nhiệm thì việc xử lý đó sẽ chẳng thể triệt để.
Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, các dòng bánh trung thu giá siêu rẻ này được quảng cáo là bánh có xuất xứ nước ngoài được rao bán tràn ngập trên các trang mạng xã hội, với đủ các vị từ bánh nhân vị cam, vị dâu, vị khoai môn, vị đào, trứng muối, thập cẩm, đậu xanh.
Trước những thông tin này, Cục an toàn thực phẩm đề nghị Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương kiểm tra, xác minh, xử lý thông tin trên theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời cần tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm đối với việc sản xuất, kinh doanh bánh trung thu. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp, người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
Rủi ro lớn nếu ăn phải bánh sử dụng màu công nghiệp
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh- Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng phải rất thận trọng khi trên thị trường có quá nhiều sản phẩm bánh trung thu trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Với những chiếc bánh trung thu không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, không công khai thành phần dinh dưỡng trên bao bì tiềm ẩn nguy cơ về chất bảo quản, phẩm màu, phụ gia vượt quá mức cho phép hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng có thể gây ngộ độc ngay lập tức hoặc tích tụ lâu dài, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Theo PGS Thịnh, nếu nhà sản xuất sử dụng màu thực phẩm được Bộ Y tế cấp phép thì sẽ không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, sẽ là rủi ro rất lớn nếu ăn phải bánh sử dụng màu công nghiệp, không có trong danh mục Bộ Y tế cấp phép.
Những loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được công khai bảng nguyên liệu thành phần, người tiêu dùng cần cân nhắc trước khi chọn mua. Cùng đó, chất bảo quản là điều đáng lo ngại khi sử dụng bánh trung thu. Với đặc thù bánh trung thu dễ bị ẩm, nấm mốc nên rất dễ bị sử dụng chất bảo quản.