Trả lời tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua (22/3), Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phạm Vũ Luận và Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đều thẳng thắn nhận lỗi trước những yếu kém thuộc sự quản lý của ngành. Tuy nhiên, một số giải pháp mà hai trưởng ngành đưa ra bị nhiều ĐBQH cho rằng chưa rõ.
Chánh án Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận |
Dư luận hoài nghi vì các vụ án treo
Đi thẳng vào một trong những nội dung được dư luận hết sức quan tâm trong ngành Tòa án, đó là tình trạng cho hưởng án treo nhiều, hoặc án tù nhưng tuyên nhẹ, ĐBQH Đỗ Văn Đương (Tp.Hồ Chí Minh) và ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đều chung nhận định, số bị cáo cho hưởng án treo hiện vẫn chiếm tỷ lệ cao, nhất là trong án tham nhũng gây những hòai nghi trong dư luận về chuyện tiêu cực, chạy án.
Tuy nhiên, theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình thì thời gian gần đây, sốvụ, số bị cáo hưởng án treo đã giảm nhiều, cả trong án tham nhũng. Thực tế số bị cáo cầm đầu trong các vụ án tham nhũng đã phải chịu những hình phạt nghiêm khắc, tuy nhiên, đối với những người có nhân thân tốt, tự thú, thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả... thì được xem xét giảm nhẹ theo quy định của pháp luật.
Chánh án TANDTC cũng thừa nhận "qua công tác kiểm tra thấy có 1 số án treo áp dụng không đúng luật, bị Tòa án cấp trên kháng nghị". Tuy nhiên, chủ trương của ngành Tòa án là nếu cho treo không đúng luật, thẩm phán sẽ bị dừng tái bổ nhiệm.
Đề cập tình trạng đơn đề nghị giám đốc thẩm nhiều nhưng ngành Tòa án chỉ giải quyết được 60%, ĐBQH Lê Việt Trường (An Giang) nhấn mạnh "dân bức xúc lắm mới gửi đơn, mà 40% còn lại chưa được giải quyết đúng hạn, người ta rất buồn. Vậy bao giờ hết tình trạng này?"
Trả lời câu hỏi này, Chánh án TANDTC cho biết đơn nhiều cũng có lý do do chất lượng xét xử. Bên cạnh đó là quy định pháp luật quá mở. "Hiện pháp luật chưa quy định điều kiện nào tiếp tục được khiếu nại, trường hợp nào được trả lại đơn, sắp tới sửa luật tố tụng sẽ phải tính đến việc này".
Trước quan tâm của một số ĐBQH về việc chậm đưa ra xử với những vụ giám đốc thẩm, tái thẩm, Chánh án Trương Hòa Bình phân trần "hiện đơn thư đề nghị quá nhiều, việc kháng nghị cũng nhiều”. TANDTC mỗi năm chỉ có thể giải quyết trên 200 vụ, nhưng số kháng nghị là trên 300 nên không đủ thời gian vật chất, "khắc phục tình trạng này, giải pháp lâu dài là xây dựng căn cứ giải quyết kháng nghị chặt chẽ hơn”.
Nêu thực tế gần đây có nhiều cán bộ ngành Tòa án “ăn” hối lộ, chạy án, trong khi đó tỷ lệ án sửa, hủy còn cao, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) và một số ĐB đặt câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai.
Chánh án Trương Hòa Bình thừa nhận thực tế mà ĐB Vinh nêu, có trường hợp đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhận trách nhiệm của người đứng đầu ngành, Chánh án Trương Hòa Bình cũng bày tỏ quyết tâm sẽ tăng cường thanh tra, giám sát, kỷ luật công vụ, phát hiện sẽ xử lý nghiêm.
Quản lý yếu kém, xã hội chưa bằng lòng
Chiều cùng ngày, đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã nhận được hàng loạt câu hỏi về những vấn đề được coi là "nóng" nhất của ngành Giáo dục như chống tiêu cực, bệnh thành tích, đổi mới chương trình đào tạo, chế độ chính sách cho học sinh, giáo viên và trách nhiệm quản lý ngành...
Nêu lên một nghịch lý là thời gian qua, việc mở các trường ĐH rất tràn lan, kém chất lượng trong khi các trường tốt lại không được mở rộng quy mô đào tạo, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đặt câu hỏi vì sao có hiện tượng như vậy? ĐB cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết vì sao ta không liên kết với trường quốc tế mở cơ sở tại Việt Nam. Điều này sẽ giảm chi phí đi học nước ngoài cho người dân và kinh phí Nhà nước bỏ ra cho cán bộ đi học tại nước ngoài.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, việc mở rộng quy mô của các trường tốt đã được triển khai, tuy nhiên khi mở rộng thế nào cũng phải có định mức. Việc mở thêm trường ngoài yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực còn liên quan lý do quốc phòng, an ninh và chính sách khác. Còn chủ trương liên kết với các trường nước ngoài, Bộ cũng khuyến khích, Chính phủ cũng có hỗ trợ những năm đầu, đến nay gần 40 chương trình đã được triển khai. Tuy nhiên cũng có trường liên kết với các trường không tốt dẫn đến việc phải đóng cửa.
Với hàng loạt các câu hỏi về những bất cập trong chất lượng giáo dục, đào tạo. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thẳng thắn: "Quản lý của ngành còn nhiều bất cập, yếu kém nên xã hội chưa bằng lòng. Điều đó trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ". Bộ trưởng cũng cho biết nhiều giải pháp, trong đó có tăng cường công tác thanh kiểm tra, kiên quyết với các trường chạy theo thành tích, số lượng mà không đảm bảo chất lượng.
Trước nhiều giải pháp được Bộ trưởng trình bày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sốt ruột: "Vậy đến 2016, hết nhiệm kỳ của đồng chí, hàng năm chất lượng giáo dục và đào tạo có chuyển biến tích cực thêm không, đến bao giờ đồng bào ta có thể yên tâm về giáo dục đào tạo của nước ta?”. Bộ trưởng Bộ GD ĐT hứa “sẽ mang hết trí tuệ, quyết tâm, nghị lực cùng toàn dân để triển khai đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, hy vọng từng bước sẽ có thay đổi, tiến bộ trong các năm đến”.
Liên quan đến vấn đề học sinh đào tạo sau khi ra trường không có việc làm hoặc phải làm những việc không đúng chuyên môn, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đều đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm trong quản lý vĩ mô.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp tục: Vấn đề này cũng khó khăn, do sự gắn kết giữa các trường với doanh nghiệp, thị trường lao động chưa chặt chẽ, chưa tốt nên chưa nắm bắt được nhu cầu. Và giải pháp cho vấn đề này, theo Bộ trưởng là điều chỉnh lại quy hoạch, tính toán chất lượng, tính toán lại xem ngành nào thiếu, thừa, giữa các địa phương, vùng miền, khu công nghiệp... Mà một trong các giải pháp được Bộ trưởng đưa ra trong năm 2013 là tạm dừng mở các ngành đào tạo đang thừa đầu ra như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán... Đồng thời kiến nghị Thủ tướng xem xét hạn chế thành lập mới các trường đại học đào tạo các ngành này.
Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: "Các ĐB hỏi gọn, rõ, đi vào thẳng vấn đề, Bộ trưởng, Chánh án trả lời tập trung những vấn đề trọng tâm, được cử tri quan tâm". Chủ tịch cũng nêu rõ những yêu cầu đối với hai ngành trong thời gian tới để công tác quản lý được thực hiện tốt hơn, đáp ứng mong mỏi của cử tri cả nước.
Thu Hằng