Chật vật chống buôn lậu, gian lận thương mại vì cán bộ tha hóa 'tiếp tay'

(PLO) - Trong khi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang diễn biến phức tạp cả về quy mô, tính chất và phạm vi thì hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống vấn nạn này còn chưa tương xứng mà một phần nguyên nhân là do một bộ phận cán bộ, công chức tha hóa, có trường hợp bảo kê, tiếp tay.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước kiểm tra thuốc lá lậu bị bắt giữ khi vận chuyển trái phép qua biên giới. 
Ảnh: Báo Bình Phước
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước kiểm tra thuốc lá lậu bị bắt giữ khi vận chuyển trái phép qua biên giới. Ảnh: Báo Bình Phước

Chưa thực sự quyết liệt

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2016, sơ kết quý I năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 quốc gia, diễn ra sáng qua (9/3), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ rõ, thuốc lá nhập lậu, phân bón giả, các mặt hàng không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán công khai ở nhiều nơi. Tại các địa bàn trọng điểm biên giới phía Bắc, Tây Nam, cảng Hải Phòng tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa vẫn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng…

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, những tồn tại trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua có một phần nguyên nhân từ các yếu tố khách quan như địa hình biên giới phức tạp, cơ chế chính sách chưa đồng bộ; điều kiện, phương tiện làm việc chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Các nhóm tội phạm có tổ chức lợi dụng tình trạng cung - cầu chưa cân đối và kẽ hở của chính sách pháp luật, lợi dụng việc đời sống của bà con vùng biên giới và một bộ phận người lao động nghèo để làm “tay chân” cho các hoạt động phi pháp. 

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là cơ bản. “Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt, có lúc, có nơi thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc…; vì lợi ích vùng miền, chạy theo phong trào; nể nang, né tránh trong việc xác định trách nhiệm, xử lý cán bộ, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phức tạp, kéo dài; một bộ phận cán bộ, công chức tha hóa, có trường hợp bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả…” – Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Mới xử lý được “tay chân” 

Trong năm 2017, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, phải tạo được sự chuyển biến căn bản vì làm tốt công tác này sẽ bảo vệ được sản xuất trong nước, bảo vệ được tính mạng, sức khỏe của nhân dân, thu ngân sách, bảo vệ trật tự pháp luật, trừng trị tội phạm có tổ chức xã hội đen, xuyên quốc gia, bảo vệ được các cơ quan chức năng và đời sống của nhân dân. “Việc này cũng có ý nghĩa quan trọng vì chúng ta tham gia nhiều công ước quốc tế nên phải thực thi cam kết và làm tốt công tác này” – Phó Thủ tướng nói thêm.

Để đạt được mục tiêu trên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng tập trung phân tích tình hình buôn lậu nổi lên trong thời gian qua để đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, thực chất và bài bản, nhất là phải xác định chỉ rõ những mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, thuốc lá, ô tô, tân dược, thực phẩm tươi sống… 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đặc biệt nhấn mạnh đến công tác đấu tranh ngăn chặn, triệt phá các đối tượng cầm đầu, chủ mưu. Bởi, thực tế những vi phạm phát hiện xử lý hành chính và hình sự trong năm qua hầu hết không phát hiện được đối tượng cầm đầu nên cuối cùng chỉ những người tham gia làm “tay chân” bị xử lý. “Những đối tượng đó hoạt động hết sức tinh vi, có mạng lưới “tay chân” được tổ chức chặt chẽ, vì lợi nhuận cao nên sẵn sàng sử dụng các thủ đoạn, nhất là những đối tượng buôn lậu ma túy. Chúng ta phải có những giải pháp quyết liệt tuần tra, canh gác, phối hợp các cơ quan có giải pháp để trinh sát làm rõ đối tượng tổ chức, cầm đầu” – Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời thực hiện đúng các quy định của Chính phủ về công tác luân chuyển cán bộ, chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa vi phạm và cũng là để đào tạo cán bộ. “Ở dọc các tuyến biên giới có hiện tượng các nhóm vận chuyển hàng lậu qua biên giới hoạt động công khai, đông người. Không có lý do gì lực lượng của chúng ta không phát hiện và có giải pháp đấu tranh, ngăn chặn. Do đó, chúng ta phải đặt ra mục tiêu không có những kho hàng lậu, chấm dứt hiện tượng tiếp tay cho buôn lậu. Nơi nào xảy ra hiện tượng đó thì lực lượng chức năng, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm” – Phó Thủ tướng nói. 

Phó Thủ tướng cũng đề nghị tập trung nguồn lực, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, phát động cao điểm chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa ở biên giới phía Bắc, Tây Nam...; rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật để sớm khắc phục những bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý, không để các đối tượng lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả. “Những vấn đề liên quan đến pháp luật hiện nay như Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh có điều kiện, Luật Hình sự đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì cùng các bộ, ngành phối hợp rà soát, đánh giá, kiến nghị với Quốc hội tăng cường thể chế, đảm bảo có đủ công cụ pháp lý để xử lý vi phạm” – Phó Thủ tướng kết luận.

 “Trong năm 2017, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, phải tạo được sự chuyển biến căn bản”- Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu.

Đọc thêm