Kể từ khi al-Qaeda hình thành năm 1988 và sau đó là sự bùng phát của chủ nghĩa thánh chiến toàn cầu, chưa từng có làn sóng thánh chiến nào nảy sinh từ các cuộc xung đột như Bosnia, Chechnya, Afghanistan, Iraq trong giai đoạn 2003-2007, hay Somalia, Bắc Mali, lại phát triển tới mức nguy hiểm như tại EU.
Nguy cơ tiềm ẩn
Các tín đồ Hồi giáo, kể cả những người cải đạo và những người có gốc gác Hồi giáo, từ các nước EU, chiếm tới 1/5 trong tổng số từ 27.000-31.000 người tới tham gia các tổ chức thánh chiến tại Syria và Iraq trong giai đoạn từ 2012-2015. Những người này không chỉ gia nhập những tổ chức cực đoan như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, mà còn cả các nhánh của al-Qaeda cùng nhiều nhóm thánh chiến khác.
Tuy nhiên, không phải quốc gia EU nào cũng bị ảnh hưởng bởi làn sóng thánh chiến. Việc có đông người Hồi giáo sinh sống không đồng nghĩa với việc quốc gia đó trở thành mục tiêu tấn công của Hồi giáo cực đoan. Nếu không tính Cyprus, hòn đảo đang trong tình trạng chia rẽ nghiêm trọng, Bulgaria là quốc gia EU có tỷ lệ người Hồi giáo sinh sống đông nhất. Tuy nhiên, rất ít công dân Bulgaria được ghi nhận là đã tới Syria hay Iraq để tham gia các lực lượng thánh chiến.
Italy và Tây Ban Nha nằm trong số 5 quốc gia EU có đông người Hồi giáo sinh sống nhất, và thực tế là số công dân của hai quốc gia này tham gia các lực lượng thánh chiến nước ngoài lại thuộc vào diện tương đối thấp. Các nước EU bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi làn sóng thánh chiến gồm cả những nước có đông dân cư và đông người Hồi giáo sinh sống như Pháp, Đức, hay Anh, và các quốc gia nhỏ có đông người Hồi giáo như Áo, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển.
Đối lập với cộng đồng người Hồi giáo sinh sống nhiều thế kỷ tại Bulgaria hay thế hệ thứ nhất của những người nhập cư đang sinh sống tại Italy và Tây Ban Nha, điểm chung lớn nhất của 8 quốc gia này là cộng đồng Hồi giáo là cộng đồng đông thứ hai, họ đa phần là con cháu của những người Hồi giáo đã rời bỏ mảnh đất quê hương ở châu Phi, Trung Đông và Nam Á từ nhiều thập kỷ trước.
Lợi dụng “điểm yếu”
Một cuộc khủng hoảng về bản sắc và nguồn gốc trong số những thanh thiếu niên là con cháu của người nhập cư Hồi giáo vào các quốc gia giàu có Tây Âu chính là một trong những nguyên nhân làm bùng phát làn sóng thánh chiến chưa từng có tiền lệ này. Họ luôn phải hứng chịu sự bất bình đẳng và phân biệt chủng tộc, luôn mang trong mình những tư tưởng bất mãn nhất định. Trong khi đó, những kẻ thánh chiến đã lợi dụng điều này để tuyên truyền các tư tưởng của mình, vẽ ra một giải pháp bạo lực và cực đoan, “ve vãn” họ bằng ý tưởng về một nhà nước khác: một nhà nước của người Hồi giáo, tương tự những điều mà IS và al-Qaeda đã khơi dậy.
Điều mà những kẻ thánh chiến cực đoan nhằm vào là quan điểm cho rằng các nước châu Âu nói chung và các chính phủ Tây Âu nói riêng không thể tìm được cách giúp đỡ những cộng đồng người Hồi giáo thế hệ thứ hai trong một xã hội đa nguyên và đa dạng chủng tộc. Các thể chế và thực thể dân sự đang thất bại trong việc thuyết phục những thanh niên thuộc thế hệ Hồi giáo thứ hai - dù thuộc tầng lớp xã hội hay có học thức thế nào - rằng tôn giáo của họ, hoàn toàn đồng nhất với bản sắc của họ và họ đều là công dân của một nền dân chủ tự do. Các cách tiếp cận đa chiều về văn hóa của Anh, hay các chính sách đồng nhất văn hóa tại Đức cũng đều đã thất bại.
Chủ nghĩa Salafi
Tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến điều mà người ta cho là sự thiệt thòi của các thế hệ người Hồi giáo thứ hai ở EU. Trong chính cộng đồng Hồi giáo cũng có những yếu tố khiến họ cảm thấy bị gạt ra ngoài lề xã hội dân chủ và cởi mở ở phương Tây. Những yếu tố kích động sự cô lập này nảy sinh từ các nỗ lực truyền bá và lãnh đạo của giới giáo sỹ dòng Salafi cùng những người sùng đạo. Họ truyền bá các tư tưởng này ở khắp mọi nơi, từ các thánh đường, từ nhà riêng, thậm chí là trong cả các nhà tù, thu hút nhiều thanh niên trẻ tuổi, những người Hồi giáo thế hệ thứ hai, sinh trưởng tại các nước Tây Âu song lại chất chứa nhiều sự bất mãn về nguồn gốc, về bản sắc, và vẫn đang băn khoăn đi tìm lẽ sống cho mình.
Hồi giáo dòng Salafi ngày càng phổ biến và có ảnh hưởng trong cộng đồng Hồi giáo tại EU. Do bất cẩn, nhiều chính trị gia và giới lập pháp EU, khi tìm cách đương đầu với làn sóng thánh chiến, đã bỏ quên mất yếu tố này, bởi Hồi giáo dòng Salafi từ trước tới nay vẫn luôn ẩn giấu dưới một vỏ bọc hòa bình, và họ, vô hình trung đã trở thành những “đối tác” tốt nhất giúp chủ nghĩa Salafi cực đoan trỗi dậy. Chủ nghĩa Salafi càng lan rộng, càng thu hút những thanh niên thuộc thế hệ Hồi giáo thứ hai, những tổ chức thánh chiến ở nước ngoài càng dễ dàng chiêu mộ các tân binh, sẵn sàng hy sinh vì chủ nghĩa cực đoan thánh chiến.
Làn sóng thánh chiến cực đoan đã bám rễ tại Tây Âu, và chúng sẽ tiếp tục ăn sâu vào mảnh đất này, tiếp tục trở thành một mối đe dọa với các quốc gia khu vực, chừng nào chính quyền nhận thức được vấn đề và có hướng giải quyết hợp lý. Mối đe dọa này có thể hiện hữu theo nhiều cách, từ những cuộc tấn công theo kiểu “những con sói đơn độc”, hay những vụ khủng bố quy mô và có tổ chức. Chủ nghĩa thánh chiến cực đoan không còn chỉ là một mối đe dọa an ninh quốc gia mà còn là thách thức của mọi xã hội dân chủ và cởi mở...
Cảnh báo “sói đơn độc” được chỉ đạo từ xa
Theo các chuyên gia, do ngày càng khó có thể tiến hành các cuộc tấn công khủng bố bài bản và gây ảnh hưởng lớn, tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đang có xu hướng dựa vào các “thủ lĩnh ảo”, những kẻ hoạt động độc lập với giới lãnh đạo thánh chiến để chỉ đạo các cuộc tấn công theo hình thức “sói đơn độc” với quy mô nhỏ hơn.
Trong báo cáo công bố trên tạp chí của Học viện Quân sự Mỹ mới đây, các chuyên gia cảnh báo các bằng chứng hiện nay cho thấy, trên thực tế, nhiều đối tượng “sói đơn độc” được các phần tử IS cổ súy và chỉ đạo thực hiện các cuộc tấn công mà sau đó IS sẽ đứng ra thừa nhận tiến hành. Kể từ năm 2014 đến nay, Mỹ đã phát hiện ít nhất 8 âm mưu tấn công khủng bố liên quan những đối tượng được chỉ đạo bởi những phần tử “thủ lĩnh ảo” nói trên. Vai trò của những “thủ lĩnh ảo” này ngày càng quan trọng do IS nhận thấy ngày càng khó để chỉ đạo các cuộc tấn công lớn nhằm vào phương Tây, nhất là khi IS đang bị các lực lượng địa phương và liên quân tấn công dữ dội tại các thành trì của tổ chức thánh chiến này ở Syria và Iraq.