Quỹ quốc phòng châu Âu, với ngân sách ước tính khoảng 5,5 tỷ euro (6,2 tỷ USD) mỗi năm trong giai đoạn sau năm 2020, sẽ phối hợp các khoản đầu tư quốc gia của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tư vào nghiên cứu và phát triển quốc phòng.
Tự tìm “lời giải”
Quỹ quốc phòng châu Âu nêu lên 3 lộ trình quốc phòng cho liên minh và các nhà lãnh đạo châu Âu cũng như chính phủ các nước thành viên vẫn là những người sẽ quyết định xem họ muốn EU phát triển hợp tác quốc phòng theo hướng nào. Ba kế hoạch quốc phòng châu Âu mà EC đề xuất cụ thể như sau:
Kế hoạch 1: Các nước thành viên EU đẩy mạnh hợp tác về an ninh và quốc phòng theo hướng thường xuyên hơn, thông qua hợp tác với cơ chế tự nguyện và linh hoạt, phụ thuộc vào các diễn biến bất ngờ nảy sinh từ những mối đe dọa hoặc khủng hoảng mới.
Kế hoạch 2: EU sẽ tiến tới chia sẻ chính sách an ninh và quốc phòng, phối hợp chặt chẽ hơn về mặt tài chính và các chiến dịch, thúc đẩy khả năng của khối trong việc thực thi sức mạnh quân sự tập thể và cam kết giải quyết các cuộc khủng hoảng bên ngoài.
Kế hoạch 3: Đây được xem là kịch bản tham vọng hơn cả về mục tiêu an ninh và quốc phòng chung của cả khối, theo đó, việc bảo vệ “châu Âu sẽ là trách nhiệm chung cần được củng cố của EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”.
Theo hãng tin Blommberg, với kịch bản này, EU sẽ tiến hành các chiến dịch quy mô lớn như các cuộc chiến chống khủng bố và chiến dịch hàng hải trong bối cảnh nhiều thù địch và nguy cơ. Kịch bản này cũng tạo tiền đề để thành lập quân đội châu Âu, dưới dạng “các lực lượng thường trực” để có thể nhanh chóng triển khai “đại diện cho toàn liên minh”, cũng như thành lập lực lượng bảo vệ và tuần tra biên giới, với sự hậu thuẫn của các hạ tầng quân sự tình báo tân tiến, hệ thống phương tiện quân sự và vệ tinh.
Trong thông điệp liên minh năm 2016, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã tuyên bố: “Châu Âu không còn có thể dựa vào năng lực quân sự của bất kỳ ai. Chúng ta cần phải tự có trách nhiệm bảo vệ các lợi ích và xã hội châu Âu. Chỉ có làm việc cùng nhau, châu Âu mới có thể tự bảo vệ mình ở cả trong lẫn ngoài”. Giờ thì châu Âu thực sự đã có một bước tiến để hiện thực hóa lời kêu gọi này.
Động lực của EU
Dự án về Quỹ đầu tư quốc phòng của EU sẽ phải được các nước thành viên thông qua trước khi có thể triển khai. Dự kiến những khoản tiền đầu tiên sẽ dành để tài trợ cho các nghiên cứu về các công nghệ mới như phát triển các phần mềm mã hóa hay công nghệ chế tạo người máy. Theo tính toán của EU, sự thiếu hợp tác trong quốc phòng giữa các nước thành viên có thể tốn kém từ 25 đến 100 tỉ euro mỗi năm.
Theo các nhà ngoại giao EU, việc Anh - nước luôn phản đối ý tưởng hội nhập quốc phòng ở cấp độ châu Âu - rời khỏi khối này là cơ hội thuận lợi để EU có thể khởi động các dự án trên. Bên cạnh đó, sự không rõ ràng trong cam kết đảm bảo an ninh cho châu Âu của đồng minh Mỹ, khi Tổng thống Donald Trump chỉ nhấn mạnh đến yêu cầu các nước châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng mà không khẳng định ủng hộ Điều 5 của Hiệp ước thành lập NATO, đã buộc EU phải đi đến quyết định tự lực tăng cường đảm bảo an ninh cho chính mình.
Sau chuyến công du châu Âu của Tổng thống Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố châu Âu “phải nắm giữ vận mệnh của chính mình”. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại Đức Josef Braml nhấn mạnh: “Đức và Pháp cần đóng vai trò trung tâm trong hệ thống quốc phòng châu Âu, đủ sức ra những quyết định và có thể hành động mà không cần tới Mỹ”. Về phần mình, Ủy viên Ủy ban Công nghiệp châu Âu Elzbieta Bienkowska nhận định: “Các công dân châu Âu coi an ninh là mối quan tâm hàng đầu và châu Âu cần đảm bảo điều này. Giờ là thời điểm hợp lý” để châu Âu thúc đẩy một dự án an ninh quốc phòng mới.
Đánh giá về dự án Quỹ quốc phòng châu Âu, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini cho rằng EU không phải và cũng sẽ không trở thành một liên minh về quân sự. Bà Mogherini giải thích các dự án của EU là nhằm tối đa hóa giá trị gia tăng do hợp tác quốc phòng trên toàn EU mang lại, lĩnh vực hiện nay vốn vẫn do từng nước tự chịu trách nhiệm. Phó Chủ tịch EC Jyrki Katainen cũng nhận định ngoài việc hợp tác với NATO, EU còn phải tự mình làm nhiều hơn, tốt hơn và EU sẵn sàng giúp đỡ các nước thành viên chi tiêu hiệu quả hơn số tiền đóng góp cho mục đích quốc phòng.