Theo AFP, khoảng 150 đại diện của các chính phủ và xã hội dân sự từ 29 nước châu Phi, trong đó có rất nhiều người bản thân là những người bạch tạch, tham dự hội nghị diễn ra tại Dar Es Salaam. Trong khuôn khổ các hoạt động kéo dài 4 ngày của hội nghị, các đại diện sẽ chia sẻ các kinh nghiệm và ý tưởng về việc cải thiện an ninh và hội nhập cho nhóm những người bị bạch tạng trên thế giới.
“Ý tưởng là để xây dựng một lộ trình bao gồm các biện pháp đơn giản, hiệu quả và rẻ để những người bị bạch tạng có được sự bảo vệ cơ bản như đảm bảo họ được những người hàng xóm tin tưởng và không bị nhốt trong nhà cũng như ngôi mộ của những người đã qua đời được bảo vệ bằng cách xây bao quanh bằng xi măng”, ông Ero nói.
Bạo lực nhằm vào người bạch tạng là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở châu Phi nói chung và đất nước Tanzania nói riêng. Đó là lý do đất nước Đông Phi này được chọn làm nơi tổ chức hội nghị. “Trong số tất cả các khu vực trên thế giới, châu Phi là nơi có tình trạng thù địch với người bạch tạng nghiêm trọng nhất”, ông Ikponwosa Ero, một chuyên gia độc lập về người bạch tạng, cho hay.
Tại châu Phi, ánh nắng mặt trời gay gắt khiến những người bị bệnh bạch tạng đặc biệt dễ bị ung thư da. Trong khi đó, tình trạng phân biệt đối xử và định kiến khiến họ dễ bị tấn công hoặc xa lánh ở một số nước. Vì mê tín mà mộ của những người bị bạch tạng cũng bị đào lên hoặc những người sống bị sát hại để lấy nội tạng bán ở chợ đen vì nhiều người nghĩ rằng các bộ phận của người bạch tạng sẽ đem lại may mắn hoặc tiền tài.
Theo thống kê của tổ chức từ thiện Canada Under The Same Sun, trong vòng gần 1 thập kỷ qua đã có ít nhất 457 vụ tấn công người bạch tạng, trong đó có 178 vụ giết người ở 26 nước châu Phi được tổ chức này ghi nhận và trên thực tế con số có thể cao hơn nhiều vì nhiều vụ việc xảy ra không bị phát giác.
Ông Ero cho biết lộ trình về việc bảo vệ người bạch tạng cần phải được soạn thảo vào cuối năm 2017 và sau đó sẽ được đệ trình lên Liên đoàn châu Phi. “Việc đạt được một tiếng nói chung trên khắp châu Phi là rất quan trọng vì chúng ta cần phải gia tăng áp lực lên các chính phủ ở châu Phi”, ông Jon Beale, Giám đốc Tổ chức phi chính phủ Standing Voice, cho hay.
Kenya hiện được xem là điển hình ở khu vực châu Phi trong việc bảo vệ người bạch tạng, thể hiện ở việc chính phủ đã thành lập được các khu điều trị ung thư, thực hiện các chương trình cung cấp trang thiết bị chống nắng cũng như lập đường dây nóng tiếp nhận các tin báo về các vụ tấn công nhằm vào người bạch tạng.
Sự hiện diện của những người bạch tạng trong các lĩnh vực công như Nghị sỹ Isaac Mwaura, Thẩm phán Tòa Tối cao Grace Ngugi cũng được ca ngợi là tín hiệu tích cực trong việc đảm bảo quyền lợi của người bạch tạng ở nước này.