Tanzania: Người bạch tạng … như kiếp con vật

(PLO) - Những người khi sinh ra không may mắn trở thành người bạch tạng  luôn bị người khác nhìn với ánh mắt dị nghị đầy khinh bỉ và họ đang phải đối mặt với cái chết ở Tanzania. 
Tanzania: Người bạch tạng … như kiếp con vật
Bạch tạng là một chứng rối loạn bẩm sinh, khi thiếu hoàn toàn hoặc một phần trong sắc tố trong làn da, mái tóc và đôi mắt trong hoạt động sản xuất melatin khiến cho làn da, mái tóc và đôi mắt của bạn sẽ có màu nhạt. 
Bạch tạng hầu hết đều xuất hiện trong các sắc dân trên toàn thế giới với tỷ lệ 1: 20.000, người bạch tạng xuất hiện nhiều nhất ở châu Phi và đặc biệt ở Tanzania với tỷ lệ này lên tới 1:1400 (khoảng 17.000 người). 
Bị săn lùng vì mê tín, hủ tục
Có hơn 70 người bạch tạng bị giết và 59 người may mắn sống sót trong vòng 3 năm qua, nhưng chỉ có 10 trường hợp thủ phạm bị kết án giết người. Thậm chí, cả những người bạch tạng đã chết cũng không được yên nghỉ: 16 ngôi mộ đã bị cướp. 
Rất nhiều người dân địa phương tin rằng, người bạch tạng là một con ma và sống bất tử. Những người khác nghĩ rằng, người bạch tạng sinh ra trong những gia đình bị nguyền rủa; một số khác tự xưng là “pháp sư” và “thầy thuốc phù thủy” tin rằng chân tay và nội tạng của người bạch tạng có thể mang lại sự may mắn, giàu có vì vậy mà người ta sẵn sàng trả giá cao để có được thi thể của một người bạch tạng để “pháp sư” chế làm thuốc. 
Ở Tanzania, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 là 442 USD, trong khi mỗi thi thể có thể bán tới 75.000 USD; ngoài ra, riêng những bộ phận như chân tay cũng có thế bán giá lên tới 3.000 – 4.000 đô la. 
Chính vì vậy, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ về việc giáo dục dân số, cơ thể và các bộ phận của người bạch tạng vẫn bị săn lùng trên thị trường chợ đen. Phụ nữ bạch tạng còn khốn khổ hơn nữa, đối mặt với việc bị hành hung, hiếp dâm vì quan niệm giao hợp với người bạch tạng… có thể chữa khỏi bách bệnh, kể cả AIDS (!?)
Tấn công cho đến chết
Đảo Ukerewe - nơi trú ẩn an toàn dành riêng cho những người bạch tạng- nay không còn được như trước nữa. Lên 4 tuổi, May Mosi là một người bạch tạng, ngồi trên đùi bố và thích thú học đếm từ 1 đến 10. 
Khi May 3 tháng tuổi, cậu suýt chết trong một vụ bắt cóc. “Trong lúc tôi đi ra hồ câu cá, bất chợt một số người nhảy vào nhà tấn công, vợ tôi quá sợ hãi đã nhảy qua cửa sổ đưa May đến nơi an toàn và bỏ lại 2 đứa kia vì chúng không hề bị tổn thương gì”. 
Hồi tháng 12/2014, cô bé Pendo Emmanuelle Nundi - 4 tuổi, cũng bị bắt. Mặc dù cảnh sát treo giải thưởng lên đến 1.130 euro cho những ai có thể cung cấp thông tin về nạn nhân nhưng cô bé vẫn bặt tăm. 
Một trường hợp nữa xảy ra hồi tháng 2/2014, cậu bé Mwigulu Matonange bị 2 người lạ mặt tấn công khi đang đến trường. Họ chặt đứt cánh tay trái của em và mang “chiến lợi phẩm” chạy vào rừng. “Họ đè cháu xuống giống như con dê sắp bị giết” - Mantonange kể lại. 
Tháng 2/2013, một người phụ nữ 38 tuổi cũng bị chồng và 4 người đàn ông khác tấn công trong khi đang ngủ. Cô con gái 8 tuổi kinh hoàng chứng kiến cha mình ra khỏi phòng cùng với cánh tay của mẹ.
Giải pháp bảo vệ người bạch tạng
Ngày 14/1/2015, Chính phủ Tazania đã ra lệnh cấm các “thầy thuốc phù thủy” hành nghề nhằm hạn chế các cuộc tấn công người bạch tạng. Bộ trưởng Nội vụ Mathias Chikawe cho biết, “Chính phủ sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm, bắt giữ và kết tội những kẻ lừa gạt cũng như những thầy bói mê hoặc người dân rằng bùa ngải sẽ làm cho họ trở nên giàu có”. 
Cùng với lệnh cấm, một chiến dịch truyền thông mới cũng đang được triển khai nhằm chấm dứt sự thù địch đối với cộng đồng nhỏ bé này, cố gắng hết sức thay đổi những suy nghĩ cổ hủ, lạc hậu, mê tín dị đoan của của người dân địa phương đối với người bạch tạng…/. 

Đọc thêm