'Chạy đua với thời gian' cứu nam thanh niên suy tim giai đoạn cuối

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế vừa "chạy đua với thời gian" để đưa trái tim từ người cho chết não tại Bệnh viện Quân Y 103 (Hà Nội) về ghép thành công cho bệnh nhân H.T.P (23 tuổi) bị suy tim giai đoạn cuối. Đây là ca ghép tim thứ 14 tại Bệnh viện Trung ương Huế và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 13.
Các bác sĩ bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ca ghép tim cho bệnh nhân H.T.P (23 tuổi) bị suy tim giai đoạn cuối.
Các bác sĩ bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ca ghép tim cho bệnh nhân H.T.P (23 tuổi) bị suy tim giai đoạn cuối.

Trước đó, vào sáng 27/11, ngay khi nhận được thông tin từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia có người cho chết não tại Bệnh viện Quân Y 103, Bệnh viện Trung ương Huế đã cử một ê kip bác sĩ lập tức khởi hành đi Hà Nội.

Chiều cùng ngày, sau khi có kết luận chẩn đoán chết não lần 3, được sự đồng ý của gia đình bệnh nhân và điều phối của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Quân Y 103 và các ê kip của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Trung ương Huế đã phối hợp tiến hành lấy các tạng hiến tặng gồm tim, phổi, gan và 2 quả thận. Quả tim được điều phối để ghép cho bệnh nhân bị bệnh cơ tim giãn, suy tim giai đoạn cuối ở Bệnh viện Trung ương Huế.

Bệnh nhân hiện tự ăn uống, vận động tại giường, các xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường

Bệnh nhân hiện tự ăn uống, vận động tại giường, các xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường

Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và tích cực hỗ trợ trong suốt quá trình điều phối của Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Quân Y 103 cùng sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ekip lấy tạng, sự hỗ trợ của các chiến sĩ CSGT Công an TP Hà Nội và Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, hãng hàng không Vietnam Airlines, trái tim đã được vận chuyển về Trung tâm tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế kịp thời trong "giờ vàng".

Quả tim được ghép cho bệnh nhân H.T.P (23 tuổi) mắc bệnh cơ tim giãn, suy tim giai đoạn cuối với chức năng tim rất thấp EF 12%, chờ ghép từ năm 2018. Bệnh nhân nhiều lần nhập viện trong tình trạng cấp cứu, suy tim rất nặng phải thở máy và dùng nhiều thuốc trợ tim.

Bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế đã tiến hành thay đổi kỹ thuật bằng thực hiện miệng nối ưu tiên để cho tim đập lại sớm trước, sau đó mới hoàn thiện các miệng nối còn lại khi tim đã đập. Việc này nhằm rút ngắn tối đa thời gian thiếu máu của tim, rất có ý nghĩa trong việc phục hồi chức năng của tim sau mổ.

Đây là ca ghép tim thứ 14 tại Bệnh viện Trung ương Huế và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 13

Đây là ca ghép tim thứ 14 tại Bệnh viện Trung ương Huế và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 13

Sau 4 giờ 5 phút kể từ thời điểm nhận tim và vận chuyển về Bệnh viện Trung ương Huế, trái tim được hiến tặng đã đập lại khỏe mạnh trong lồng ngực của bệnh nhân H.T.P vào lúc 22h20 ngày 27/11. Đây là một kỷ lục về rút ngắn thời gian vận chuyển tim và ghép tim xuyên Việt của Bệnh viện Trung ương Huế.

5 giờ sau phẫu thuật, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, chức năng tim 62%. Hiện tại bệnh nhân tự ăn uống, vận động tại giường, các xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường.

Đây là ca ghép tim thứ 14 tại Bệnh viện Trung ương Huế và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 13. Trong vòng chưa đầy một tháng, Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện 2 ca ghép tim xuyên Việt, 4 ca ghép giác mạc từ mô, tạng người cho chết não.

Quả tim được vận chuyển từ Hà Nội vào Huế bằng đường hàng không

Quả tim được vận chuyển từ Hà Nội vào Huế bằng đường hàng không

Theo GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ, theo lộ trình xây dựng trung tâm y học cao cấp của Thừa Thiên Huế, ghép tạng đã trở thành thường quy và là lĩnh vực đi đầu không thể thiếu. Bệnh viện Trung ương Huế đã phát huy hiệu quả vai trò hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu tại TP Huế, thành phố đang vươn mình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị Quyết 54 của Bộ Chính trị.

"Một lần nữa, Bệnh viện Trung ương Huế xin kính cẩn trước người hiến và tri ân nghĩa cử cao đẹp của gia đình người hiến. Đồng thời, chân thành cảm ơn sự điều phối và tích cực hỗ trợ của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Quân Y 103, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hãng hàng không Vietnam Airlines; lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế để Bệnh viện có thể đưa hết tâm sức góp phần ghép tạng thành công cứu sống người bệnh", GS.TS Phạm Như Hiệp nhấn mạnh.

Đọc thêm