Chây ì thi hành án, Chủ tịch tập đoàn Thiên Ân bị tố cáo lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

(PLO) - Vốn điều lệ lên đến 90 tỷ đồng nhưng Công ty cổ phần hạ tầng Thiên Ân không thi hành bản án trả nợ gần 16 tỷ đồng cho Công ty Sungshin Vina, khiến doanh nghiệp này phải phát đơn tố cáo ông Đinh Viết Thêm, Chủ tịch tập đoàn Thiên Ân về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Chây ì thi hành án, Chủ tịch tập đoàn Thiên Ân bị tố cáo lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Vốn điều lệ 90 tỷ nhưng không trả khoản nợ gần 16 tỷ 

Ngày 28/6/2013, Công ty cổ phần hạ tầng Thiên Ân và Công ty TNHH Sungshin Vina ký hợp đồng mua bán bê tông thương phẩm. Theo đó, Công ty Sungshin Vina cung cấp bê tông thương phẩm cho Công ty cổ phần hạ tầng Thiên Ân thi công hạng mục cọc khoan nhồi công trình tòa nhà Vietinbank tại khu đô thị Ciputra. Theo biên bản đối chiếu công nợ giữa hai bên thì tính đến ngày 9/12/2013, Công ty cổ phần hạ tầng Thiên Ân đã nợ Công ty Sungshin Vina số tiền lên đến trên 16 tỷ đồng.

Sau nhiều lần đòi nợ nhưng Công ty cổ phần hạ tầng Thiên Ân không trả, Công ty Sungshin Vina đã phải khởi kiện ra tòa án để đòi nợ. Theo biên bản hòa giải thành ngày 9/10/2015 do TAND quận Hoàng Mai thực hiện giữa hai công ty này thì Công ty cổ phần hạ tầng Thiên Ân còn phải trả cho Công ty Sungshin Vina gần 15,7 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty cổ phần hạ tầng Thiên Ân còn phải nộp hơn 61 triệu đồng tiền án phí.

Một trong các dự án mà Công ty cổ phần hạ tầng Thiên Ân mua bê tông thương phẩm của Công ty Sungshin Vina nhưng không chịu trả tiền
Một trong các dự án mà Công ty cổ phần hạ tầng Thiên Ân mua bê tông thương phẩm của Công ty  Sungshin Vina nhưng không chịu trả tiền

Mặc dù thỏa thuận hòa giải thành nhưng Công ty cổ phần hạ tầng Thiên Ân vẫn tiếp tục không trả nợ. Do vậy, Công ty Sungshin Vina đã phải nộp đơn đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàng Mai thi hành quyết định của Tòa án. Ngày 7/12/2015, cơ quan thi hanh án đã ban hành quyết định cho thi hành quyết định của tòa án theo yêu cầu của bên được thi hành án.

Tuy nhiên, hành trình thi hành án của Công ty Sungshi Vina tiếp tục rơi vào bế tắc khi Công ty cổ phần hạ tầng Thiên Ân đặt mình vào thế “vườn không nhà trống”, không có tiền để thi hành án. Theo xác minh của Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàng Mai thì trong tài khoản của Công ty này tại Ngân hàng BIDV chỉ vỏn vẹn có gần 50 triệu đồng và đã bị cơ quan thi hành án phong tỏa.

Thậm chí, Công ty cổ phần hạ tầng Thiên Ân còn nợ khoản thuế với nhà nước là hơn 6 tỷ đồng. Do doanh nghiệp này chậm nộp tiền thuế và tiền phạt, Chi cục thuế quận Hoàng Mai đã thông báo hóa đơn của công ty không còn giá trị sử dụng.

“Con nợ” có nhiều tài sản nhưng không chịu thi hành án?

Trái ngược với tình cảnh không trả được nợ cho Công ty Sungshin Vina và khoản nợ thuế với Chi Cục thuế quận Hoàng Mai, Công ty cổ phần hạ tầng Thiên Ân lại có một bộ hồ sơ năng lực hoành tráng, với tài sản và vốn lên đến hàng chục tỷ đồng.

Theo quảng cáo của Công ty cổ phần hạ tầng Thiên Ân trên website có địa chỉ http://tagroup.vn thì doanh nghiệp này có vốn điều lệ là 90 tỷ đồng, trong đó người góp vốn chủ yếu là ông Đinh Viết Thêm, với số vốn góp là 76 tỷ, chiếm 84% vốn điều lệ. Công ty này được coi là “nền tảng” của “tập đoàn Thiên Ân”. Trong tập đoàn này còn có hai công ty khác là Công ty cổ phần năng lượng Thiên Ân (vốn điều lệ 200 tỷ đồng) và Công ty cổ phần cơ khí Thiên Ân (vốn điều lệ 20 tỷ đồng).

Đây là hồ sơ năng lực tài chính của Công ty cổ phần hạ tầng Thiên Ân do chính doanh nghiệp này công bố
Đây là hồ sơ năng lực tài chính của Công ty cổ phần hạ tầng Thiên Ân do chính doanh nghiệp này công bố

Cũng theo hồ sơ năng lực mà doanh nghiệp này công bố, hàng năm Công ty có doanh thu rất cao so với các khoản nợ phải trả và làm ăn luôn có lợi nhuận. Trong báo cáo tài chính của năm 2013 và 2014, thời điểm phát sinh nợ với Công ty Sungshin Vina, doanh thu lên đến gần 1000 tỷ đồng, trong khi khoản nợ ngắn hạn phải trả chỉ bằng một nửa và năm nào cũng có lợi nhuận. Vậy tại sao doanh nghiệp này không trả nợ?

Trong khi làm việc với Chi cục Thi hành án quận Hoàng Mai, đại diện của Công ty cổ phần hạ tầng Thiên Ân luôn kêu doanh nghiệp khó khăn, nhưng tại chính hồ sơ mà doanh nghiệp này phát hành năm 2016, tiền lực tài chính và tài sản của doanh nghiệp này không hề nhỏ. Trong đó, hệ thống máy móc thi công công trình được liệt kê theo một danh sách dài. Khối tài sản này có thừa để thi hành án, nhưng không hiểu lý do gì mà các tài sản này chưa bị kê biên.

Bức xúc trước việc Công ty cổ phần hạ tầng Thiên Ân một mặt không chịu thi hành quyết định của tòa án, trả khoản nợ đã được ấn định vì lý do “khó khăn”, nhưng mặt khác lại quảng bá rầm rộ về năng lực tài chính, năng lực thiết bị để đi nhận thầu công trình, Công ty Sungshin Vina đã phát hành đơn tố cáo đích danh ông Đinh Viết Thêm, Chủ tịch “tập đoàn Thiên Ân”, đồng thời là đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần hạ tầng Thiên Ân.

Đăng ký kinh doanh thể hiện, ông Đinh Viết Thêm là cổ đông sở hữu cổ phần chi phối tuyệt đối tại Công ty cổ phần hạ tầng Thiên Ân
Đăng ký kinh doanh thể hiện, ông Đinh Viết Thêm là cổ đông sở hữu cổ phần chi phối tuyệt đối tại Công ty cổ phần hạ tầng Thiên Ân

Theo đơn tố cáo ngày 30/10/2017 của Công ty Sungshin Vina, ông Đinh Viết Thêm đã có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, thông qua các hợp đồng mua bán bê tông thương phẩm với Công ty Sungshin Vina để “chiếm đoạt” số tiền gần 16 tỷ đồng. Theo lý lẽ của người đứng đơn tố cáo, ông Đinh Viết Thêm cố tình chây ì, từ chối gặp mặt để trốn tránh nghĩa vụ thanh toán nhưng thực tế thì vẫn điều hành nhiều công ty khác trong “tập đoàn Thiên Ân” thi công công trình và có năng lực tài chính. 

Lý lẽ của bên bị thiệt hại về tài sản không phải không có lý. Theo chính bản “hồ sơ năng lực” do Công ty cổ phần hạ tầng Thiên Ân bố cáo thiên hạ thì rõ ràng, doanh nghiệp này đang có năng lực tài chính để trả nợ. Thậm chí phải có năng lực tốt hơn nhiều doanh nghiệp xây dựng khác thì mới có thể tham gia đấu thầu các dự án có vốn đầu tư lớn. 

Nếu thực sự Công ty cổ phần hạ tầng Thiên Ân không có tiền trả nợ thì một câu hỏi khác được đặt ra là phải chăng hồ sơ năng lực đi dự thầu của doanh nghiệp này lại là giả dối?

Một vấn đề nữa mà các cơ quan chức năng cần lưu tâm là hiện nay, số tài sản, máy móc của tổ chức phải thi hành án này được liệt kê trong hồ sơ năng lực là không nhỏ nên có lẽ đây chính là “bản tự khai” về tài sản để cơ quan thi hành án có thể lập hồ sơ kê biên, cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.

Đọc thêm