“Chạy nước rút” chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2021

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo tin từ Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tất cả 63 tỉnh/thành phố trong cả nước đã sẵn sàng tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 theo kế hoạch vào ngày 7, 8/7/2021. Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương đều có phương án tổ chức thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ động viên học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ động viên học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Thí sinh F0, F1, F2 sẽ thi đợt 2

Các địa phương đã sàng lọc thí sinh thành các nhóm F0, F1, F2 để có giải pháp phù hợp với thực tiễn địa phương. Các Hội đồng thi đã chuẩn bị các điểm thi dự phòng, các phòng thi dự phòng để sẵn sàng ứng phó với tình huống bất thường nếu có.

Với các thí sinh không thể dự thi đợt 1 do ảnh hưởng của Covid-19 sẽ được dự thi đợt 2. Thời gian thi đợt 2 sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thống nhất trên cơ sở đề xuất của các địa phương và tình hình thực tiễn về diễn biến dịch bệnh; trong đó, bảo đảm công bằng, quyền lợi cho các thí sinh giữa các đợt thi, nhất là quyền lợi trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng. Theo đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT, các thí sinh và phụ huynh có thể yên tâm, không quá lo lắng.

Công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp an toàn được ngành Giáo dục và các địa phương rốt ráo thực hiện. Là một trong những địa phương có dịch bệnh phức tạp, Bắc Giang cũng sẵn sàng cho việc tổ chức đợt thi thứ 2. Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi của địa phương đã sẵn sàng. Việc tổ chức thi đợt thứ 2 sẽ tùy theo số lượng thí sinh để lên phương án. Sở GD-ĐT sẽ tham mưu Ban Chỉ đạo kỳ thi phương án và các giải pháp tổ chức thực hiện; bố trí lực lượng làm thi phù hợp với quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, thành công, bảo đảm tối đa quyền lợi của thí sinh.

Ở một số địa phương tình hình dịch bệnh ít phức tạp nên chỉ tổ chức 1 đợt thi vào hai ngày 7 - 8/7. Nếu phát sinh trường hợp thí sinh không thể dự thi đợt 1 vì Covid-19, sẽ gửi dự thi ở địa phương khác có tổ chức thi đợt 2. Cách làm này cũng đã có kinh nghiệm từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Việc ghép thí sinh vào hội đồng thi tại địa phương khác cần có sự đồng thuận của phụ huynh, thí sinh; tinh thần là bảo đảm quyền lợi tối đa và bảo đảm an toàn về sức khỏe cho các em.

Tại Hà Nội, công tác chuẩn bị cho kỳ thi cũng đã sẵn sàng. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khuyến cáo, khi đến điểm thi, thí sinh phải nghiêm túc chấp hành những quy định về phòng, chống dịch. Trước khi vào phòng thi, thí sinh phải gỡ khẩu trang để cán bộ coi thi kiểm tra, sau đó đeo khẩu trang vào phòng thi và trong suốt thời gian làm bài thi. Thí sinh cần tuân thủ đúng quy định về phân luồng, vị trí đứng, kiểm tra thân nhiệt trước khi vào điểm thi và các hướng dẫn, quy định khác liên quan. Tất cả các thí sinh phải hoàn thành khai báo y tế trực tuyến xong trước ngày 7/7.

Các thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 (còn trong thời gian phải cách ly) và trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền không tham gia thi đợt 1 sẽ được bố trí thi đợt 2. Hiện Hà Nội có 31 thí sinh lớp 12 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong số này, có 4 thí sinh diện F0, 1 thí sinh F1, 6 thí sinh F2 và 20 thí sinh đang ở khu vực cách ly, phong tỏa.

Đơn cử, tại An Giang, đến thời điểm này cũng không có trường hợp cán bộ coi thi, thí sinh là các F. Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Tuấn Khanh, việc tổ chức 2 đợt thi tốt nghiệp THPT hay không sẽ tùy vào số lượng thí sinh: “Nếu chỉ có 1 - 2 thí sinh phải thi đợt 2, tôi cho rằng các tỉnh nên kết hợp với nhau như năm 2020. Nếu thí sinh đủ đông, phải tổ chức đợt thi thứ 2, An Giang cũng sẵn sàng, tinh thần là bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho thí sinh”. Được biết, hiện An Giang đang tổ chức tiêm phòng vaccine Covid-19 cho cán bộ làm công tác thi. Trước ngày thi, lực lượng làm công tác thi của tỉnh được xét nghiệm nhanh.

Không vì dịch bệnh “bỏ quên” chất lượng

Vừa qua, đoàn kiểm tra số 1 của Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã tới kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Quảng Ninh. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2021 cho biết, quan điểm của Bộ GD-ĐT là Kỳ thi phải đảm bảo mục tiêu kép: ưu tiên số 1 là an toàn sức khỏe của thí sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên làm thi; đảm bảo an toàn Quy chế, không phải vì dịch bệnh mà bỏ quên chất lượng.

Ưu tiên cao nhất cho an toàn của thí sinh và người tham gia làm thi, đợt thi thứ 1 được Bộ GD-ĐT chỉ đạo tổ chức cho thí sinh không có F, thí sinh ở những nơi không bị phong toả hoặc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ GD-ĐT khuyến khích những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, địa phương thực hiện xét nghiệm Covid-19 bắt buộc cho toàn bộ thí sinh, cán bộ làm thi. Những nơi chưa có nguy cơ, nếu có điều kiện thì tổ chức xét nghiệm được nhiều nhất có thể.

Việc kiểm soát và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho cán bộ, giáo viên, nhân viên ở khu vực in sao đề thi, làm phách… được Thứ trưởng đặc biệt lưu ý. Bởi ở những không gian khép kín, biệt lập này chỉ cần có một mầm bệnh là nguy cơ lây lan cho tất cả những người tham gia là rất lớn. Thứ trưởng Độ cũng lưu ý làm tốt công tác tập huấn Quy chế để nâng cao năng lực làm thi của cán bộ, giáo viên; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi; chuẩn bị cơ sở vật chất và đảm bảo các yêu cầu về an ninh thông tin, an toàn, trật tự cho Kỳ thi.

“Tôi mong muốn các địa phương tổ chức Kỳ thi nghiêm túc, an toàn nhưng không căng thẳng. Muốn không căng thẳng thì phải tính toán được các tình huống phát sinh, có biện pháp dự phòng để không bị động. Nếu chúng ta làm tốt được 4 điều: nắm chắc Quy chế; chuẩn bị kĩ các điều kiện; kiểm soát được tình hình và xử lý tốt tình huống phát sinh, thì Kỳ thi sẽ diễn ra đảm bảo các yêu cầu”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Lưu ý những điểm mới Kỳ thi THPT 2021

Bộ GD-ĐT vừa công bố Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học (ĐH); tuyển sinh trình độ cao đẳng (CĐ) ngành Giáo dục Mầm non. So với những quy định hiện hành, Thông tư sửa đổi có một số điểm mới, thay đổi so với năm 2020, cụ thể:

Bổ sung phương thức thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng xét tuyển sinh ĐH, CĐ bằng hình thức trực tuyến. Sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần (so với năm 2020 thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần).

Thông tư cũng quy định chặt chẽ hơn về việc UBND các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đặt hàng đào tạo nhân lực cho tỉnh, đối tượng là học sinh các vùng trên; quy định cụ thể việc các trường ngoài giấy chứng nhận kết quả thi THPT, không được dùng bất cứ một hình thức nào khác để thay thế giấy chứng nhận xác định nhập học.

Chế độ báo cáo kết quả tuyển sinh của năm được quy định tại công văn hướng dẫn nhằm khắc phục diễn biến bất ngờ của dịch Covid -19. Đồng thời, cập nhật các điều kiện ưu tiên đối tượng theo pháp lệnh của Thường vụ Quốc hội có hiệu lực từ ngày mùng 1/7/2021.

Đọc thêm