Chạy theo “sống ảo” khiến vô cảm gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  “Trào lưu” chụp ảnh “tự sướng”, livestream trong đám tang nghệ sĩ nổi tiếng khiến một số người sẵn sàng chen lấn, vỗ tay, reo hò, thậm chí đạp đổ đồ lễ của gia chủ hoặc giẫm đạp lên những ngôi mộ khác. Sự vô cảm dường như gia tăng khi một số người chạy theo mục đích “câu view”, kiếm tiền, thỏa mãn sự hiếu kỳ.

Náo loạn đám tang

Không biết tự bao giờ, tang lễ của người nổi tiếng đã trở thành dịp “câu view” của một số người thiếu văn hóa và vô cảm. Trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển, không ít streamer, youtuber coi lễ tang các nghệ sĩ như cơ hội để kiếm thêm thu nhập. Bởi lẽ đây thường là nơi quy tụ nhiều người nổi tiếng, dễ đánh vào tâm lý tò mò, thương cảm của khán giả mà không cần phải vất vả tìm kiếm nội dung hấp dẫn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Giữa bầu không khí tang thương đã xảy ra nhiều chuyện phản cảm. Ngoài những streamer, youtuber, không ít người hiếu kỳ trèo tường, đu cột nhà tang lễ để chụp ảnh, quay phim, ồn ào bàn tán, tay lăm lăm điện thoại. Thấy người nổi tiếng đến dự đám tang, họ hò reo, vỗ tay, nhao nhao lao tới chụp ảnh. Có khi suốt thời gian đám tang nghệ sĩ diễn ra, đám đông hò hét, gọi tên “thần tượng”, bình luận về ngoại hình những người đến dự tang. Họ chen lấn, xin chữ ký, hoặc vui vẻ lấy điện thoại ra chụp ảnh các nghệ sĩ.

Tại lễ tang NSƯT Vũ Linh mới đây, đám đông người hiếu kỳ, streamer, youtuber luôn “canh me”. Trong giây phút đau buồn, nhiều nghệ sĩ vẫn bị khán giả "tóm" cho bằng được chỉ để... chụp ảnh cùng. Dư luận từng bất bình trước hành vi của một số người tới dự đám tang người mẫu, diễn viên Duy Nhân, đám tang nghệ sĩ Anh Vũ. Thay vì đến phân ưu, tiễn biệt người đã khuất, đám đông này kéo tới chỉ để chụp ảnh người nổi tiếng và chụp ảnh “tự sướng”. Không chỉ chụp ảnh người sống, họ còn ùa tới chụp ảnh bên quan tài người đã khuất với vẻ mặt hớn hở rồi nhanh chóng khoe ảnh lên “phây”...

Các nghệ sĩ đi dự đám tang đôi khi cũng rơi vào tình huống “khóc dở, mếu dở” do sự hâm mộ thái quá của khán giả. Danh hài Hoài Linh từng kể, khi anh tới đám tang của diễn viên Duy Nhân, không khí đám tang trở nên hỗn loạn và ồn ào. Mặc dù danh hài đã nhiều lần dùng tay ra hiệu giữ im lặng nhưng đám đông vẫn tiếp tục thể hiện sự hâm mộ của mình, bất chấp bên trong có một người mới khuất và bao người đang khóc thương. Hoài Linh rơi vào cảnh khó xử đành phải bước nhanh nhanh khỏi đám tang.

NSƯT Quang Thắng cũng chia sẻ, anh rất sợ tới viếng đám ma vì chỉ cần chào thôi, những người có mặt cũng cười. “Tôi sợ nhất đi viếng đám ma. Vào đó, không chào hỏi thì người ta bảo khinh người, chào một vài câu người ta lại cười sằng sặc. Cái cảm giác người nhà đám ma nhìn mình như đang làm trò gì đó nhố nhăng ở lễ tang khiến tôi cảm thấy khó chịu vô cùng. Vì vậy, trừ những mối quan hệ không thể từ chối, tôi rất ngại xuất hiện trong đám ma”, NSƯT Quang Thắng nói.

Nạn nhân “sống ảo”

Không chỉ vô duyên trong đám tang, một số người thậm chí trèo lên các phần mộ ở nghĩa trang để ghi hình, chụp ảnh, làm xô đổ vòng hoa, chậu cây, gây hư hại cho phần mộ xung quanh.

Trong video được đăng tải sau lễ tang NSƯT Vũ Linh, NSƯT Thanh Điền chồng của cố nghệ sĩ nổi tiếng Thanh Kim Huệ không khỏi đau lòng khi thấy phần mộ của vợ bị hư hỏng phần mái. Nam nghệ sĩ xót xa chia sẻ: “Mộ Thanh Kim Huệ bị giẫm đạp nhiều nhất, treo cả bịch cà phê lên mộ nữa. Tôi cảm thấy rất đau lòng khi nhìn thấy mộ phần Thanh Kim Huệ trở nên xơ xác. Vì lo sợ trước nên gia đình tôi cũng có mặt tại Hoa viên từ sáng sớm, đến khi hết giờ làm mới về để quan sát và dọn dẹp gọn gàng. Người dân leo lên cả đỉnh đầu mộ khiến phần trên mái đình, đầu bia bị gãy, chậu kiểng bể vụn, cây hoa tróc gốc…”.

Theo nhà tâm lý Nguyễn Ninh - Trung tâm Tư vấn tâm lý Việt, sự tiện lợi của mạng xã hội cùng nhu cầu khẳng định “cái tôi” ngày càng khiến một số người dùng sa đà vào cuộc sống ảo với những cách thể hiện vô cảm, thái quá. Muốn nổi tiếng, muốn “câu view”, muốn kiếm tiền, họ nghĩ ra nhiều cách thể hiện thái quá bất chấp dư luận bất bình. Khi mải mê chạy theo thú vui ảo, họ đã tự biến mình trở thành trò cười, hoặc đang trở thành hiện tượng phản cảm. Càng nhiều view, càng nhiều bình luận, họ càng thấy hả hê dù cho bị “ném đá”, chê trách.

“Nghiện” chụp ảnh tự sướng, livestream mà bất chấp hoàn cảnh, có thể là dấu hiệu cho thấy một số người thiếu tự tin, thiếu phông văn hóa, khiến họ phụ thuộc vào sự chú ý của xã hội và trở thành nạn nhân của thói vô cảm, sống giả tạo. Theo nhà tâm lý Nguyễn Ninh, với những hành vi gây phản cảm trong tang lễ, xâm hại mồ mả cần có chế tài phạt nghiêm để răn đe những người khác.

Đọc thêm