Cháy xe hàng loạt: Bộ nhận trách nhiệm, người dân vẫn lo!

Chủ sở hữu những chiếc xe bị “bà hỏa” thiêu rụi vẫn phải tự chịu thiệt hại sau hỏa hoạn...

Chủ sở hữu những chiếc xe làm mồi cho “bà hỏa” vẫn phải tự chịu trách nhiệm đối với thiệt hại sau hỏa hoạn.

Những năm trước, rải rác một vài vụ cháy xe máy xảy ra trong cả nước. Lúc đó, những người đi xe máy không quan tâm đến việc xe tự bốc hỏa vì ai cũng có suy nghĩ rằng, đó là lỗi của người sử dụng xe đã cẩu thả trong quá trình sử dụng khiến xe bốc cháy.

Nhưng, những tháng cuối năm 2011, xe máy và cả ô tô bỗng nhiêu bốc cháy hàng loạt khiến dư luận phải sửng sốt trước hiện tượng bất thường này. Những ai trước đây cho rằng, lỗi của người dùng là nguyên nhân gây cháy xe máy cũng bắt đầu phải nghĩ lại.

Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ cháy xe.
Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ cháy xe.

Cháy ô tô, xe máy gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của chủ phương tiện. Những chiếc xe “nạn nhân” của các vụ cháy hầu hết là xe tay ga, như: Airblade, Leed, SH của hãng Honda hay Atila của hãng SYM. Đa phần các vụ cháy xảy ra đều biến khối tài sản hàng chục triệu đồng này thành…tro. Không chỉ số phận những chiếc xe máy mà nhiều tài sản của chủ sở hữu để trong cốp xe cũng biến thành tro bụi.

Đơn cử gần đây nhất là vụ cháy xe Airlade sáng ngày  3/1/2012 tại Quảng Bình. Theo chủ nhân của chiếc xe xấu số, ngoài tài sản là chiếc xe bị thiêu rụi thì trong cốp xe anh còn để 210 triệu đồng và nhiều tài liệu quan trọng khác. Những tài sản này cũng đã thành mồi cho ngọn lửa. Ngoài việc gây thiệt hại về tài sản, việc cháy xe máy còn gây thiệt hại về sức khỏe và tính mạng cho người sử dụng.

Theo thống kê chưa đầy đủ thì trong năm 2011, trong vòng 1 năm (từ tháng 12/2010 đến tháng 12/2011), tại Hà Nội đã xảy ra hơn 40 vụ cháy xe máy. Không dừng lại ở xe máy, ngọn lửa cũng thiêu rụi nhiều ô tô. Gần đây nhất là vụ cháy xe ô tô Mercedes tại Hà Nội, cháy xe Ford Escape tại Quảng Trị, cháy xe Gezt tại Thạch Thất, Hà Nội.

Những vụ cháy xảy ra liên tiếp, thậm chí có ngày xảy ra đến 3-4 vụ cháy xe ở các địa phương thì không còn là chuyện bình thường. Song, đến thời điểm này chưa có một kết luận chính thức nào về nguyên nhân của các vụ cháy và cũng không có cơ quan nhà nước hay nhà sản xuất nào đứng ra nhận trách nhiệm về hậu quả của các vụ cháy này. Chủ nhân của những chiếc xe “tự nhiên bốc hỏa” chỉ còn cách ngậm ngùi than thân, trách phận là không may mắn.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho rằng, Bộ Giao thông vận tải phải chịu trách nhiệm về những vụ cháy. Theo lời Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, từ năm 2012, khi xảy ra vụ cháy ô tô xe máy máy nào là phải có người chịu trách nhiệm, Bộ GTVT với chức năng cơ quan quản lý Nhà nước phải đứng ra chịu trách nhiệm, mà trước hết là Cục Đăng kiểm Việt Nam. Theo đó, để hoàn thành trách nhiệm của mình, Cục Đăng kiểm Việt nam cần khẩn trương hoàn thành hệ thống văn bản pháp luật liên quan trong thời gian tới.

Việc nhận trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khiến người dân mừng vì đã có cơ quan nhà nước đứng ra xem xét tận gốc rẽ các vụ cháy. Nhưng nỗi lo thì vẫn còn nguyên vì những người đã bị thiệt hại về tài sản vẫn chưa có cách nào để bảo vệ tài sản của mình và không có ai đền bù cho những thiệt hại của vụ cháy, bởi lý do đơn giản là thiếu cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền lợi của những nạn nhân này.

Để làm rõ hơn cơ chế pháp lý bảo vệ quyền lợi về tài sản của chủ nhân những chiếc xe xấu số, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch HĐTV Công ty luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự về vấn đề này:

Thưa Luật sư, ông có nhận xét gì về việc cháy bất thường của các phương tiện giao thông hiện nay?

Tôi cũng giống như những người sử dụng phương tiện giao thông khác cảm thấy rất bất an về tình trạng cháy phương tiện đang xảy ra bất thường bởi sự gia tăng đột biến trong thời gian gần đây. Tôi cho rằng, với những sự việc cháy phương tiện liên tục xảy ra thì vấn đề không còn là chuyện của cá nhân những người có phương tiện bị cháy mà là vấn đề pháp lý và xã hội cần phải giải quyết.

Xét cho cùng, người sử dụng phương tiện là người tiêu dùng. Họ mua, sở hữu, sử dụng phương tiện từ nhà sản xuất; mua xăng từ nhà cung cấp xăng. Vì thế, việc cháy xe do lỗi của nhà sản xuất hay do lỗi từ xăng dầu thì rõ ràng quyền lợi của người tiêu dùng cũng đang bị xem nhẹ. 

Nhưng đến thời điểm này chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân của các vụ cháy nên không thể quy kết trách nhiệm cho nhà sản xuất xe hay xăng dầu, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Tựu chung lại, cháy phương tiện chỉ có thể do lỗi của người sử dụng, do thiết kế kỹ thuật của phương tiện hoặc do nhiên liệu. Nếu cháy xe đơn lẻ thì nguyên nhân có thể do người sử dụng nhưng cháy hàng loạt và rất bất thường thì ai cũng phải nghĩ đến trách nhiệm của nhà sản xuất xe hoặc xăng dầu.

Trước tình hình này, hành động một cách có trách nhiệm với người tiêu dùng là phải kiểm tra và ra khuyến cáo khẩn cấp để người tiêu dùng cẩn thận, phòng tránh cháy phương tiện. Song, tôi chưa thấy nhà sản xuất nào làm việc này. Đó là sự thiếu trách nhiệm.

Về mặt pháp lý, người bị thiệt hại có thể đòi cá nhân, tổ chức nào bồi thường thiệt hại không, thưa ông?

Cơ sở pháp lý để đòi bồi thường thiệt hại là lỗi. Hầu hết các vụ cháy xe đều chưa tìm ra nguyên nhân và chưa xác định được lỗi của cá nhân, tổ chức nào. Vì thế, chủ phương tiện không thể đòi bồi thường mà phải gánh chịu cả. Điều này là bất công đối với họ.

Có một thực tế là các phương tiện bị cháy đều không để lại bằng chứng nên phải tìm kiếm bằng chứng trong các phương tiện chưa bị cháy, như kiểm tra xăng, kiểm tra thiết kế để tìm ra nguyên nhân. Nếu thực sự do xăng hoặc do lỗi thiết kế thì người tiêu dùng có thể đòi hỏi nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm dân sự đối với người tiêu dùng.

                                                                                    Xin cảm ơn ông!

Bình Minh

Đọc thêm