CHDCND Triều Tiên đang sẵn sàng cho vụ thử hạt nhân thứ 6?

(PLO) - Ngày 9/9, Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) tuyên bố Bình Nhưỡng đã tiến hành thử thành công vụ nổ mang đầu đạn hạt nhân - vụ thử hạt nhân thứ 5 của Bình Nhưỡng, diễn ra 8 tháng sau vụ thử trước đó.
Hình ảnh tâm chấn của vụ nổ thứ 5

Hôm qua (12/9), giới chức Hàn Quốc tiếp tục cảnh báo, Triều Tiên đã sẵn sàng tiến hành một vụ thử hạt nhân mới – vụ thứ 6 - vào bất kỳ thời điểm nào. Đây là một bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy sự không hiệu quả của các biện pháp trừng phạt trong việc ngăn chặn Triều Tiên.

Vụ thứ 6 đã sẵn sàng?

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang Gyun khẳng định: “Giới chức tình báo của Hàn Quốc và Mỹ cho rằng Triều Tiên sẵn sàng tiến hành một vụ thử hạt nhân khác tại bãi thử Punggye-ri bất kỳ thời điểm nào”. Theo ông, “một vụ thử khác có thể được tiến hành ở một đường hầm tách ra từ đường hầm thứ 2 hoặc ở một đường hầm thứ 3, nơi công tác chuẩn bị đã được hoàn tất”. 

Ông Moon Sang Gyun không cho biết thông tin chi tiết nhưng nhấn mạnh, quân đội Hàn Quốc đã được đặt hoàn toàn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu nhằm đáp trả “các vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa đạn đạo hoặc khiêu khích trên bộ tiếp theo” của Triều Tiên. 

Trước đó, Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một quan chức giấu tên của Chính phủ Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân mới vào bất kỳ thời điểm nào tại một đường hầm thứ 3 chưa từng được sử dụng trước đó ở bãi thử Punggye-ri, địa điểm Triều Tiên từng tiến hành 5 vụ thử hạt nhân, gần bờ biển phía Đông Bắc của nước này.

Quan ngại lớn

Các vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại. Trước đó, ngày 5/4/2009, CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa vệ tinh viễn thám mang đầu đạn hạt nhân tại khu vực Punggye-ri khiến Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp quốc (LHQ) ra nghị quyết chỉ trích vụ việc. Hơn một tháng sau, ngày 25/5, CHDCND Triều Tiên tiến hành thử vũ khí hạt nhân tại khu vực Punggye-ri. Vụ thử này được tiến hành trong lòng đất với đương lượng nổ xấp xỉ 20 kiloton; đồng thời CHDCND Triều Tiên cũng phóng thử tên lửa đất đối không có bán kính hoạt động 80 km. Đến ngày 12/2/2013, CHDCND Triều Tiên tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân mới với sức công phá từ 6-9 kiloton. Ba năm sau, ngày 6/1/2016, Bình Nhưỡng tuyên bố tiến hành thử thành công bom nhiệt hạch còn gọi là bom hydro hay bom H.

Ngay sau khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã đề nghị HĐBA LHQ triệu tập một cuộc họp khẩn để thảo luận về vụ thử hạt nhân mới nhất của CHDCND Triều Tiên. Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo “các hậu quả nghiêm trọng” đồng thời đề nghị các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản tham vấn nhằm đảm bảo các “hành động khiêu khích của CHDCND Triều Tiên sẽ phải hứng chịu các hậu quả nghiêm trọng”. Tổng thống Mỹ Obama cũng tuyên bố sẽ thực hiện mọi biện pháp theo một hiệp ước phòng thủ chung với Hàn Quốc, trong đó có việc cung cấp ô hạt nhân của nước này để bảo vệ Seoul trước bất kỳ mối đe dọa nào từ phía CHDCND Triều Tiên. Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Park Geun-hye, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí sử dụng mọi biện pháp có thể để gây sức ép buộc CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này, trong đó có việc thông qua một nghị quyết mới của HĐBA LHQ.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phản đối mạnh mẽ vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và tuyên bố sẽ đáp trả vụ việc tại HĐBA LHQ. Từ Paris, Điện Elysee cho biết Pháp lên án mạnh mẽ vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã ra tuyên bố kiên quyết phản đối việc CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5. 

“Con bài” hạt nhân

Thế giới một lần nữa lại chấn động trước hành vi khiêu khích mới của Triều Tiên khi nước này vừa tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 5 và là lần thứ hai kể từ đầu năm tới nay. 

Theo nhận định Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc, vụ thử ngày 9/9 của Triều Tiên đã gây nên một vụ nổ mạnh 10 kiloton, gần gấp đôi cường độ của vụ thử hạt nhân hồi tháng 1 nhưng kém hơn một chút so với vụ ném bom thành phố Hiroshima hồi Thế chiến thứ II, có cường độ đo được khoảng 15 kiloton.

Trong khi đó, chuyên gia Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở bang California (Mỹ) nói với Hãng tin Reuters rằng một cơn địa chấn ở cường độ này cho thấy đây là một thiết bị với sức nổ từ 20-30 kiloton. Đó sẽ là sức nổ ước tính mạnh nhất từ trước tới giờ của một thiết bị hạt nhân của Triều Tiên. Kể từ năm 2014, hơn một năm sau khi Kim Jong Un thay cha lãnh đạo đất nước, Bình Nhưỡng đã dồn dập tiến hành các vụ bắn tên lửa và thử nghiệm vũ khí hạt nhân, thông báo làm chủ công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để trang bị cho tên lửa, hay thành công phóng tên lửa từ tàu ngầm.

Giới quan sát đã phải nhìn nhận là Bình Nhưỡng đã có những bước tiến xa về công nghệ hạt nhân. Trả lời báo Anh “The Guardian” số ra ngày 9/9, bà Kelsey Davenport, Giám đốc đặc trách về chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc tổ chức giám sát vũ khí Arms Control Association, trụ sở tại Mỹ, ghi nhận: “Có nhiều khả năng hiện tại Triều Tiên đã làm chủ công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để trang bị cho tên lửa tầm ngắn và tầm trung, các loại tên lửa đó có thể bắn tới Hàn Quốc hay Nhật Bản, tới các cơ sở quân sự của Mỹ trong vùng Đông Bắc Á”. Vẫn theo chuyên gia này, còn phải mất thêm nhiều thập niên nữa, tên lửa của Triều Tiên mới có thể bắn sang tới lãnh thổ Mỹ. Dù vậy theo bà Davenport, Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ sắp tới sẽ phải đặc biệt quan tâm đến “hiểm họa và mối đe dọa Triều Tiên”.

Theo Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình chống phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á, thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury, bang 

Vermont (Mỹ), các vụ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân dồn dập nói trên cho thấy Kim Jong Un không khoanh tay ngồi nhìn, phó mặc số phận của mình cho Mỹ như các ông Saddam Husein hay Kadhafi ở Iraq và Libya trước đây. Dường như Bình Nhưỡng quyết dùng “lá bài hạt nhân” để buộc Mỹ phải chọn giải pháp đàm phán. Điều nguy hiểm nữa, theo như phân tích của Mark Fitzpatrick, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quan hệ Chiến lược Quốc tế IISS tại Washington, các hành động của Triều Tiên có nguy cơ đẩy Nhật và Hàn Quốc vào một cuộc chạy đua vũ trang. 

Tóm lại, giới phân tích của châu Âu và Mỹ đều nhận thấy rằng, đây là thời điểm để Bình Nhưỡng thị uy và dùng lá bài hạt nhân mặc cả với quốc tế. Bình Nhưỡng khẳng định đã làm chủ khả năng gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo, đồng thời sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh hạt nhân, yêu cầu Washington công nhận Triều Tiên là “quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân”...