Chế độ cho hòa giải viên gần như "bỏ trắng"

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, cả nước có khoảng hơn 600.000 hòa giải viên. Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh hòa giải, các hòa giải viên đã hòa giải gần hơn 3 triệu vụ việc, đạt tỷ lệ trên 80 %.  Số lượng công việc khổng lồ là vậy, song hiện nay chế độ đãi ngộ cho người hòa giải hầu như đang bị “bỏ trắng”.  

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, cả nước có khoảng hơn 600.000 hòa giải viên. Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh hòa giải, các hòa giải viên đã hòa giải gần hơn 3 triệu vụ việc, đạt tỷ lệ trên 80 %.  Số lượng công việc khổng lồ là vậy, song hiện nay chế độ đãi ngộ cho người hòa giải hầu như đang bị “bỏ trắng”.

 

Kinh phí rỗng, hỗ trợ bằng không

Theo quy định của pháp luật về hòa giải thì vấn đề kinh phí căn cứ tình hình cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương. UBND các cấp tạo điều kiện, hỗ trợ về kinh phí cho việc kiện toàn tổ chức, bồi dưỡng nghiệp vụ, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng. Quy định như vậy nhưng trên thực tế, việc hỗ trợ kinh phí hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng ngân sách của địa phương.

Vì vậy, địa phương nào quan tâm đến công tác hòa giải thì mới tạo điều kiện về kinh phí vật chất cho công tác này và ngược lại... Đặc biệt, với những tỉnh nghèo, ngân sách chủ yếu trông chờ ở trung ương thì việc hỗ trợ cho công tác hòa giải gần như không thể, bởi lẽ địa phương còn ưu tiên cho những lĩnh vực liên quan thiết thực hơn đến đời sống.

Ngay cả với những địa phương có nguồn ngân sách ổn định thì việc đầu tư cho hòa giải cũng không phải dễ dàng do vấn đề về nhận thức và cách thức chi trả. Mặc dù gần đây, liên Bộ Tài chính – Tư pháp đã ban hành Thông tư số 73/2010/TTLT – BTC – BTP về hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (trong đó có công tác hòa giải ở cơ sở) nhưng thực tế theo Bộ Tư pháp hiện nay ở nhiều địa phương còn lúng túng, chậm triển khai thực hiện.

Qua khảo sát cho thấy, hiện nay nguồn kinh phí cho công tác hòa giải ở nhiều nơi không thể bảo đảm ở mức tối thiểu. Chưa kể đến việc chi trả thù lao theo Thông tư 73, các hòa giải viên chủ yếu hoạt động bằng lòng nhiệt huyết, xả thân, không màng quyền lợi. Thậm chí, những việc đơn giản như một chỗ họp hành tử tế, quyển sách, cây bút họ cũng phải tự bỏ tiền túi ra mua.

Huy động nhiều nguồn lực cho hoạt động hòa giải

Quá trình thực hiện Pháp lệnh về hòa giải cơ sở (năm 1998), Bộ Tư pháp cũng thừa nhận việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Phần lớn tổ viên Tổ hòa giải chưa được bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải thường xuyên, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.

Bên cạnh đó, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải được biên soạn thống nhất còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế cho cán bộ hòa giải nói riêng và công tác hòa giải nói chung. Việc khen thưởng, động viên các mô hình hòa giải hay, các cá nhân làm tốt cũng chưa được tiến hành kịp thời do nguồn kinh phí hạn chế.

Công tác hòa giải ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, nó không chỉ trực tiếp giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân; giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, phòng ngừa vi phạm pháp luật mà còn góp phần hạn chế đơn thư, khiếu kiện, giảm bớt tình trạng khiếu kiện lên cấp trên. Tuy nhiên, với cơ chế như hiện nay, không thể phát triển mạng lưới hòa giải cơ sở cũng như nâng cao chất lượng của hòa giải viên.

Dự kiến trong xây dựng Luật Hòa giải, để tháo gỡ vấn đề về kinh phí, dự Luật sẽ quy định ngoài ngân sách Nhà nước cần khuyến khích và thu hút sự quan tâm của toàn xã hội theo hướng xã hội hóa công tác hòa giải. Đồng thời, tranh thủ các nguồn hỗ trợ của các tổ chức và cá nhân nước ngoài đối với công tác này.

Đồng thời, dự Luật cũng quy định rõ về nguyên tắc hòa giải, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác hòa giải ở cơ sở; Quản lý nhà nước; xử phạt vi phạm…nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động hòa giải cơ sở hiện nay.

Một trong những nội dung được Dự án Luật hòa giải đề cập đó là các quy định về người thực hiện hòa giải ở cơ sở.

Theo đó, dự Luật sẽ quy định rõ tiêu chuẩn tổ viên Tổ hòa giải, quyền và nghĩa vụ của tổ viên Tổ hòa giải, tổ trưởng Tổ hòa giải, những hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ viên Tổ hòa giải, bầu, miễn nhiệm tổ viên Tổ hòa giải, người được mời tham gia hòa giải, các trường hợp tổ viên Tổ hòa giải không được tham gia hòa giải. Đặc biệt quy định cụ thể về chế độ đối với người thực hiện hòa giải ở cơ sở.

Đông Bình

Đọc thêm