Chỉ 7% cuộc hôn nhân với người nước ngoài vì yêu

Hiện nay, cả nước có khoảng 130.000 PNLCNN, trong đó, chỉ 7% hôn nhân xuất phát từ tình yêu, còn lại là những lý do khác. Trong đó, lý do kinh tế là quan trọng nhất, vì nghèo mà họ “nhắm mắt đưa chân” hòng tìm giải pháp giải quyết kinh tế cho gia đình.

Hôm qua, tại Cần Thơ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về Hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Hội nghị do các Bộ, ngành: Tư Pháp, Công An, Lao động - Thương Binh và Xã hội, Ngoại giao, Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt nam… phối hợp tổ chức.

Chỉ 7% xuất phát từ tình yêu

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tỷ lệ hôn nhân có yếu tố người nước ngoài cao nhất nước.

Theo khảo sát của Viện khoa học Lao động - Xã hội thì 3/4 phụ nữ lấy chồng nước ngoài (PNLCNN) xuất thân từ gia đình có 5 con trở lên. 1/3 gia đình PNLCNN có mức thu nhập không đủ sống trước khi kết hôn. 86% PNLCNN có trình độ chưa qua tiểu học và hoàn toàn không được đào tạo chuyên môn nghề nào.

Hiện nay, cả nước có khoảng 130.000 PNLCNN, trong đó, chỉ 7% hôn nhân xuất phát từ tình yêu, còn lại là những lý do khác. Trong đó, lý do kinh tế là quan trọng nhất, vì nghèo mà họ “nhắm mắt đưa chân” hòng tìm giải pháp giải quyết kinh tế cho gia đình.

“Từ năm 2005 đến nay, Bộ Tư pháp tổ chức 6 đoàn thanh tra chuyên ngành về công tác kết hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài tại các tỉnh thành có tỷ lệ cao nhất nước. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra Bộ Tư pháp phát hiện kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong việc giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại các Sở Tư pháp”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết.

Trong khi đó, nhu cầu lấy vợ Việt Nam của những người nước ngoài ngày càng cao, chưa kể nhiều thanh niên Việt kiều sinh sống ở nước ngoài cũng muốn về Việt Nam lấy vợ để giữ gìn truyền thống gia đình. Tình trạng mất cân bằng giới tính tại Trung Quốc do hạn chế sinh đẻ và tập tục trọng nam là một nguyên nhân khiến nam giới Trung Quốc không lấy được vợ bản xứ cũng là một lý do không kém phần quan trọng.

Nguyên nhân thứ ba phải kể đến là tại một số nước, trong đó, có Hàn Quốc, Đài Loan, phụ nữ bản xứ muốn sống độc lập, đàn ông có thu nhập thấp khó lấy được vợ nên phải tìm ra nước ngoài mà Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn.

Từ những tham luận của các đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đưa ra những vấn đề để hội nghị bàn thảo và tìm ra hướng giải quyết. Các tổ chức xã hội, đoàn thể cần giải quyết triệt để các câu hỏi: Động cơ nào phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài? Phải chăng vì nghèo đói? Động cơ nào người nước ngoài đến Việt Nam lấy vợ? Vai trò quản lý Nhà nước như thế nào? Phải có biện pháp gì?...

Ngăn chặn thương mại hóa hôn nhân

Trong tốp 5 các tỉnh thành có tỷ lệ PNLCNN cao nhất nước thì ĐBSCL có đến 3 tỉnh: Đồng Tháp, Bạc Liêu, An Giang. Những năm gần đây, Đồng Tháp có tỷ lệ PNLCNN giảm (năm 2005 có 336 trường hợp, 2010 còn 156).

Đại diện của UBND tỉnh Đồng Tháp báo cáo biện pháp trước Hội nghị: Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục là biện pháp thiết yếu. UBND tỉnh thành lập Trung tâm tư vấn hỗ trợ kết hôn, trung tâm này đã tư vấn và phát hiện những trường hợp hôn nhân mang yếu tố thương mại, đề xuất biện pháp xử lý cho các cơ quan có thẩm quyền.

Từ tháng 7/2008 đến nay, Đồng Tháp đưa dịch vụ tư vấn kết hôn có yếu tố nước ngoài vào hoạt động. Dịch vụ này đã giúp cho phụ nữ Đồng Tháp ít gặp rủi ro hơn trong kết hôn, chung sống với chồng nước ngoài. Những biện pháp đó đã giúp phụ nữ trong tỉnh hiểu rõ hơn về giá trị hôn nhân, giá trị cuộc sống và rất nhiều trường hợp sau khi được tư vấn đã từ chối kết hôn với người nước ngoài…

Đại diện của UBND tỉnh Quảng Ninh nêu lên một tình trạng báo động: Tại Quảng Ninh, tình trạng phụ nữ lấy chồng nước ngoài (chủ yếu là Hàn Quốc) đang tăng mạnh, năm 2005 có 126 trường hợp nhưng năm 2010 đã tăng lên 786 trường hợp. Trong đó, rất ít trường hợp đăng ký kết hôn tại Sở Tư pháp mà chủ yếu theo chồng về Hàn Quốc làm thủ tục kết hôn, sau đó về Đại sứ quán xin giấy chứng nhận rồi đến Sở Tư pháp làm thủ tục ghi chú kết hôn. Chính vì vậy, những rủi ro của người PNLCNN trong trường hợp này rất cao bởi họ không được tư vấn trước khi kết hôn…

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân tổng kết: “Khi kinh tế mở cửa, giao thoa văn hóa xã hội mở rộng thì vấn đề kết hôn với người nước ngoài đương nhiên bộc phát và lan tỏa theo chiều hướng tăng. Chúng ta không ngăn cản được điều tất yếu đó. Với góc độ vai trò quản lý Nhà nước, chúng ta phải tổ chức, sắp xếp tư vấn, trình tự thủ tục sao cho người PNLCNN ít gặp rủi ro. Điều quan trọng là hạn chế nạn môi giới hôn nhân người nước ngoài của các cá nhân trục lợi trên thân xác người phụ nữ, biến họ thành món hàng, thương mại hóa hôn nhân…”.

Ngọc Long

Đọc thêm