Trước câu hỏi gia đình có thể tự hòa giải không của HĐXX, cả nguyên đơn lẫn bị đơn đều quả quyết “không thể”.
Khi chị chồng em dâu sống chung
Nguyên đơn trong vụ việc trên là ông Cao Chính Ngọc (SN 1955) đại diện cho sáu anh chị em. Bị đơn là người em dâu Nguyễn Thị Hiền (SN 1969, đường Ngõ chợ Khâm Thiên, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội).
Nguyên đơn trình bày bố mẹ sinh ra được sáu người con. Năm 1993, bố ông qua đời không để lại di chúc. Mẹ ông sau đó đã bán căn nhà ở đường Lê Văn Hưu được 300 cây vàng. Còn lại căn nhà ở ngõ chợ Khâm Thiên, bà cho vợ chồng người con dâu tên Hiền và con gái Cao Thị Dung (SN 1956) sinh sống.
Đến năm 2000, em trai nguyên đơn, cũng là chồng bị đơn Hiền mất đột ngột do bệnh tật. Đến năm 2003 mẹ chồng bà Hiền cũng qua đời.
Lúc này trong căn nhà trên, người chị chồng ở tầng một, còn mẹ con người em dâu ở tầng hai. Một nửa diện tích mặt tiền tầng một được người con dâu góa chồng mở cửa hàng nước kiếm thu nhập nuôi con.
Tuy nhiên cuộc sống chị chồng em dâu hơn 20 năm qua, theo lời hàng xóm, đã xảy ra nhiều mâu thuẫn. Cả hai “đấu khẩu” như cơm bữa.
Trước đây mâu thuẫn đều dừng lại sau những cuộc họp “giải quyết nội bộ gia đình”. Nhưng vài năm trở lại đây, mâu thuẫn giữa chị chồng em dâu ngày càng sâu sắc, thậm chí dẫn đến xô xát.
Nhận thấy không thể để chị chồng em dâu chung sống với nhau nữa, lo lắng xảy ra chuyện ngoài ý muốn, ông Ngọc là anh cả trong gia đình làm đơn đề nghị bán nhà, chia tài sản thừa kế.
Tuy nhiên người em dâu không đồng tình với phương án giải quyết này. Bà cho rằng gia đình chồng ép bà bán nhà để đẩy “mẹ góa con côi” ra đường. Trước khi vụ việc được đưa ra tòa, gia đình đã “họp nội bộ” năm lần bảy lượt, nhưng đều không thống nhất được cách giải quyết.
Tại buổi xét xử phúc thẩm diễn ra một ngày cuối năm 2015 tại TAND TP.Hà Nội, nguyên đơn và bị đơn không hề nói với nhau nửa lời.
Mâu thuẫn do tranh giành nơi bán hàng?
Góa phụ và con trai đang học năm ba đại học ngồi lặng thinh bên cạnh anh chồng, phía dưới là các anh chị chồng.
Trước đó, tại bản án sơ thẩm, TAND quận Đống Đa đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, chia căn nhà thành tám phần. Riêng bà Dung và bà Hiền, mỗi người được hưởng hai phần, do có công duy trì tôn tạo căn nhà. Không chấp nhận phán quyết này, người con dâu làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án.
Trong phiên phúc thẩm, người con dâu trình bày, mẹ chồng sau khi bán nhà được 300 cây vàng, đã chia cho ba người con trai, lấy tiền mua nhà nơi khác. Còn vợ chồng bà ở cùng mẹ và chị chồng tên Dung.
Năm 2000, chồng mất đột ngột, bà Hiền vẫn ở vậy nuôi con khôn lớn, phụng dưỡng mẹ chồng. Tuy nhiên, theo bị đơn, gần đây, chị chồng nghỉ hưu và có ý định bán hàng “cạnh tranh” với em dâu, nên mâu thuẫn xảy ra nhiều hơn. Không ít lần cả hai cãi vã, thậm chí xô xát. “Họ gây hoảng loạn cho tôi. Tôi không đồng ý bán nhà. Căn nhà có thể chia đôi, chứ bán đi chia tám, số tiền chia cho tôi ít ỏi thì mẹ con tôi ở đâu?”, bị đơn trình bày.
Phản bác ý kiến của bị đơn, đại diện nguyên đơn là ông Ngọc cho rằng mẹ bán nhà để trang trải nợ nần, những người con trong nhà không biết cụ bán được bao nhiêu. Vì vậy, việc em dâu tố cáo các anh chồng đã được chia vàng để mua đất là không đúng.
Những người có quyền lợi khác trong vụ án đều đồng ý nhường quyền thừa kế tài sản cho chị em của mình là bà Dung. “Trước đây tôi đã nhiều lần trực tiếp đến nói chuyện với hai người, thỏa thuận bán nhà sẽ chia đôi. Chúng tôi muốn tách hai người ra vì không thể để họ sống cùng nhau”, một người đàn ông là em trai bà Dung, chị chồng bà Hiền, trình bày
Ông phân trần tiếp: “Nhưng em dâu tôi đã đánh chị gái tôi ba bốn lần, tình hình rất căng thẳng. Và em dâu tôi không chấp nhận đề nghị như trên, buộc phải đưa ra tòa, nên mới có phiên xử ngày hôm nay”.
Góa phụ cho rằng bị gia đình chồng “ăn hiếp” |
Hai bên hành hung, nói xấu nhau?
Đến lượt tòa hỏi người chị chồng những mâu thuẫn giữa chị chồng - em dâu. Bà Dung cho biết, trước khi mẹ mất, có nói cho bà một nửa diện tích tầng một để bán hàng: “Cô ấy (ý nói bà Hiền) ở tầng hai, còn tầng một tôi ở, mà cô ấy lại bán hàng, để đồ đạc chiếm hết không gian. Hiền là em dâu nhưng đi rêu rao đặt điều cho anh chị em tôi. Nơi sinh hoạt chung như bếp ăn, cô ấy còn tranh giành”.
Người phụ nữ trình bày: “Cách ứng xử của cô ấy không còn là người trong một gia đình nữa. Cô ấy đánh chửi, lôi tôi ra ngoài đường đập vào đầu. Thậm chí Hiền còn đưa chị gái về nhà tranh giành nhà với tôi”.
Nghe xong, vị chủ tọa phân tích, lẽ ra hai người đều ở cảnh không chồng, phải đùm bọc chia sẻ với nhau. Nhưng ở đây, cả hai đều vì những chuyện nhỏ nhặt mà chấp nhặt nhau, khiến mâu thuẫn ngày càng phức tạp.
Một người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác, là con trai bà Hiền, cháu trai của các nguyên đơn, thì không đồng ý với yêu cầu nhà nội, mà nêu quan điểm chỉ đồng ý chia căn nhà làm hai phần.
Ý kiến này không được chấp nhận, HĐXX tuyên y án sơ thẩm. Xăn nhà sẽ chia tám phần, trong đó mẹ con góa phụ được 1/4. Tỏ ra bức xúc với phán quyết này, bà Hiền cho biết không chấp nhận và sẽ “tiếp tục kêu cứu”.
Sau phiên tòa, góa phụ lật lại vấn đề, cho rằng tòa đã làm sai quy trình ngay từ phiên sơ thẩm. Theo bà, trước buổi xét xử sơ thẩm một tuần, bà phải nhập viện vì bệnh thiếu máu não. Góa phụ đã xin hoãn phiên tòa nhưng tòa sơ thẩm vẫn xử, mẹ con bà không nhận được giấy mời nên không biết.
Góa phụ lặp lại quan điểm cho rằng căn nhà đang tranh chấp là tài sản của bố mẹ chồng để lại cho vợ chồng bà và chị chồng, những người khác đã có nhà ở nơi khác, không được hưởng phần nữa.
Bà Hiền còn tố cáo chị chồng: “Có lần bà Dung chủ mưu gây ra vụ bỏng khiến tôi phải nằm điều trị cả tháng trời. Chồng chết, tôi ở vậy nuôi con hơn 20 năm, vậy mà giờ đây các anh chị chồng lại kéo đến đòi chia đất. Thật bất công”.
Người phụ nữ này cho rằng còn tố bị vu khống tội giết chồng: “Trong các giấy tờ đều ghi chồng tôi đột tử, vậy mà họ tung tin tôi giết chồng. Năm 2004 mẹ chồng mất, thế mà năm 2005 họ làm sổ đỏ mang tên bố mẹ chồng tôi. Thật vô lý. Họ muốn đẩy mẹ con tôi ra đường”, góa phụ rơm rớm nước mắt./.