Ứng cử viên nữ không nên nghĩ mình là “đệm” cho người khác

(PLO) - “Quan tâm tới phụ nữ, ủng hộ cho phụ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp là thiết thực góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, vì hạnh phúc gia đình và sự phồn vinh của đất nước” – TS Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

Còn bản thân các ứng cử viên nữ, theo bà Thanh cũng “cần tuyệt đối không tự cho rằng mình chỉ là “đệm” cho người khác, dẫn đến tư tưởng buông xuôi, làm cho qua chuyện mà phải quyết tâm khẳng định bản thân và thuyết phục sự ủng hộ của cử tri”.

Kết quả bầu cử Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua cho thấy, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy ở cả 4 cấp của nhiệm kỳ này đều đạt cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Đặc biệt, nhiệm kỳ này có 3 cán bộ nữ tham gia Bộ Chính trị, chiếm 15,7%. Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền hy vọng:  “Thành tựu trên sẽ tạo đà để chúng ta thực hiện đạt chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021”.

Theo số liệu thống kê của Liên minh Nghị viện Thế giới, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII đạt 24,2%, Việt Nam hiện đang xếp thứ 54 trong tổng số 190 quốc gia được xếp hạng trên thế giới và đứng thứ 4 trong 10 nước Đông Nam Á có nghị viện (sau Timor Lester, Philippines và Lào).

Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, từ con số 3% nữ đại biểu Quốc hội khóa I đến tỷ lệ 24,4% của Quốc hội khóa XIII. Mặc dù tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở từng nhiệm kỳ có tăng lên nhưng chưa thật bền vững, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII có sự sụt giảm đáng kể và thấp nhất trong 4 nhiệm kỳ gần đây và trong vòng 20 năm (từ năm 1987 đến năm 2007), đại biểu Quốc hội là nữ chỉ tăng được gần 4%. 

Trong cơ quan dân cử ở địa phương nhiệm kỳ 2011-2016 có sự gia tăng so với 3 nhiệm kỳ gần nhất, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 25,17%; cấp quận, huyện, thị xã là 24,62% và cấp xã, phường, thị trấn là 21,71%. Tuy nhiên, qua mỗi nhiệm kỳ, các tỷ lệ này chỉ tăng dao động trong khoảng trên dưới 2%. 

Như vậy, nhìn chung tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp so với mục tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 vẫn còn một khoảng cách khá xa. “Việt Nam cần có những bước đi vững chắc hơn và phải có những giải pháp đột phá, mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện mục tiêu đạt 35% trở lên nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp của nhiệm kỳ 2016-2021 như Nghị quyết số 11 đã đặt ra” – Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH nhận định.

Nghị quyết 1135/2016/NQ-UBTVQH13 dự kiến cơ cấu, số lượng thành phần đại biểu Quốc hội khóa XIV xác định phấn đấu có 35% ứng cử viên là nữ trong danh sách chính thức và phấn đấu trúng cử ít nhất là 30%. Do đó, để đạt mục tiêu, bà Pratibha Mehta – đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần có tỷ lệ ứng cử viên là nữ cao hơn. Cùng với đó, “việc giới thiệu ứng cử viên phải bình đẳng như nhau, có vị trí, chức danh tương đương, khắc phục tình trạng giới thiệu cơ cấu nữ với nghĩa là “đệm” cho ứng cử viên nam hoặc cho lãnh đạo” – bà Bùi Thị Thanh nói.

Và để chuẩn bị “nguồn” cho ứng cử viên nữ trong bầu cử năm 2016, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ nhiều hơn vào các cơ quan dân cử, bà Thang Thị Hạnh – Q.Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Bộ Nội vụ thấy cần chú trọng ngay từ khâu phát hiện nguồn và tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức nữ đáp ứng được các yêu cầu của những vị trí công tác mà họ sẽ được giới thiệu ứng cử. 

Đọc thêm