Chuyện nghề Thi hành án Dân sự

Chi cục THADS Đức Hoà (Long An): Chấp hành viên "nghìn án" và vụ cưỡng chế giao tài sản 105 người

(PLVN) - Năm 2024, Chi cục THADS huyện Đức Hoà thụ lý án đứng đầu tỉnh Long An với 3.531 việc thi hành xong, đạt tỷ lệ 88,85%. Tổng giá trị tiền giải quyết xong hơn 615,4 tỷ đồng, cao hơn năm 2023 trên 311,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 67,42% trên số việc có điều kiện thi hành. Nhiều vụ việc thi hành án có giá trị lớn, khó thi hành được giải quyết dứt điểm, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân theo quy định, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chi cục THADS Đức Hoà nhiều năm liền luôn thụ lý án cao nhất tỉnh Long An
Chi cục THADS Đức Hoà nhiều năm liền luôn thụ lý án cao nhất tỉnh Long An

Chấp hành viên "nghìn án"

Trong đó, ông Nguyễn Văn Hiếu là một trong những chấp hành viên luôn dẫn đầu số lượng án phải giải quyết. Giai đoạn 2020 – 2024, tổng số việc giải quyết là 3.770, đỉnh điểm năm 2024 lên đến 1.152 việc với tỷ lệ 88,84% án thi hành xong.

Chấp hành viên Nguyễn Văn Hiếu với bề dày kinh nghiệm 15 năm trong ngành thi hành án, đỉnh điểm thụ lý hơn 1.100 án/năm.

Chấp hành viên Nguyễn Văn Hiếu với bề dày kinh nghiệm 15 năm trong ngành thi hành án, đỉnh điểm thụ lý hơn 1.100 án/năm.

Chấp hành viên Nguyễn Văn Hiếu cho biết, nói về lượng án thụ lý của Chi cục THADS Đức Hòa đã nhiều năm liền thụ lý số lượng án cao nhất tỉnh Long An. Cụ thể, năm 2018 thụ lý 6.087 việc, số tiền trên 681 tỷ đồng; Năm 2019 thụ lý 6.628 việc, số tiền trên 572 tỷ đồng; Năm 2020 thụ lý 5.211 việc, số tiền trên 604 tỷ đồng; Năm 2021 thụ lý 4.368 việc, số tiền 752 tỷ; Năm 2022 thụ lý 3.863 việc, số tiền 771 tỷ đồng...

Tuy nhiên, việc Chấp hành viên phải thụ lý số việc và tiền cao chưa phải là khó khăn duy nhất mà do đặc điểm hình kinh tế - xã hội, về phong tục tập quán địa phương cũng như về đặc thù công tác thi hành án, trình tự thủ tục luật định phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc khó lường như việc xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án.

Có nhiều trường hợp tài sản của người phải thi hành án là đất đai chồng lấn với người khác, trên đất có mồ mả, có nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà thờ thân tộc hoặc tài sản của người phải thi hành án (nhà ở, nhà xưởng) có một phần lại xây dựng trên đất của người khác… Các trường hợp như thế bên phát sinh nhiều quan hệ pháp luật, quyền và nghĩa vụ của người khác. Nếu giải quyết không khéo dễ gây nhiều hệ lụy. Do đó, Chấp hành viên phải thận trọng, bình tĩnh, kiên nhẫn, nghiên cứu áp dụng nhiều giải pháp nhất là phải nắm vững pháp luật và khéo léo trong công tác dân vận để vận động các thỏa thuận thi hành án sao cho thấu tình và đạt lý.

Lý giải về việc giữ vững “top 1” số lượng án thụ lý, ông Hiếu chia sẻ: Trên thực tế Chấp hành viên phụ trách án gắn trên địa bàn và có địa phương tập trung nhiều án. Các địa phương ông phụ trách bao gồm: thị trấn Hậu Nghĩa (thị trấn trung tâm của huyện) và các xã Đức Hoà Thượng, Đức Hoà Hạ, Mỹ Hạnh Nam, Tân Phú (xã có nhiều khu, cụm công nghiệp). Do lượng án nhiều, tại đơn vị, mọi người thường xuyên làm thêm vào ngày thứ 7, cường độ làm việc cao, mang tính công nghiệp. Các Chấp hành viên cũng cố gắng gồng gánh cùng nhau vì hầu hết ai cũng quá tải, tuỳ tính chất phức tạp chứ không đơn thuần so sánh số lượng án phụ trách.

Đặc trưng của ngành thi hành án biên chế ít, áp lực cao, cơ chế đảm bảo an ninh Chấp hành viên khi cưỡng chế chưa cao, chưa cụ thể… Bản thân đã từng nghĩ đến việc chuyển ngành khác. Nhưng khi suy nghĩ lại, ngành nào cũng có áp lực riêng, cũng đã khá quen với tính chất của nghề thi hành án, nên chung quy lại vẫn thống nhất với bản thân gắn bó với Ngành (với cái tâm với nghề)...

Sắp tới, bộ máy thi hành án dân sự có nhiều thay đổi cùng với công cuộc tinh gọn bộ máy, ông Hiếu cho rằng, việc thích ứng linh hoạt không tách rời nghiên cứu kỹ các văn bản, dự thảo, luật ban hành mới. Cơ cấu bộ máy sau sắp xếp chắc hẳn sẽ tinh gọn và hiệu quả trong môi trường hiện đại năng động. Đối với lực lượng thi hành án dân sự, mỗi chấp hành viên phải nâng cao năng lực xử lý các vụ việc, các tranh chấp phức tạp mới như: án tín dụng ngân hàng, kinh doanh thương mại, phá sản…

Chấp hành viên Nguyễn Văn Hiếu (thứ 3 từ phải qua hàng trên) tại buổi làm việc tại nhà đương sự cùng các cơ quan liên ngành.

Chấp hành viên Nguyễn Văn Hiếu (thứ 3 từ phải qua hàng trên) tại buổi làm việc tại nhà đương sự cùng các cơ quan liên ngành.

Ông Hiếu còn cho biết thêm: “Chi cục THADS huyện Đức Hòa 6 năm liền luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bộ Tư pháp công nhận danh hiệu thi đua “Tập thể lao động xuất sắc” (giai đoạn 2018-2023), 2 lần được Bộ Tư pháp tặng cờ thi đua Ngành. Đó là kết quả của sự đoàn kết nội bộ, sự nỗ lực quyết tâm chính trị cao của tập thể, sự không ngừng thể hiện tính nêu gương của lãnh đạo, sự phối hợp giữa Lãnh đạo Chi cục và Ban chấp hành công đoàn cơ sở trong quản lý điều hành. Chi cục luôn giữ vững sự đoàn kết thương yêu nhau, giúp đỡ nhau trong công tác và sinh hoạt hằng ngày bằng nhiều mô hình đơn giản nhưng hiệu quả”.

Tiêu biểu có thể kể đến như: Tổ chức uống cà phê sáng trước giờ làm việc cho công chức cơ quan tại Chi cục, nhằm tạo điều kiện trao đổi nghiệp vụ và thông tin những vấn đề cần thiết; Tổ chức bữa cơm tập thể tại đơn vị để công chức, người lao động có nhiều thời gian nghỉ ngơi và thuận lợi cho công việc; Tổ chức nhiều đợt tham quan học tập kinh nghiệm; Tổ chức mừng sinh nhật và các ngày lễ, kỷ niệm để phần nào giảm bớt khó khăn cho công chức, tạo sự gần gũi lan tỏa trong anh em hiểu nhau hơn, tạo không khí vui tươi, giảm đi phần nào áp lực công việc. Từ đó, lãnh đạo Chi cục cũng thuận lợi trong nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của anh em. Chính vì vậy, những khó khăn, vướng mắc phần lớn được giải quyết dứt điểm (kinh phí tự đóng góp).

Xứng đáng với niềm tin của Nhân dân

Cũng tại Chi cục THADS huyện Đức Hoà, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng Phó Chi cục trưởng THADS huyện Đức Hoà Bùi Thanh Tuấn.

Đến nay, Phó Chi cục trưởng Bùi Thanh Tuấn tròn 25 năm kinh nghiệm trong ngành thi hành án. Là địa bàn có số lượng án nhiều và phức tạp hàng đầu của tỉnh Long An, ông Tuấn thấy rõ sự hài lòng của người dân với thái độ làm việc tại THADS huyện Đức Hoà.

Bởi thực tế, khi bất cứ một bản án dân sự nào được thi hành đều có thể có người bị ảnh hưởng quyền lợi, bức xúc đến tột độ. Sự bức xúc không ít lần trút lên Chấp hành viên phụ trách. Thế nên, sự đồng thuận, hài lòng của cả bên được thi hành và bên phải thi hành án là điều tuyệt vời, chứa đựng bao tâm huyết của cả tập thể, cơ quan liên ngành từ việc thuyết phục đến sự cẩn trọng quy trình làm việc.

Tiêu biểu như vụ giao lại con trong vụ đòi lại con đã cho Tịnh thất Bồng Lai. Sau hơn 3 năm, người mẹ đã được nhận lại con trai, trong sự nỗ lực và khéo léo của cơ quan THADS do Chấp hành viên Bùi Thanh Tuấn phụ trách.

Trước đó, các vụ việc liên quan đến Tịnh thất Bồng lai được sự quan tâm rất lớn từ dư luận, mang hướng tiêu cực, trái chiều, với cương vị Phó Chi cục trưởng khi thụ lý vụ này có phần áp lực.

Theo đó, bên phải thi hành án là bà Cao Thị Cúc - đang chấp hành hình phạt tù của vụ án lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến Tịnh thất Bồng Lai.

Trước đây, bà T.T.M.D (ngụ thị trấn Long Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tưởng nhầm Tịnh thất Bồng Lai là một ngôi chùa chuyên nhận nuôi trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn để làm từ thiện nên đã giao con trai là bé C.T.G.B cho bà Cúc nuôi dưỡng.

Bé C.T.G.B là một trong 5 chú tiểu từng nổi danh từ một gameshow truyền hình. Sau khi biết Tịnh thất Bồng Lai không phải cơ sở thờ tự tôn giáo, đồng thời, hình ảnh của bé bị lợi dụng để kiếm tiền trên mạng xã hội khiến bà mẹ ruột của bé hết sức lo lắng.

Ngoài ra, bà Cúc đang thi hành án phạt tù nên sẽ không có điều kiện nuôi dạy bé. Khi cơ quan chức năng như công an, toà án đến làm việc nhiều lần thì cơ sở này không mở cửa và không hợp tác. Những người đang sinh sống tại đây cũng không cho bà D đến thăm con, điều này đi ngược lại thoả thuận ban đầu là “cho mẹ thăm gặp con bất cứ khi nào” khi làm thủ tục cho nhận con.

Từ những lý do trên, bà D đã nộp đơn khởi kiện yêu cầu TAND huyện Đức Hòa, Long An tuyên chấm dứt việc nuôi con nuôi đối với bà Cúc để bà D được đón con về nuôi dưỡng.

Ngày 26/7/2024, TAND tỉnh Long An đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Giao người chưa thành niên cho cá nhân trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục”, buộc bà Cúc, và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện giao cháu C.T.G.B cho bà D.

Cơ quan Thi hành án Dân sự, VKSND, luật sư và gia đình đã từng bàn tính đến phương án đến đón bé tại trường không cần thông qua hộ gia đình bà Cúc. Tuy nhiên, cuối cùng tất cả thống nhất cần tôn trọng ý kiến đứa bé, thuyết phục hộ gia đình bà Cúc đồng thuận để đảm bảo tinh thần đứa trẻ khi về lại với mẹ ruột.

Phó Chi cục trưởng THADS Bùi Thanh Tuấn (thứ 2 từ trái sang) trong buổi giao trả con cho mẹ ruột.

Phó Chi cục trưởng THADS Bùi Thanh Tuấn (thứ 2 từ trái sang) trong buổi giao trả con cho mẹ ruột.

Sau nhiều lần đến gặp bà Võ Thị Tám (quản lý hộ bà Cúc) thuyết phục tuân thủ theo bản án của toà thì bà Tám mới đồng ý giao trả cháu C.T.G.B với điều kiện bà Cúc đang chấp hành án tại Trại tạm giam B34 - Cục An ninh điều tra - Bộ Công an (tại Củ Chi, TP.HCM) đồng ý.

Chấp hành viên Bùi Thanh Tuấn đã nhanh chóng đến trại tạm giam gặp bà Cúc bằng biện pháp thuyết phục cứng rắn về lý và mềm mỏng về tình để bà Cúc đồng ý giao trả C.T.G.B về cho mẹ ruột bằng văn bản.

Quá trình kể lại, ông Tuấn không giấu sự hồi hộp và vui mừng. Sự khéo léo và quyết tâm với phương án thuyết phục có lý có tình, trên cơ sở tôn trọng quyền trẻ em mang lại kết quả vẹn toàn. Đó là một trong những kỷ niệm rất tự hào, đáng để kể lại trong chuyện nghề thi hành án trong suốt 25 năm qua.

Đằng sau câu chuyện cưỡng chế

Với ngành THADS công tác cưỡng chế luôn là phương án cuối cùng, khó tránh khi đương sự không hợp tác. Mọi tình huống xấu nhất đều có thể xảy ra nếu phương án cưỡng chế không được chấp hành viên trù bị kỹ lưỡng về rủi ro.

Ấn tượng của ông Bùi Thanh Tuấn trong vụ việc rất phức tạp huy động lực lượng cưỡng chế giao tài sản theo bản án đối với hộ gia đình ông L.V.Đ tại xã Hoà Khánh Đông, huyện Đức Hoà lên đến 105 người. Gia đình bị cưỡng chế chống đối quyết liệt, dùng điện thoại quay phim, livestream, lăng mạ nặng nề… Thời gian cưỡng chế kéo dài từ 9h đến 14h cùng ngày, lực lượng các ban ngành đoàn thể khá vất vả.

Dù vậy, sau khi hoàn thành các công tác cưỡng chế, bàn giao cho công an xã tránh tình trạng tái chiếm thì hai bên vẫn đến gặp gỡ chấp hành viên tại cơ quan thi hành án. Sau hoàn thành nhiệm vụ, chia sẻ niềm vui với bên được thi hành án nhưng ông Tuấn cũng không quên động viên và giải thích tận tình với bên phải thi hành án về những quy định pháp luật bắt buộc phải tuân theo.

Vụ cưỡng chế huy động 105 người

Vụ cưỡng chế huy động 105 người

Ông Tuấn chia sẻ thêm, chỉ đối với các vụ việc sau khi dùng mọi biện pháp tuyên truyền, thuyết phục không thành mới áp dụng biện pháp cưỡng chế. Quy trình thủ tục cần rất chặt chẽ với tất cả phương án dự phòng rủi ro, được sự chấp thuận của lãnh đạo chi cục và cục THADS tỉnh cùng với sự phối hợp liên ngành. Tuy nhiên, sau khi cưỡng chế, đơn vị thi hành án vẫn tiếp tục nhận được các đơn thư khiếu nại, tố cáo, cáo buộc về quy trình cưỡng chế chưa tuân thủ đúng quy định pháp luật. Và thế là lực lượng thi hành án vẫn tiếp tục công tác báo cáo, giải trình mới được xem là hoàn thành vụ án.

Trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Đức Hoà Lê Văn Lình, ông cho biết: “Không chỉ riêng những câu chuyện kể trên, tại đơn vị bất kỳ chấp hành viên nào cũng có tập hợp những câu chuyện về chuyện nghề thi hành án có giá trị ý nghĩa nhất định. Vì tính chất công việc chúng tôi khó có thể giải bày, nhiệm vụ vẫn là trên hết”.

Ông Lình chia sẻ thêm, bên cạnh những kết quả đạt được, đơn vị vẫn đối mặt với thách thức lượng án thụ lý nhiều trong đối sánh với biên chế chi cục chưa đáp ứng được nhu cầu. Dự báo năm 2025, lượng án thụ lý mới sẽ tăng nhiều hơn năm 2024, đa số các vụ việc có giá trị lớn, tính chất phức tạp, khó thi hành…

Năm 2025, Chi cục THADS huyện Đức Hoà hy vọng sẽ tiếp tục huy động được sự phối hợp tốt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thị trấn trong công tác THADS, THAHC nhất là công tác vận động THA; phấn đấu đạt, vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Cục THADS tỉnh giao; trong đó về việc đạt trên 89,35%, về tiền đạt trên 66,70% trên số có điều kiện THA.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, công tác thi hành án dân sự (THADS) năm 2024 đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, với trên 621.000 vụ việc được thi hành xong, thu được trên 117.000 tỷ đồng (tăng hơn 45.000 vụ việc và tăng hơn 27.000 tỷ đồng so với năm 2023).

Long An là địa bàn có lượng án lớn với nhiều vụ việc phức tạp như Hồng Phát, Happy Land, Dệt Long An… Tuy nhiên, trong năm 2024, các cơ quan THADS tỉnh Long An đã thi hành đạt và vượt cả hai chỉ tiêu về việc và tiềnvà được xếp loại xuất sắc, giải quyết xong hơn 18.440 việc, tăng 2,01% so với cùng kỳ năm 2023, đạt tỷ lệ 85%.

Chi cục THADS huyện Đức Hòa 6 năm liền luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bộ Tư pháp công nhận danh hiệu thi đua “Tập thể lao động xuất sắc” (giai đoạn 2018-2023); 02 lần được Bộ Tư pháp tặng cờ thi đua Ngành.

Đọc thêm