Chuyện nghề Thi hành án Dân sự

Chi cục trưởng Lý Văn Vĩnh kể về những trăn trở từ bản án "ký vào giấy trắng" kéo dài ba năm

(PLVN) - Trong hành trình hơn 20 năm công tác, ông Lý Văn Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Cao Bằng, đã chứng kiến không ít vụ việc đầy thử thách. Nhưng với ông, câu chuyện về vụ án thi hành án liên quan đến bà H.T.N và bà H.T.M.H tại phường Hợp Giang là một trong những trường hợp để lại nhiều day dứt nhất. Vụ án kéo dài ba năm không chỉ bởi tính pháp lý phức tạp, mà còn bởi hoàn cảnh khó khăn của gia đình người phải thi hành án.
Ông Lý Văn Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Lê Hanh)
Ông Lý Văn Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Lê Hanh)

Bản án "định mệnh"

Theo Bản án số 18/2021/DS-ST ngày 29/4/2021 của Tòa án Nhân dân TP Cao Bằng, bà H.T.N (84 tuổi) và con gái bà, H.T.M.H, phải liên đới trả cho bà H.T.L số tiền hơn 666 triệu đồng, bao gồm cả lãi suất chậm thi hành án.

Câu chuyện bắt đầu khi bà L. đòi lại số tiền mà bà N. khẳng định chưa từng vay. Bà N khai rằng con gái mình, bà H, đã đánh đề thua và phải vay tiền của bà L. để trả nợ.

Do áp lực đòi nợ, bà H. lấy trộm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và di chúc của mẹ rồi nhờ bà N. ký vào một tờ giấy trắng với lý do "để xin hỗ trợ Covid". Bà N ký và điểm chỉ mà không biết sau đó con gái đã biến tờ giấy này thành giấy vay nợ.

Sau khi bản án có hiệu lực, bà N. gửi đơn kháng cáo, đề nghị Tòa án Nhân dân Cấp cao xem xét lại, nhưng không thành công. Quyết định buộc bà N. và bà H. thi hành án vẫn được giữ nguyên.

Bà N. đã 84 tuổi, sống trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ – tài sản duy nhất của gia đình. Bà bị nhiều bệnh mãn tính như cao huyết áp, suy tim sung huyết và suy thận mạn tính, khiến sức khỏe ngày càng suy yếu. Thu nhập của bà chỉ dựa vào khoản trợ cấp hơn 1 triệu đồng mỗi tháng. Con gái bà, bà H, không có việc làm ổn định, chỉ bán vé số để nuôi con nhỏ 6 tuổi.

Khi làm việc với cơ quan THADS, bà H. đề xuất được trả góp mỗi tháng 1-2 triệu đồng, nhưng bà L., người được thi hành án, không đồng ý. Bà L. yêu cầu thi hành toàn bộ số tiền theo quy định của pháp luật.

Sau khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án, chấp hành viên đã tiến hành xác minh điều kiện thi hành án và nhận thấy bà N. và bà H. không còn tài sản nào khác ngoài căn nhà và đất gắn liền tại phường Hợp Giang. Tuy nhiên, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ gia đình, dẫn đến việc phải làm rõ các thành viên trong hộ để xác định quyền sở hữu tài sản.

Quá trình này mất nhiều thời gian khi các thành viên trong gia đình không đồng ý ký vào biên bản giải quyết tài sản. Dù chấp hành viên đã vận động, giải thích và thuyết phục, nhưng bà N. và bà H. vẫn không chấp nhận bàn giao tài sản. Họ liên tục gửi đơn kêu oan và xin hoãn thi hành án, song không đủ điều kiện pháp lý để tạm hoãn.

Tòa án phân chia tài sản chung

Để đảm bảo thi hành án, chấp hành viên đã yêu cầu Tòa án TP. Cao Bằng phân chia tài sản chung của gia đình. Quyết định phân chia khẳng định căn nhà và quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của bà N., cho phép kê biên tài sản để thi hành án. Tuy nhiên, bà N. và bà H. tiếp tục kháng cáo lên Tòa án Cấp cao, nhưng không được chấp nhận.

Sau phán quyết cuối cùng, Chi cục THADS đã ban hành quyết định cưỡng chế tài sản. Trước khi thực hiện, cơ quan chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương và các bên liên quan để chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Những trăn trở từ bản án

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Lý Văn Vĩnh không khỏi xót xa khi chứng kiến hoàn cảnh của bà N. Với sức khỏe yếu, tuổi cao, bà N. phải đối mặt với việc mất đi ngôi nhà duy nhất – nơi sinh sống của bà, con gái và cháu nhỏ.

Từ bản chất vụ việc, ông nhận thấy bà N. thực chất là nạn nhân của con gái mình, người đã lừa bà ký vào tờ giấy trắng. Nhưng vì không có bằng chứng, Tòa án không thể thay đổi phán quyết.

Ông Lý Văn Vĩnh và các chấp hành viên Chi cục THADS thành phố Cao Bằng , tỉnh Cao Bằng trao đổi với người dân trong một vụ việc phải tiến hành cưỡng chế. (Ảnh: Lê Hanh)

Ông Lý Văn Vĩnh và các chấp hành viên Chi cục THADS thành phố Cao Bằng , tỉnh Cao Bằng trao đổi với người dân trong một vụ việc phải tiến hành cưỡng chế. (Ảnh: Lê Hanh)

Một điểm khác khiến ông Vĩnh trăn trở là việc cưỡng chế tài sản này có thể đẩy gia đình bà N vào cảnh bất hạnh. Pháp luật chỉ quy định dành một phần tiền từ bán đấu giá tài sản để hỗ trợ thuê nhà trong một năm. Sau khoảng thời gian này, tương lai của gia đình vẫn là một dấu hỏi lớn.

Dù việc cưỡng chế đã hoàn tất an toàn, Chi cục THADS TP Cao Bằng đang thực hiện các bước thẩm định giá và bán đấu giá tài sản. Số tiền thu được sẽ dùng để thanh toán nghĩa vụ thi hành án theo quy định. Gia đình bà N tạm thời được phép tiếp tục sử dụng tài sản kê biên đến khi có người mua trúng đấu giá.

Nhìn lại toàn bộ vụ việc, ông Lý Văn Vĩnh chia sẻ rằng, đây là một trong những vụ án khiến ông trăn trở nhất trong gần 20 năm công tác. Câu chuyện không chỉ cho thấy thách thức của công tác thi hành án, mà còn phản ánh những góc khuất trong cuộc sống, nơi mà hoàn cảnh khó khăn và thiếu hiểu biết pháp luật đã đẩy một gia đình vào bế tắc.

Ông mong muốn rằng, trong tương lai, hệ thống pháp luật sẽ có những điều chỉnh phù hợp hơn để bảo vệ những người yếu thế, đồng thời tăng cường giáo dục pháp luật để hạn chế các tình huống tương tự xảy ra.

Đọc thêm