Chỉ địa phương có dịch mới cho học sinh, sinh viên nghỉ học

(PLVN) - Tại cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đánh giá việc phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc Covid-19 ngày 21/2 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: Theo quy định, chỉ địa phương có dịch mới được cho học sinh, sinh viên nghỉ học. Nếu tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học thì sẽ rất khó khăn thực hiện chương trình giáo dục.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong khi đó các địa phương đang có ý kiến khác nhau về thời điểm cho học sinh, sinh viên đi học lại. Đa số các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương muốn cho học sinh, sinh viên sớm đi học trở lại. Riêng TP HCM đề nghị cho học sinh nghỉ hết tháng 3 và vấp phải ý kiến phản ứng của công luận và một số Sở GD&ĐT.

Trả lời báo chí, Bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai nói: "Việc học sinh tiếp tục nghỉ học hết tháng 3 sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch dạy học, kiến thức của học sinh. Cho học sinh nghỉ tiếp hay không phải tùy vào diễn biến dịch bệnh".

Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, Nguyễn Hồng Oanh cho rằng, TP HCM với quy mô dân số lớn, đề xuất cho học sinh nghỉ hết tháng 3 chỉ nên xem xét đối với TP này, còn các địa phương khác thì "chưa cần thiết". Việc lùi thi THPT quốc gia ảnh hưởng tới nhiều hoạt động, lấn sang cả năm học 2020-2021. 

Chung quan điểm, lãnh đạo ngành giáo dục một tỉnh ở Tây Nguyên cũng cho rằng, hiện tại Chính phủ không nên đồng ý với kiến nghị của TP HCM. Lý do TP HCM đưa ra trong bản kiến nghị chưa thuyết phục, bởi tình hình dịch trên cả nước đang tốt lên.

Thông báo chính thức từ Bộ Y tế, ngày 21/2, đã có 15/16 người nhiễm Covid-19 bình phục, chỉ còn 28 ca nghi nhiễm đang được cách ly theo dõi. Như vậy là đã 8 ngày liên tiếp nước ta không có trường hợp mắc mới. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận việc Việt Nam đã xử lý dịch bệnh Covid-19 rất tốt. Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ở giai đoạn đầu của dịch - tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành.

Các trường hợp đã nhiễm virus Corona tại Việt Nam không có học sinh nào và đối với các nước (ngoài Trung Quốc) cũng chưa có trường hợp nào học sinh mắc bệnh, cũng không có lệnh cho nghỉ học.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nhận định: Thời tiết đang dần ấm lên, độc lực của virus đã giảm. Chúng ta hoàn có thể nhanh chóng phát hiện, khoanh vùng dập dịch tại chỗ, điều trị hiệu quả và khống chế được dịch bệnh, bảo đảm môi trường dịch tễ an toàn cho các hoạt động kinh tế, xã hội.

PGS. TS Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa 13) cho rằng việc cho học sinh nghỉ học thời gian vừa rồi là cần thiết, thận trọng. Nhưng nay công tác phòng chống dịch đạt kết quả rất tốt, các địa phương hoàn toàn có thể cân nhắc cho các cháu trở lại học tập.

Nữ PGS này trấn an các phụ huynh: “Lo lắng là điều dễ hiểu, nhưng ở Việt Nam không hề mất kiểm soát, ngay cả trước đây có nhiều loại dịch bệnh thì chúng ta đều kiểm soát tốt. Nhờ những nỗ lực ấy mà Tổ chức Y tế thế giới luôn đánh giá rất cao Việt Nam, là một trong những quốc gia đi đầu trong phòng chống dịch bệnh, thậm chí vượt qua nhiều nước phát triển hiện đại”.

Được biết tại cuộc họp ngày 21/2 triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đánh giá việc phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc Covid-19 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết: Tại nhiều nước có ca nhiễm Covid-19 (Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…), học sinh, sinh viên vẫn đi học. Trong trường, người học, người dạy cũng không phải đeo khẩu trang.

Thứ trưởng Dũng cũng cho hay, WHO và một số tổ chức quốc tế, ngoại giao đoàn cũng đã khuyến nghị, với tình hình dịch bệnh hiện tại, đã đến lúc Việt Nam xem xét thời điểm cho học sinh, sinh viên đi học trở lại.

Thừa nhận nếu tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học thì sẽ rất khó khăn thực hiện chương trình giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD&ĐT đang xem xét phương án cho học sinh, sinh viên đi học trở lại. 

Trả lời PV, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng nhiều tỉnh, thành cần cho học sinh đi học. “Vấn đề quan trọng là ngành giáo dục, y tế và chính quyền địa phương phải nắm chắc tình hình, tổ chức, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho học sinh, giáo viên và phụ huynh, bảo đảm an toàn cho học sinh học tập”, GS Thuyết nói. 

Trước đó Bộ GD - ĐT cho phép lùi thời gian kết thúc năm học tới tháng 7, nhưng nếu các địa phương nỗ lực thì hoàn toàn có thể đẩy nhanh hơn, tránh cho trẻ nhỏ phải đi học vào thời gian nắng nóng cực điểm, nhiều ngày vượt trên 40 độ C, gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và khả năng tiếp thu bài học của học sinh. Đó cũng là lý do vì sao thời gian kết thúc năm học tại Việt Nam được ấn định vào cuối tháng 5 từ nhiều năm qua.

Đọc thêm