Đây là quan điểm chỉ đạo của ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hài Dương trong Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi diễn ra ngày 5/5 vừa qua.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 4.2017, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh ước đạt 609.296 con, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2016, giảm 7,1% so với tháng 12.2016. Trong đó, đàn lợn nái ước đạt 79.920 con, tăng 4,4% so với cùng kỳ, giảm 2,7% so với tháng 12.2016; lợn thịt ước 528.590 con, tăng 2,9% so với cùng kỳ và giảm 8,9% so với tháng 12.2016, sản lượng thịt hơi ước đạt 34.147 tấn. Toàn tỉnh còn tồn đọng 100.000 con lợn thịt, trọng lượng trên 1 tạ/con. Hiện tại, giá bán thịt lợn hơi đang dao động từ 15.000-23.000 đồng/kg.
Tại Hội nghị đã có 14 ý kiến tập trung đi sâu phân tích thực trạng, nguyên nhân và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi lợn. Đa số các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng nguyên nhân dẫn đến giá lợn giảm kỷ lục thời gian qua do người dân ồ ạt đầu tư vào chăn nuôi lợn. Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ không thay đổi, thậm chí còn giảm.
Theo ông Nguyễn Văn Nhiên, chủ trang trại nuôi lợn ở xã Văn Tố (Tứ Kỳ), một thời gian dài việc chăn nuôi, tiêu thụ lợn trong tỉnh tương đối ổn định. Đặc biệt, đầu năm 2016, giá lợn hơi lên đến 55.000 đồng/kg, người nuôi lãi cao, vì vậy nhiều hộ đã ồ ạt mở rộng quy mô chuồng trại, phát triển đàn lợn nái, lợn thịt. Không khai thông được thị trường xuất khẩu chính ngạch, lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá lợn thấp kỷ lục.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Hải Dương cho biết: Khi giá lợn giảm sâu, để chia sẻ, đồng hành với người nuôi lợn, công ty đã giảm 200 đồng/kg cám. Công ty cũng cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân xây dựng chế độ ăn hợp lý để vật nuôi vẫn bảo đảm sức khỏe mà lại giảm được chi phí thức ăn.
Tuy nhiên, ông Chiến cũng chia sẻ lo ngại, do giá bán thấp, chi phí cao, nhiều người sẽ bỏ đàn không chăm sóc, không cho vật nuôi ăn đầy đủ dẫn đến khả năng phòng chống dịch bệnh kém có thể làm bùng phát dịch bệnh trong thời gian tới.
Do đó, người chăn nuôi và cơ quan chức năng phải có biện pháp đề phòng dịch bệnh. Một số công ty chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi trên địa bàn đã công khai số điện thoại để người chăn nuôi liên hệ, công ty sẽ có biện pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tránh tâm lý bất an cho người nuôi.
Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Anh Cương cho rằng, để giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi lợn thì việc phải làm ngay là kích cầu tiêu thụ tại chỗ. Các ngành chức năng cần tạo điều kiện cho các HTX, các tổ chức chính trị - xã hội thu mua lợn của người dân và mở các điểm bán thịt lợn lưu động.
Các doanh nghiệp, siêu thị có biện pháp thu mua sản phẩm cho nông dân để cấp đông. Các công ty kinh doanh thức ăn, thuốc thú y điều chỉnh giá bán sản phẩm, hỗ trợ người chăn nuôi duy trì đàn vật nuôi.
Ngành ngân hàng tạo điều kiện cho người chăn nuôi được vay vốn để duy trì chăn nuôi. Đối với những hộ khó khăn có biện pháp giãn, hoãn nợ để họ có thời gian khôi phục chăn nuôi. Về lâu dài, ngành chăn nuôi cần quy hoạch lại, chú trọng phát triển chăn nuôi quy mô lớn, liên kết để giảm chi phí, hạ giá sản phẩm, tạo tính cạnh tranh trên thị trường. Mở rộng thị trường xuất khẩu, hướng đến xuất khẩu chính ngạch chứ không chỉ là tiểu ngạch như hiện nay.
Ông Cương nhấn mạnh: "Muốn chăn nuôi lợn ổn định, lâu dài, người chăn nuôi phải chú trọng tìm hiểu thị trường để làm ra các sản phẩm thị trường cần chứ không phải bán sản phẩm mình có. Người chăn nuôi không nên thấy khó khăn mà dừng hẳn việc chăn nuôi, nên duy trì ở quy mô, mức độ vừa phải. Bởi nếu người chăn nuôi không tiếp tục chăn nuôi, không tái đàn thì chỉ khoảng 4-5 tháng nữa, thịt lợn sẽ khan hiếm, giá lại đội lên cao, nông dân sẽ lại ồ ạt tái đàn và lại tiếp tục rơi vào bế tắc như hiện nay".